Cần quản lí chặt chẽ giá cước vận tải

Sau 3 lần tăng liên tiếp trong vòng một tháng qua, với mức tăng tổng cộng là 2.400 đồng/lít, giá xăng đang ở mức 23.000 đồng/lít. Mức tăng cao của giá xăng ảnh hưởng trực tiếp tới việc tăng giá cước các loại hình vận tải. Tuy nhiên, người dân mong muốn cơ quan chức năng có sự quản lí chặt chẽ để tránh tình trạng tăng giá tùy tiện.

 

Nhìn nhau và thăm dò


Bến xe Nước Ngầm Hà Nội là nơi vận tải hành khách đi các tỉnh miền Trung từ Nghệ An trở vào. Với lộ trình dài, giá vé xe phụ thuộc rất nhiều vào giá xăng dầu. Anh Nguyễn Văn Hiên, Công ty du lịch Văn Minh (lộ trình Hà Nội - Vinh - Cửa Lò) cho biết: Việc tăng giá trong thời điểm giá xăng dầu tăng cao là khó tránh khỏi. “Vận tải phụ thuộc vào xăng dầu, xăng dầu tăng thì giá cũng tăng”, anh Hiên than thở. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải tại bến mới chỉ đề xuất tăng giá vé chứ thực tế giá vé được niêm yết tại phòng bán vé vẫn ổn định như trước.


 

Bến xe khách Mỹ Đình (Hà Nội).

 

Anh Trịnh Hoài Nam, Tổ trưởng tổ kiểm soát, bến xe Nước ngầm cho biết: Bến xe Nước ngầm có khoảng 85 doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Hiện giờ chưa có doanh nghiệp vận tải nào niêm yết giá mới. Nếu có việc tăng giá vé là do nhà xe tự ý tăng và mức tăng cũng không cao. Anh Nam cũng cho biết, bến xe Nước Ngầm sẽ giám sát và có hình thức xử lí đối với những trường hợp nhà xe tự ý tăng giá vô lí.


Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc bến xe Mỹ Đình (Hà Nội), các doanh nghiệp vận tải hành khách đi các tỉnh Tây Bắc chưa điều chỉnh giá cước do giá xăng dầu lên xuống bất thường trong một thời gian ngắn. Khi điều chỉnh giá vé sẽ phải hủy vé cũ, in lại vé mới gây tốn kém.


Đại diện hãng xe Đại Phát xuất phát từ bến xe phía Nam cho biết hãng chưa tiến hành tăng giá vé. Mức vé xuất phát từ Hà Nội đi Đà Nẵng, bao gồm 1 suất ăn vẫn là 380.000 đồng, tức là giữ nguyên như cách đây khoảng một tháng. Còn hãng xe Lạc Đà thì vé Hà Nội - Huế là 300.000 đồng, vé Hà Nội - Đà Nẵng là 400.000 đồng, chỉ tăng 20.000 đồng so với thời điểm trước khi tăng giá xăng.


Các hãng taxi tại Hà Nội cũng mới đề xuất tăng giá. Đơn cử như hãng taxi Phù Đổng, giá vẫn giữ nguyên ở mức 11.500 đồng đối với 20 km đầu tiên và 10.000 đồng đối với các km tiếp theo. Anh Dương Văn Đạt, hãng taxi Phù Đổng cho hay: “Có thể ngay trong tuần này giá cước taxi sẽ tăng. Còn mức giá hiện tại vẫn áp dụng ổn định từ trước lần tăng giá xăng dầu gần đây nhất”. Đại diện hãng taxi Group cho biết, hãng đã lên phương án tăng giá cước khoảng 500 đồng/km. Ngay trong tuần này hãng sẽ áp dụng giá cước mới. Cụ thể, giá cước mở cửa với xe Vios là 14.000 đồng, các km tiếp theo là 14.300 đồng, từ km thứ 31 mức cước là 11.100 đồng. Mức cước với loại xe Innova lần lượt là 14.000 đồng, 15.600 đồng và 12.600 đồng.


Một số chuyên gia nhận định, sở dĩ các hãng xe khách và taxi vẫn chưa tăng giá ngay sau khi giá xăng tăng lên mức 23.000 đồng/lít là bởi trước đó, khi giá xăng dầu giảm 2 lần liên tiếp thì giá vé vẫn giữ nguyên. Riêng đối với taxi, để điều chỉnh giá cước, các hãng sẽ phải tốn nhiều tiền để kiểm định lại xe, dán thông báo mức giá mới. Do vậy các hãng này khá chần chừ.

 

Không để doanh nghiệp “té nước theo mưa”


Không chỉ chịu tác động từ giá xăng dầu, các doanh nghiệp vận tải còn gặp nhiều khó khăn do các chi phí khác cũng tăng như chi phí lao động, lương, chi phí bến bãi, giá nguyên vật liệu... Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu, lợi nhuận của các đơn vị vận tải và việc tăng giá sẽ là điều khó tránh khỏi.


Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, hiện nay tất cả các hãng taxi đã lên phương án tăng giá từ 300 - 800 đồng/km. Mức tăng trung bình là 500 đồng/km. Còn các hãng xe khách đều đề xuất tăng giá khoảng 5%. Ông Hùng đánh giá đây là mức tăng giá phù hợp. “Với mức tăng của xăng là 11%, dầu diezel tăng 8% thì mức giá các hãng vận tải đề xuất là hợp lí. Bây giờ chỉ còn là vấn đề thời gian. Giá có thể sẽ chính thức tăng vào cuối tháng 8 này”, ông Hùng cho biết.


Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cũng đồng ý với mức đề xuất tăng giá của các hãng taxi. “Hiệp hội đã nhận được đề xuất của hầu hết các hãng taxi tại Hà Nội. Việc giá xăng tăng 2.400 đồng/lít trong 3 lần tăng liên tiếp gần đây khiến giá cước taxi phải tăng và mức tăng từ 5 đến 7% là chấp nhận được”, ông Bình nói.


Thực tế, xăng dầu chiếm khoảng 40% trong tổng giá thành dịch vụ vận tải nên việc tăng giảm giá xăng dầu sẽ tác động không nhỏ đến giá thành vận tải. Tuy nhiên, trước khi giá xăng tăng 3 lần liên tiếp thì nó cũng đã có 2 lần giảm giá liên tiếp. Khi ấy hầu như các doanh nghiệp vận tải đều giữ nguyên giá. Đến thời điểm này, sau khi không thể bù lỗ thêm được nữa, các doanh nghiệp mới đề xuất tăng giá.


Mặc dù vậy, giải pháp lâu dài mà Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đề xuất là Nhà nước phải có cơ chế quản lý thật chặt giá xăng, tránh để xảy ra tình trạng các công ty xăng dầu lớn độc quyền thao túng thị trường. “Một khi giá xăng còn tăng lên quá cao như hiện nay thì các doanh nghiệp vận tải không thể không tăng theo. Nhà nước cần phải điều hành giá xăng dầu hiệu quả và linh hoạt hơn”, ông Hùng cho biết. Người dân cũng luôn mong muốn các cơ quan chức năng phải quản lí thật chặt, tránh để các doanh nghiệp “té nước theo mưa” với việc tăng giá quá nhiều.


Hoàng Dương

Giá cước taxi tăng đến 1.000 đồng/km
Giá cước taxi tăng đến 1.000 đồng/km

Ngày 16/8, một số doanh nghiệp vận tải hành khách bằng taxi và hàng hóa trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh đã thực hiện tăng giá cước vận chuyển từ 500 đến 1.000 đồng/km, sau các đợt tăng giá xăng dầu vừa qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN