APEC 2017: Tập trung vào các chính sách kết nối giáo dục và khởi nghiệp

Ngày 13/5, tại Hà Nội, các đại biểu từ 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã tham dự và thảo luận nhiều nội dung quan trọng đóng góp cho Hội nghị SOM2.

Đại biểu Việt Nam tham dự hội thảo. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM2) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và các cuộc họp liên quan, ngày 13/5, tại Hà Nội, các đại biểu từ 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã tham dự và thảo luận nhiều nội dung quan trọng đóng góp cho Hội nghị SOM2.

Tăng cường giáo dục toàn diện các vận động viên

Tại Hội thảo về “Kết nối giáo dục và khởi nghiệp: Thanh niên, Phụ nữ và Vận động viên”, bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh, APEC được thành lập nhằm mục tiêu xây dựng Cộng đồng APEC năng động, hài hòa, phát triển bền vững. Hiện nay, APEC đã tập trung vào chính sách kết nối giáo dục và khởi nghiệp cho thanh niên, phụ nữ và các vận động viên, đặc biệt là cho các nữ vận động viên, những người cần nhiều quan tâm từ cộng đồng.

Đánh giá cao những ý tưởng đến từ các nền kinh tế thành viên APEC trong việc thúc đẩy và hỗ trợ nữ vận động viên đã hết tuổi nghề phát triển đi lên trong cuộc sống, bà Lê Thị Hoàng Yến cho rằng, điều này cũng đóng góp vào sự phát triển chung của các nền kinh tế thành viên APEC.

Đại biểu tham dự Hội thảo về “Kết nối giáo dục và khởi nghiệp: Thanh niên, Phụ nữ và Vận động viên” đã thảo luận các chính sách quan trọng của Chính phủ trong việc tăng cường giáo dục toàn diện đối với các vận động viên, đặc biệt là các nữ vận động viên; chia sẻ những bài học về thanh niên khởi nghiệp trong các nền kinh tế thành viên APEC; thảo luận bàn tròn về những nội dung sẽ được Mạng lưới chính sách thể thao APEC công bố vào tháng 4, 7, 10/2018.

Giải quyết các vấn đề về môi trường

Các đại biểu đại diện các nền kinh tế APEC thảo luận bên lề hội thảo. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Hội thảo về việc xây dựng phương pháp đo đạc và nhận thức tính bền vững của các thành phố trong khu vực APEC do Nhóm Bạn của Chủ tịch tổ chức nhằm xây dựng, tăng cường hiểu biết về các phương pháp đo đạc và nhận thức tính bền vững của các thành phố trong khu vực APEC để giải quyết các vấn đề về môi trường gây ra bởi quá trình đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Tại Hội thảo, các đại biểu đã được tìm hiểu nhiều bài học kinh nghiệm từ một số nền kinh tế thành viên APEC như: Việt Nam, Nhật Bản, Singapore…


Bà Lee Lai Choo, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững các thành phố châu Á cho rằng, điều quan trọng nhất trong các giải pháp bảo đảm tính bền vững của các thành phố trong khu vực APEC là yếu tố con người. Các Chính phủ phải có chính sách kết nối với người dân, đưa họ tham gia chặt chẽ vào tiến trình phát triển đô thị bền vững.

Theo bà Lee Lai Choo, người dân Singapore đã thực sự tham gia tiến trình này bằng những việc cụ thể như: dọn sạch các bãi biển hàng năm và nhiều chiến dịch khác. Chính phủ Singapore đã kết nối với doanh nghiệp, người dân, tạo thành 3 trục quan trọng trong phát triển đô thị bền vững, bảo vệ môi trường.

Chiều 13/5, Bộ Công Thương Việt Nam sẽ chủ trì phiên làm việc của Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI). Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực (HDRWG) tiếp tục làm việc với Hội thảo nâng cao nhận thức và hợp tác khu vực về kỹ năng và năng lực làm việc trong khu vực APEC.

Thu Phương (TTXVN)
APEC 2017: Tiếp tục các cuộc họp của Nhóm công tác phát triển nguồn nhân lực
APEC 2017: Tiếp tục các cuộc họp của Nhóm công tác phát triển nguồn nhân lực

Ngày 13/5, các cuộc họp liên quan trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM-2) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tiếp tục diễn ra tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN