Chưa thể bỏ trần lãi suất đến tháng 6/2012

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã khẳng định như vậy tại cuộc trao đổi với báo chí chiều 11/1.

Hoạt động giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, trong quý I này, NHNN sẽ tập trung xử lý các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém, khoanh vùng các TCTD này; đồng thời nâng cao tính thanh khoản cho các TCTD bằng cách mạnh tay hơn trong việc cung tiền để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc cung tiền của NHNN cho các TCTD sẽ ở mức độ phù hợp để tránh ảnh hưởng đến CPI. Khi NHNN kiểm soát được tốt hơn tính thanh khoản của các TCTD thì lúc đó mới có hy vọng bỏ trần lãi suất.

Thống đốc khẳng định: Khi lượng cung tiền nhiều, nhu cầu về tiền bớt đi thì mới có cơ hội hạ lãi suất. Tuy nhiên, trong tình trạng các ngân hàng đang thiếu tính thanh khoản như hiện nay thì chưa thể hạ lãi suất ngay. Quy định trần lãi suất mà không thắt chặt tín dụng thì không đồng bộ, vì vậy trong điều kiện nhu cầu vốn vẫn rất lớn quyết định hạ trần lãi suất để hệ thống ngân hàng có thể huy động vốn ở mức lãi suất nhất định nhằm cho vay với mức lãi suất còn chấp nhận được.

Trả lời về tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện nay, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng những kịch bản diễn ra trong hệ thống ngân hàng năm 2012, NHNN đã dự đoán từ tháng 6 năm trước. Trong một thời gian dài, chúng ta đều huy động vốn ngắn hạn và cơ cấu vốn trong nhiều năm qua cũng là vốn ngắn hạn. Trước đây, NHNN quy định 40% là được sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn và năm 2010, NHNN đã rút xuống còn 30%. Nhưng thực tế trong suốt thời gian qua, việc tuân thủ các quy định đó rất yếu và kéo dài trong rất nhiều năm làm cho dư nợ tăng lên, dư nợ cho vay trung và dài hạn cũng tăng lên và tỷ trọng cho vay trung và dài hạn đã cao hơn mức 30 - 40%. Cá biệt có những TCTD cho vay gần 100% vốn, tức huy động bao nhiêu, cho vay bấy nhiêu, hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường. Như vậy rất nguy hiểm, gây rủi ro cao về tính thanh khoản của các TCTD.

Vấn đề chung của nền kinh tế hiện nay chính là tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Nguyên nhân lớn nhất theo Thống đốc là do ngân hàng sử dụng cơ cấu vốn không đúng. Mặc dù giữa tổng dư nợ tín dụng và tổng tài sản các ngân hàng nhận thế chấp là phù hợp với quy định hiện hành nhưng cơ cấu giữa nguồn và sử dụng nguồn vốn của các TCTD không phù hợp đã dẫn tới tính thanh khoản của các ngân hàng yếu. “Nếu bơm tiền ra mà không thay đổi tập quán của nền kinh tế thì bơm bao nhiêu cho đủ? Muốn vậy phải tái cấu trúc theo nguyên tắc không để xảy ra đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát, từng bước nâng cao tính an toàn, lành mạnh và hiệu quả của hệ thống ngân hàng. Kiên quyết xử lý dứt điểm những ngân hàng hoạt động yếu kém, tạo thuận lợi cho các TCTD hoạt động an toàn, hiệu quả. Mục tiêu cuối cùng là làm cho thị trường tiền tệ trở về đúng nghĩa của nó”, Thống đốc nói.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, tăng trưởng tín dụng trong năm 2011 là 13%, chỉ bằng gần 1/3 tăng trưởng tín dụng các năm trước, nhưng vẫn đảm bảo tăng trưởng kinh tế gần 6% đã chứng tỏ dòng vốn tín dụng đưa vào nền kinh tế có hiệu quả cũng như chất lượng giữa vốn và tăng trưởng được nâng lên. Việc thắt chặt tăng trưởng tín dụng cũng khiến giảm tỷ trọng nhập khẩu các mặt hàng máy móc thiết bị, từ đó giảm tỷ lệ nhập siêu. Vì vậy, chính sách điều hành tiền tệ trong thời gian tới của NHNN là vẫn tiếp tục hỗ trợ đồng Việt Nam, ổn định đồng ngoại tệ, tỷ giá sẽ phấn đấu biến động ở mức từ 2 - 3%, dự báo cán cân thanh toán của Việt Nam trong năm 2012 sẽ dư khoảng 3 tỷ USD.

Hữu Vinh - Mai Phương
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN