Cầu nối giúp nông dân thoát nghèo

Được sự hỗ trợ vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), hàng ngàn hộ nông dân ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đã vươn lên ổn định cuộc sống, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn trên 11%.

Từ năm 2003 đến nay, doanh số cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đạt 178.000 tỷ đồng, với hơn 11,4 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn phát triển kinh tế. Vốn vay ưu đãi đã giúp 2,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 2,5 triệu lao động; 2,8 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải học tập…, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Trong ảnh: Gia đình anh Nguyễn Văn Thái, ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái) vay vốn Chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để sản xuất gỗ bóc xuất khẩu. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Ông Văn Đức Thọ, Phó giám đốc Chi nhánh NHCSXH Thừa Thiên - Huế cho biết: Toàn tỉnh có 152/152 điểm giao dịch lưu động ở xã, phường, thị trấn, cùng với mạng lưới gần 1.052 tổ tiết kiệm vay vốn đã phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương thực hiện từ tuyên truyền, xét đối tượng, làm thủ tục cho vay đến giám sát thực hiện nguồn vốn, hạn chế đến mức thấp nhất vốn sử dụng không đúng mục đích. Đến nay, tổng dư nợ của vốn vay ưu đãi cho nông dân trên địa bàn tỉnh đạt trên 422 tỷ đồng; năm 2011 đã giải ngân gần 66 tỷ đồng cho 43.030 hộ vay. Các chương trình cho vay ưu đãi tập trung cho các hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn vốn trên đóng vai trò quan trọng, giúp nhiều nông hộ có điều kiện phát triển sản xuất, thực hiện các mô hình kinh tế mới đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác xóa đói, giảm nghèo.

Gia đình ông Huỳnh Tấn Cam ở xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc là một điển hình thoát nghèo nhờ vay vốn ngân hàng. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, do thiếu vốn, thiếu kiến thức kỹ thuật nên canh tác lúa kém hiệu quả, đời sống gặp nhiều khó khăn. Đầu năm 2007, ông được Hội Nông dân huyện Phú Lộc đứng ra tín chấp với NHCSXH huyện vay 20 triệu đồng vốn ưu đãi hộ nghèo để xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, bò. Nhờ chăm chỉ và áp dụng các biện pháp chăn nuôi khoa học, sau một năm gia đình ông Cam đã trả nợ hết ngân hàng và tiếp tục vay thêm 30 triệu đồng để đầu tư mở rộng quy mô trang trại, kinh doanh nước mắm, mắm tôm. Đến nay gia đình ông không chỉ thoát nghèo mà còn xây dựng cơ ngơi khang trang, nuôi các con ăn học tử tế. Ngoài ra ông còn giải quyết cho 2 lao động thường xuyên với mức lương ổn định 2 triệu đồng/tháng.

Kể về con đường thoát nghèo, anh Huỳnh Văn Hiệp, thôn Phò Nam B, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền chia sẻ: Lúc lập gia đình ra ở riêng với 2 bàn tay trắng, hai vợ chồng anh phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Năm 2008, được NHCSXH huyện cho vay 20 triệu đồng, anh đào ao thả cá, xây dựng chuồng trại nuôi lợn, hệ thống hầm bioga. Nhờ thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn, bình quân mỗi năm gia đình anh thu được hơn 7 tạ cá, xuất chuồng hơn 100 con lợn thịt, 150 lợn giống cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Anh Hiệp cho biết: Tất cả những thứ tôi có hôm nay đều bắt đầu từ 20 triệu đồng của NHCSXH. Nếu không có vốn ưu đãi để làm ăn thì gia đình tôi còn nghèo mãi, không biết bao giờ mới khá lên được.

Từ nguồn vốn "tạo đà" ban đầu, hàng ngàn nông dân đã thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, hội nông dân các cấp còn tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nên xuất hiện ngày càng nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả như nuôi gà công nghiệp và trồng rau an toàn ở huyện Quảng Điền, nuôi lợn rừng ở Phú Lộc, nuôi ba ba ở Phú Vang, nuôi tôm trên cát ở Phong Điền, trồng cao su ở Hương Trà, Nam Đông và cà phê ở A Lưới. Vì vậy, trong hai năm qua toàn tỉnh đã bình chọn được gần 30.000 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Tường Vi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN