Coi trọng chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương (CIEM ) cho rằng, Việt Nam cần coi thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) như một động lực quan trọng và đang vận hành tốt trong phát triển kinh tế Việt Nam. Trong đó, cần coi trọng chất lượng dòng vốn FDI.

Quy mô dự án FDI đang nhỏ dần

Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhìn vào thực tế, hiện vẫn rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quyết định đầu tư vào Việt Nam; trong đó có nhà đầu tư Trung Quốc, Đài Loan. Điều này cho thấy họ tiếp tục tin tưởng vào tiềm năng và môi trường đầu tư của Việt Nam.

Samsung là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại tỉnh Bắc Ninh.


Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, tính đến ngày 20/10, đã có khoảng 10,15 tỷ USD vốn FDI được giải ngân, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả tích cực và nguyên nhân là do một số dự án lớn được cấp chứng nhận đầu tư từ các năm trước đang giải ngân rất nhanh. Dự kiến cả năm nay, vốn thực hiện có khả năng đạt 12,5 tỷ USD, tăng 8,7% so với năm 2013.

Tuy nhiên, theo công bố của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các dự án FDI đăng ký mới và tăng vốn lại sụt giảm. Tính đến ngày 20/10, cả nước có 1.306 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 9,95 tỷ USD, bằng 76,1% so với cùng kỳ năm 2013. Bên cạnh đó, có 469 lượt dự án tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,74 tỷ USD, bằng 60,9% so với cùng kỳ năm 2013. Như vậy, tính chung cả cấp mới và tăng vốn trong 10 tháng của năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 13,7 tỷ USD, bằng 71,2% so với cùng kỳ 2013.

Giải thích nguyên nhân về vốn đăng ký FDI sụt giảm, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Nội cho biết, vốn đăng ký giảm có nguyên nhân là do số lượng dự án quy mô lớn trong năm nay không nhiều, trong khi năm 2013 có nhiều dự án quy mô lớn được cấp phép.

Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, quy mô dự án FDI đang nhỏ dần đi. Hiện số dự án có vốn đầu tư trên 1 tỷ USD là rất thấp, còn số dự án có vốn đầu tư dưới 5 triệu USD lại chiếm tới khoảng 70% tổng số dự án. Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, hiện nay, đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì cần lưu ý hiện tượng có khá nhiều doanh nghiệp nhỏ đã được cấp phép trong khi nước ta cần coi trọng hơn chất lượng FDI.

“Nếu không quy định minh bạch và công khai một số điều kiện thành lập doanh nghiệp FDI mà áp dụng không ghi ngành nghề kinh doanh, không quy định vốn tối thiểu từng ngành, lĩnh vực thì không biết điều gì sẽ xảy ra”, GS Nguyễn Mại băn khoăn.

Có nhiều lý do giải thích cho việc vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục xu hướng sụt giảm so với năm trước. Một trong những nguyên nhân vẫn là câu chuyện môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam chưa thực sự được cải thiện một cách đột phá so với các thị trường trong khu vực. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, thu hút đầu tư nước ngoài của chúng ta chưa tạo được động lực phát triển cho doanh nghiệp trong nước.

Cần có định hướng rõ ràng


Để nâng cao hiệu quả thu hút FDI trong năm 2014 và những năm tới, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, ngành sẽ thu hút đầu tư theo hướng tăng cường thu hút dự án quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

Bên cạnh đó, định hướng thu hút FDI trong thời gian tới sẽ tập trung cho các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và nông lâm ngư; các hoạt động sản xuất ở chuỗi giá trị cao hơn trong mạng sản xuất toàn cầu và khu vực để bù đắp thiếu hụt đầu tư do sự dịch chuyển FDI từ Việt Nam sang các nước có chi phí lao động thấp hơn. Đối với các dự án khai thác tài nguyên chỉ cấp phép cho các dự án chế biến sâu, với công nghệ máy móc thiết bị hiện đại và có phương án xứ lý môi trường; hạn chế các dự án thâm dụng lao động mà không đòi hỏi công nghệ, giá trị gia tăng thấp. Đồng thời, thu hút các dự án vào các ngành sản xuất đầu vào trung gian, các dự án dịch vụ trung gian và dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Trong đó, quan trọng là thu hút FDI vào ngành công nghiệp hỗ trợ.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam cần có chiến lược thu hút thị trường và đối tác phù hợp với từng loại hình. Bên cạnh đó, chăm sóc tốt các nhà đầu tư hiện hữu tại Việt Nam và cải thiện hơn nữa hình ảnh trong cộng đồng các nhà đầu tư hiện hữu. Đây sẽ là kênh quảng bá cực kỳ quan trọng đến cộng đồng đầu tư nước ngoài.

Viện trưởng Nguyễn Đình Cung thì cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương nên có định hướng một cách rõ ràng, đặc biệt cần đặt ra những tiêu chí tương đối rõ ràng trong cách lựa chọn các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các địa phương cần có những chính sách minh bạch và công bằng vì lợi ích của cả hai phía. Với cách tiếp cận đó thì Việt Nam hoàn toàn phù hợp với bối cảnh hiện nay và đặc biệt với những nơi như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay các tỉnh lân cận khi chất lượng của dự án đầu tư, chất lượng nhà đầu tư cần được coi trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Thúy Hiền

Các khu công nghiệp ở Đồng Nai thu hút gần 1,4 tỷ USD vốn FDI
Các khu công nghiệp ở Đồng Nai thu hút gần 1,4 tỷ USD vốn FDI

Ông Mai Văn Nhơn, Phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, từ đầu năm đến nay, các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 1,4 tỷ USD vốn đầu tư FDI.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN