APEC 2017: Tăng cường kết nối, thúc đẩy phát triển bền vững trong khu vực

Bên lề Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp APEC 2017, phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Vũ, Vụ trưởng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Thư ký APEC 2017.

Ông Nguyễn Minh Vũ, Phó trưởng Ban Thư ký Quốc gia APEC 2017 phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp (SOM 1) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 và các cuộc họp liên quan được tổ chức tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, từ ngày 18/2 - 3/3/2017, các nền kinh tế thành viên APEC đã tập trung thảo luận ba vấn đề chính: Cụ thể hóa các nội hàm, đề xuất các sáng kiến triển khai bốn ưu tiên của Năm APEC 2017; thảo luận Kế hoạch triển khai các ưu tiên của 4 Ủy ban về thương mại và đầu tư, kinh tế, hợp tác kinh tế và kỹ thuật, ngân sách và quản lý và các nhóm công tác liên quan của APEC; định hướng các hoạt động của Diễn đàn trong năm 2017.

Bên lề hội nghị, phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Vũ, Vụ trưởng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Thư ký APEC 2017 về những nội dung liên quan.

Ông đánh giá như thế nào về kết quả các cuộc họp của các Ủy ban và nhóm công tác diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương 2017?


Qua hơn 10 ngày diễn ra các cuộc họp, các thành viên đã thảo luận nhiều vấn đề về thúc đẩy thương mại và đầu tư, tạo thuận lợi thương mại, cải cách cơ cấu, phát triển nguồn nhân lực, phát triển du lịch, ứng phó với tình trạng khẩn cấp, an ninh lương thực, nghề cá và đại dương, tiêu chuẩn và hợp chuẩn thủ tục hải quan, y tế, chống khủng bố, chống tham nhũng… Cơ bản các nhóm công tác đã có những cuộc họp đầu tiên thông qua chương trình hoạt động trong cả Năm APEC 2017.

Tất cả các chương trình hành động của các nhóm công tác bảo đảm bám sát chủ đề và bốn ưu tiên mà Việt Nam và các nền kinh tế thành viên APEC đưa ra: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm và sáng tạo; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bốn ưu tiên này đã được cụ thể hóa thành những nội dung hợp tác rất cụ thể trong nhiều nhóm công tác của APEC. Trên cơ sở đó, Việt Nam và các nền kinh tế thành viên APEC đã xây dựng những đề xuất cụ thể nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, dễ dàng hơn cho doanh nghiệp trong thúc đẩy thương mại và đầu tư cũng như tạo thêm các cơ hội việc làm tốt hơn cho người dân.

Theo ông, bốn ưu tiên được đưa ra, ưu tiên nào được đánh giá mang đậm tính Việt Nam nhưng vẫn có ảnh hưởng đến nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương ?

Bốn ưu tiên đó về cơ bản rất phù hợp với quan tâm của các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương và Việt Nam. Trong bốn ưu tiên, ưu tiên hàng đầu là tăng cường hơn nữa tăng trưởng bền vững, bao trùm và sáng tạo. Đây là nội dung rất quan trọng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng thương mại khu vực đang suy giảm với sự tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu, thiên tai.

Cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là rất lớn. Việc, chúng ta đưa ra nhiều đề xuất cụ thể để nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng đến chiều sâu. Lấy động lực tăng trưởng là từ tri thức, khoa học công nghệ, đổi mới và sáng tạo. Tôi cho rằng ưu tiên này là rất quan trọng đối với Việt Nam cũng như các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương hiện nay.

Thưa ông, ưu tiên Hội nhập và liên kết khu vực được thúc đẩy như thế nào?


Hội nhập liên kết khu vực, nhất là về kinh tế luôn là một trong những trụ cột hợp tác chính của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Nội dung chính của ưu tiên này tập trung vào đẩy mạnh việc hoàn thành các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020, góp phần củng cố hệ thống thương mại đa phương và tạo thuận lợi kinh doanh.

Trong 28 năm qua, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đã đạt được rất nhiều thành tựu trong thúc đẩy tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, đầu tư với nhiều kết quả ấn tượng, góp phần đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi ngưỡng nghèo. Dù vậy, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương vẫn cần giảm các rào cản thuế quan và phi thuế quan, nhất là trong các lĩnh vực quan trọng về dịch vụ, nông nghiệp… nhằm thúc đẩy thương mại trong các lĩnh vực quan trọng này.

Bên cạnh đó, các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương cũng sẽ ưu tiên tăng cường kết nối trên 3 trụ cột quan trọng: Kết nối hạ tầng, kết nối con người và kết nối về chính sách, thể chế. Có thể nói, việc đẩy mạnh kết nối như vậy sẽ góp phần tăng cường hơn nữa dòng trung chuyển thương mại, vốn và thúc đẩy giao lưu con người trong Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Điều đó góp phần tạo thêm động lực mới thúc đẩy sự năng động, phát triển bền vững của khu vực, là một nền tảng quan trọng góp phần tạo dựng quan hệ đối tác châu Á – Thái Bình Dương vì sự phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ 21.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Hồng Điệp (thực hiện)
APEC 2017: Thúc đẩy tăng trưởng vì lợi ích của tất cả người dân
APEC 2017: Thúc đẩy tăng trưởng vì lợi ích của tất cả người dân

Sáng 2/3, Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp (SOM 1) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2017 đã khai mạc tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN