Brunei, Campuchia nỗ lực chuẩn bị cho AEC

Campuchia đã đạt được những tiến bộ và chuyển biến kinh tế mạnh mẽ trong hai thập kỷ gần đây và đang hoàn thiện các bước chuẩn bị cho sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) trong khi Brunei đã và đang đẩy mạnh cải cách để đón đầu những cơ hội và thách thức mà AEC mang lại.

Brunei cải thiện môi trường kinh doanh

Với những thay đổi mà Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được dự báo sẽ mang lại cho khu vực, các chuyên gia tin rằng sự chuẩn bị là hết sức quan trọng và thời gian là điều cốt yếu. Nắm vững tinh thần này, Brunei đã và đang đẩy mạnh cải cách để đón đầu những cơ hội và thách thức mà AEC mang lại.

Một khu vực sầm uất tại Brunei.

Với nguồn tài nguyên phong phú về dầu lửa và khí đốt, Brunei có một nền kinh tế vững mạnh và là một trong những nước giàu nhất ở châu Á. Tuy nhiên, về thương mại, Brunei là nước phải nhập khẩu hầu hết các loại hàng hóa, đặc biệt là máy móc và lương thực, thực phẩm.

Với một nền kinh tế có độ mở lớn, phát triển chủ yếu dựa vào thương mại quốc tế, song thị trường nội địa nhỏ, sản xuất nông nghiệp không đáng kể, nên việc tham gia AEC được dự đoán sẽ mang lại cho Brunei nhiều lợi ích.

Tự do hóa thương mại và dịch vụ đi kèm với sự ra đời của AEC có thể giúp Brunei phát triển đa dạng các ngành kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào các ngành công nghiệp truyền thống như dầu mỏ và khí đốt. Bên cạnh đó, chính sách bầu trời mở ASEAN cho phép các hãng hàng không tự do vận chuyển hành khách và hàng hóa nội khối sẽ thúc đẩy phát triển du lịch trong khu vực, một trong những ngành tiềm năng của Brunei.

Ngành ngân hàng và tài chính cũng sẽ được hưởng lợi dưới chính sách tự do hóa dịch vụ tài chính của AEC. Brunei cũng sẽ có điều kiện tăng cường trao đổi giao lưu với ngành tài chính ngân hàng các nước nội khối để phát triển trở thành một trung tâm tài chính Hồi giáo trong khu vực.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, quốc gia Hồi giáo này cũng cần phải vượt qua nhiều thách thức. Nền kinh tế Brunei vẫn còn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ và khí đốt.

Theo Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Tài Nguyên Brunei, ngành dầu khí hiện đang chiếm gần 67% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đóng góp 96% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu, nhưng lại sử dụng ít hơn 5% lực lượng lao động. Ngoài ra, Brunei chưa có một điều luật quốc gia điều chỉnh các vấn đề cạnh tranh cũng như cơ quan thực thi pháp luật chuyên trách chịu trách nhiệm về luật cạnh tranh quốc gia.

Để khắc phục những điểm yếu trên, kể từ năm 2011, Brunei đã bắt đầu quá trình soạn thảo Bộ Luật Cạnh tranh quốc gia. Sáng kiến này nhận được sự ủng hộ từ Văn phòng Thủ tướng cũng như nhiều các bộ, ngành.

Brunei đã tổ chức nhiều cuộc tham vấn với các bên liên quan tại địa phương với sự hỗ trợ từ các chuyên gia khu vực và quốc tế để đảm bảo bộ luật được xây dựng phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như các điều kiện kinh tế địa phương trong nước.

Hội nhập AEC, Brunei nhận ra sự cần thiết của việc đa dạng hóa nền kinh tế thay vì chỉ tập trung vào ngành công nghiệp dầu khí như hiện nay. Do vậy, Brunei đang nỗ lực thúc đẩy sự sáng tạo của các ngành công nghiệp cốt lõi mới và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Kế hoạch "Tầm nhìn 2035" của chính phủ Brunei là nỗ lực nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn bằng cách phát triển môi trường kinh tế ổn định trong nước.

Chính phủ Brunei tin rằng quốc gia này sẽ đạt được nhiều lợi ích từ việc hội nhập kinh tế sâu hơn vào nền kinh tế khu vực. Những thay đổi chính phủ Brunei đã ban hành, hoặc sẽ sớm thực hiện, bao gồm: cập nhật mức thuế để phù hợp với các quy định của AEC; bảo vệ đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều hơn; ban hành Luật cạnh tranh quốc gia; tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định; tạo ra các phương thức kinh doanh linh hoạt với chi phí hiệu quả hơn.

Ngoài ra, Brunei cũng sẽ có các quy tắc và quy định minh bạch hơn dành cho các nhà nhập khẩu và xuất khẩu, cũng như sẽ tạo thuận lợi cho quá trình giải quyết các thủ tục về tranh chấp thương mại.

Các bước đi cải cách của Brunei bước đầu cho thấy những kết quả tích cực. Cụ thể, về thuế quan hàng hóa, liên quan đến Chương trình Thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT) nêu trong Thỏa thuận về Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) năm 1992 nhằm giảm bớt hoặc loại bỏ thuế quan xuống 0-5% đối với mỗi quốc gia thành viên, hiện Brunei là một trong 6 nước đã thành công giảm mức thuế suất CEPT xuống gần bằng 0%.

Nhờ Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA), năm 2014, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các nước ASEAN vào Brunei đạt mức kỷ lục 141 triệu USD, tăng hơn 20% so với năm 2013 và vượt ước tính ban đầu là 136 triệu USD. Năm 2009, tăng trưởng GDP của Brunei ở mức âm 1,8%, tuy nhiên, đến năm 2010 và 2011, mức tăng trưởng GDP lần lượt là 2,55% và 2,97%. Năm 2014, GDP tăng trưởng 5,3%, tỷ lệ thất nghiệp 2,7% và tỷ lệ lạm phát là -0,2%.

Trong thời gian tới, để tiếp nối các nỗ lực trên, giới chuyên gia cho rằng Brunei cần tập trung phát triển cơ sở hạ tầng và khung pháp lý. Bên cạnh đó, Brunei cần đảm bảo một lực lượng lao động địa phương tay nghề cao có khả năng cạnh tranh khi AEC chính thức được thực thi vào năm 2016. Nếu không, thị trường việc làm của Brunei nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp cao khi làn sóng lao động từ các nước ASEAN đổ bộ vào thị trường việc làm của quốc gia này.

Campuchia hoàn thiện các bước chuẩn bị cho AEC


Với mức lương tối thiểu thấp nhất trong ASEAN (khoảng 1,6 USD/ngày), Campuchia sở hữu một nguồn lao động rẻ, dồi dào, hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Quốc gia nhỏ bé này cũng có lợi thế địa lý khi nằm ngay tiểu vùng sông Mekong, giữa hai thị trường lớn là Việt Nam và Thái Lan.

Một dây chuyền may xuất khẩu tại Campuchia. Ảnh: Xuân Khu - Phóng viên TTXVN tại Campuchia


Vì vậy, Campuchia được dự báo sẽ là một phần trong chuỗi cung cấp hàng hóa trong khu vực. Ngoài vị trí địa lý thuận lợi, Campuchia cũng rất giàu tài nguyên thiên nhiên với nguồn nước, rừng và khoáng sản phong phú. Với tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao - ở mức 7%/ năm trong giai đoạn 2010 – 2014 - Campuchia được đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng trong thời gian tới.

Theo kết quả khảo sát, đa phần doanh nghiệp nước ngoài được hỏi tin tưởng vào sự phát triển trong 2 năm tới của nền kinh tế Campuchia. Ngoài ra, Campuchia còn có thể tiếp cận nhiều thị trường lớn như Liên minh châu Âu (EU), Canada, các nước ASEAN cũng như Trung Quốc, Nhật Bản,….

Hiện tại, Campuchia có thể sử dụng nguyên liệu từ các nước ASEAN khác, trừ Brunei và Singapore, để sản xuất hàng Campuchia và xuất khẩu sang EU mà không bị đánh thuế cũng như bị áp đặt hạn ngạch.


Tuy nhiên, nền kinh tế Campuchia vẫn còn có nhiều hạn chế. Trước hết, nước này còn phụ thuộc vào viện trợ và tài trợ nước ngoài nhiều, khả năng cạnh tranh với các nền kinh tế phát triển hơn trong khu vực không cao. Ngành xuất khẩu của Campuchia phụ thuộc vào một số ngành nghề chính như quần áo, gạo và du lịch, đây cũng là lợi thế của hầu hết các quốc gia ASEAN khác nên tính cạnh tranh thấp.

Dù lao động giá rẻ là một lợi thế, song tay nghề của lực lượng lao động Campuchia không cao do những hạn chế của hệ thống giáo dục. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng và kết nối mạng tại Campuchia cũng chưa phát triển.

Theo nhà kinh tế trưởng của Văn phòng Hội nhập Kinh tế khu vực của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Jayant Menon, mặc dù Campuchia có sự chuẩn bị hội nhập AEC kém hơn so với Thái Lan, Singapore, Malaysia và Indonesia, nhưng xét về tổng thể, Campuchia vẫn vượt Lào và Myanmar.

Hiện Campuchia đã tập trung phát triển chính sách thương mại mở cửa để thu hút đầu tư, nới lỏng luật đầu tư và luật sở hữu. Bộ Thương mại nước này đang xúc tiến cải cách các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa cũng như cung cấp thông tin cho các công ty nhanh chóng thuận lợi, việc thành lập công ty mới sẽ được thực hiện qua Internet.

Ngoài ra, luật đặc biệt của Campuchia cũng cho phép các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% cổ phần các công ty trong các đặc khu kinh tế so với tỷ lệ 70% tại một số nước ASEAN.

Những năm qua, Campuchia cũng đã tập trung vào hệ thống giáo dục và đào tạo dạy nghề kỹ thuật - hai lĩnh vực vẫn chưa phù hợp và đáp ứng được nhu cầu thị trường, tuy nhiên tiến triển mới chỉ được ghi nhận ở cấp tiểu học.

Chính phủ nước này đang tăng cường ngân sách đầu tư cho hệ thống hạ tầng giao thông, mở rộng bến cảng và mạng lưới đường sắt để tận dụng lợi thế địa lý. Mới nhất là cầu treo dây văng Tsubasa dài hơn 2,2 km tại tỉnh Kandai vừa mới khánh thành và đưa vào sử dụng dụng từ tháng 4/2015. Chiếc cầu có kinh phí xây dựng 130 triệu USD bắc qua song Mekong này đã giúp rút ngắn đáng kể thời gian đi lại giữa PhnomPenh và Thành phố Hồ Chí Minh.

Campuchia đang tích cực chuẩn bị cho việc thành lập AEC vào cuối năm 2015, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm nhằm tăng cường sự minh bạch và hiệu quả của hệ thống pháp luật để thúc đẩy đầu tư. Giải quyết vấn đề tham nhũng và các hoạt động chống cạnh tranh cũng là một trong những ưu tiên của Campuchia. Tháng 3/2010, Quốc hội Campuchia đã thông qua Luật chống tham nhũng.

Một số chuyên gia cho rằng Campuchia vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng. Giám đốc Viện hợp tác và hòa bình Campuchia Chheang Vannarith đánh giá Campuchia đã chuẩn bị cho sự hội nhập kinh tế khu vực, song vẫn chưa đủ tự tin để cạnh tranh.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cảnh báo nền tảng phát triển kinh tế thấp dẫn đến nhiều khả năng khi Campuchia đang tìm cách thay đổi và thích nghi với AEC thì các quốc gia khác đã kịp tận dụng AEC và vượt xa Campuchia, khiến khoảng cách giữa Campuchia và các nước khác ngày càng xa.

TTXVN/Tin Tức
AEC - Khởi đầu cho tiến trình hội nhập mới
AEC - Khởi đầu cho tiến trình hội nhập mới

Cùng với việc tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại, nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), việc tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015 hứa hẹn sẽ là một trong những cánh cửa mới giúp Việt Nam hội nhập khu vực sâu rộng hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN