Điều hành chính sách tiền tệ 2011: Ghìm cương những “con ngựa bất kham”

Năm 2011, ngành ngân hàng đối mặt với rất nhiều cơn “sóng dữ”, lãi suất liên tục tăng cao do áp lực lạm phát, thị trường vàng “chao đảo” bởi giá vàng thế giới trồi sụt liên tục và sự làm giá của các doanh nghiệp trong nước, thị trường ngoại tệ “thi thoảng” lại lên cơn “sốt nóng”. Nhưng hơn hết, những “con ngựa bất kham” này đã dần được ngành ngân hàng “ghìm cương”, đưa thị trường dần dần vào ổn định và tạo được lòng tin với người dân.

Nhiều con sóng lớn

Trong những năm qua, thị trường ngân hàng đã bộc lộ những yếu kém, lãi suất thường xuyên dâng cao do áp lực lạm phát; thị trường vàng, ngoại tệ liên tục lên cơn sốt… Nhưng hơn hết là việc “nhờn” chính sách của một bộ phận ngân hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng, ngoại tệ.

Khách hàng giao dịch tại Hội sở của Vietcombank. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Năm 2011 cũng không ngoại lệ, ngay từ đầu năm lạm phát đã tăng cao, thị trường ngân hàng nhiều lần xảy ra các cuộc đua lãi suất huy động, ngân hàng nhỏ cạnh tranh huy động vốn với ngân hàng lớn bằng mọi cách, nhằm lôi kéo khách hàng về phía mình. Một số ngân hàng dùng các khoản tiền huy động ngắn hạn cho vay dài hạn, đến khi lãi suất dâng cao thì rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản, gây mất ổn định cả hệ thống, dẫn tới cuộc đua lãi suất không có hồi kết trên thị trường.

Đặc biệt, thị trường ngoại hối thường “sốt cao” vào thời điểm đầu và cuối năm, bên cạnh đó là tình trạng găm giữ ngoại tệ của không chỉ người dân mà cả các doanh nghiệp, tập đoàn, đợi tới thời điểm cuối năm mới tung ra như một kiểu buôn tiền tự do, khiến thị trường nhiều phen “chao đảo”. Thị trường vàng thì bị “tin đồn” và “làm giá” tấn công khiến dư luận hoang mang, gây thiệt hại lớn cho người dân.

Đứng trước đầy rẫy những bất cập, khó khăn trên, đòi hỏi người “chèo lái” con thuyền phải vững vàng và có những quyết sách kịp thời.

Nói là làm

Để giải quyết ngay những bất cập đang tồn tại, NHNN đã đưa ra một loạt các biện pháp đi kèm chế tài xử lý nghiêm khắc. Tháng 9/2011, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình yêu cầu các nhà băng cam kết lãi suất huy động dưới 14%/năm, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm vượt trần lãi suất của HD Bank, DongA bank, Agribank... để làm gương. Và hiệu ứng là, đến cuối tháng 10, thị trường đã dần dần ổn định, lãi suất đầu ra tại khu vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu giảm tới 2%, xuống còn 17-19%/năm; lãi suất cho vay khác giảm khoảng trên 1%/năm.

Đối với thị trường ngoại tệ, NHNN phối hợp với các cơ quan an ninh xử lý mạnh tay việc giao dịch trái phép như: Vụ giao dịch trái phép 400.000 USD được thực hiện tại Ngân hàng Eximbank chi nhánh Hà Nội; hay vụ giao dịch trái phép 500.000 USD tại phòng giao dịch Phan Xích Long thuộc Ngân hàng Eximbank tại TP Hồ Chí Minh gần đây.

Những vụ giao dịch ngoại hối không đúng quy định bị xử lý khiến những kẻ đầu cơ không còn cơ hội “lũng đoạn”, tỷ giá ngoại tệ được giữ ổn định trong suốt thời gian dài, hơn nữa cảnh giao dịch tự do đã được hạn chế rất nhiều. Trước đây, người dân có thể ra bất cứ tiệm vàng nào cũng mua được ngoại tệ thì nay phải vào hệ thống ngân hàng, trật tự được lập lại trên thị trường, hạn chế việc đầu cơ “ngoại tệ” gây sốt ảo trên thị trường, chênh lệch tỷ giá giữa thị trường chính thức và tự do được kéo gần. Người dân bắt đầu tin tưởng hơn vào mục tiêu kiềm chế tỷ giá của NHNN.

Để hạ nhiệt thị trường vàng, NHNN cấp quota nhập khẩu vàng, lập nhóm 5 ngân hàng cùng SJC bình ổn giá, cho cân đối trên tài khoản nước ngoài... Những bước đi đó đã khiến thị trường vàng hạ nhiệt, không còn cảnh người dân đổ xô đi mua - bán vàng khi giá biến động, khoảng cách giữa giá trong nước và thế giới được thu hẹp.

Nói về công tác điều hành, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, trong những lúc khó khăn nhất của nền kinh tế, nếu chúng ta không có những biện pháp quyết liệt thì chắc lạm phát không dừng ở mức 18%, mà có thể lên tới trên 30%.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, trong năm 2011, NHNN đã có những nỗ lực lớn trong điều hành vĩ mô, đã kiểm soát được lạm phát. Từ tháng 8/2011 tới nay, lạm phát có chiều hướng đi xuống. Đó là dấu hiệu rất tích cực.

Bên cạnh đó, NHNN đưa được đồng vốn vào các lĩnh vực tạo ra sản phẩm, ông Bình cho biết: “Năm 2011 tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống khoảng 15%, nhưng riêng tín dụng của khu vực sản xuất tính đến hết tháng 10/2011 đã tăng 15,5%. Như vậy tín dụng cho sản xuất tăng rất cao. Tín dụng cho xuất khẩu đạt con số kỷ lục trong 10 năm qua, tính tới quý IV/2011 tín dụng cho nông nghiệp lên tới 24%, đây là con số cao.

Tái cơ cấu mạnh mẽ

Mặc dù, thị trường đã ổn định nhưng những bất cập của hệ thống ngân hàng tồn tại đã nhiều năm không thể “chữa lành” trong một sớm một chiều. “Khi các cơn “sốt” đã hạ nhiệt thì cũng là lúc NHNN “bắt tay” vào việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Nhằm giải quyết triệt để, không để một vài “con sâu làm rầu nồi canh” chung, hệ thống ngân hàng sẽ tái cơ cấu mạnh mẽ trong năm 2012. Như báo cáo trong phiên khai mạc Quốc hội ngày 20/10/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, ngay trong năm 2012, Chính phủ sẽ tiến hành tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, theo hướng giảm nhanh số lượng các ngân hàng và tổ chức tín dụng yếu kém, đồng thời tăng hợp lý về quy mô, tạo điều kiện cho các ngân hàng có khả năng phát triển.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, mục tiêu trước mắt của việc tái cơ cấu là xây dựng được hai ngân hàng Việt Nam có đủ tiềm lực và khả năng cạnh tranh trong khu vực. Ngoài ra hệ thống cần khoảng 10 - 15 ngân hàng đủ lớn để làm trụ cột trong nền kinh tế.

“Việc làm này sẽ không gây sốc cho người dân và đảm bảo quyền lợi của các bên, ném chuột không để vỡ bình”, ông Bình nói.

Bên cạnh đó, NHNN vẫn đứng trước áp lực phải giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp trong năm 2012. Đây cũng là những nhiệm vụ không hề đơn giản của ngành ngân hàng.

“Việc tiếp tục giảm lãi suất là nhu cầu tất yếu của nền kinh tế nhưng chúng ta phải tiến hành nó trong bối cảnh kiềm chế lạm phát. Với dấu hiệu lạm phát giảm trong thời gian qua sẽ tạo cơ sở vững chắc cho hệ thống ngân hàng giảm lãi suất, tạo đà cho hoạt động sản xuất năm 2012”, ông Bình nói.

Những chính sách của NHNN bước đầu đã tạo được lòng tin đối với người dân, tuy nhiên những khó khăn của kinh tế được dự báo còn tiếp diễn, đòi hỏi hệ thống ngân hàng phải nhanh chóng hoàn thiện, đồng thời chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp và nền kinh tế trong năm 2012.

Hữu Vinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN