APEC 2017: Định hướng hợp tác khu vực về bảo đảm an ninh lương thực bền vững

Ngày 23/8, trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần lễ An ninh lương thực và đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu tại thành phố Cần Thơ đã diễn ra cuộc họp chung của Nhóm công tác Kỹ thuật Nông nghiệp (ATCWG), Diễn đàn phát triển công nghệ sinh học nông nghiệp APEC (HLPDAB), Diễn đàn đối tác chính sách an ninh lương thực (PPFS) và Nhóm công tác Đại dương và Nghề cá (OFWG).

PGS.TS. Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, đây là sự kiện ý nghĩa trong việc đảm bảo an ninh lương thực bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu khu vực bởi lần đầu tiên bốn nhóm công tác về nông nghiệp có buổi làm việc chung tại một Hội nghị APEC.

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu chào mừng cuộc họp. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Ông Doanh hy vọng, cuộc họp sẽ là cơ hội để các nhóm công tác cùng nhau thảo luận và chia sẻ những dự án hợp tác tiềm năng cùng các mối quan tâm chung trong giữ gìn an ninh lương thực thời gian tới; đồng thời tránh sự chồng chéo trong hoạt động của từng nhóm, hướng đến mục tiêu làm việc độc lập nhưng vẫn dựa trên sự gắn kết chung; qua đó, nâng cao hiệu quả công việc để đáp ứng yêu cầu của khu vực về an ninh lương thực bền vững trong tương lai.

Tại cuộc họp, đại diện các nhóm công tác đã báo cáo và xin ý kiến hội nghị về phương hướng và sứ mệnh hoạt động trong ứng phó biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh lương thực của khối APEC trong thời gian tới.

Theo đó, Nhóm công tác Kỹ thuật Nông nghiệp (ATCWG) chủ trương thúc đẩy hợp tác kỹ thuật nông nghiệp trong khối APEC để cải thiện năng lực của các nước thành viên trong sản xuất nông nghiệp và các ngành liên quan và tăng cường thương mại nông sản.

Đồng thời, tăng cường các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm; thúc đẩy sự phát triển bền vững trong ứng dụng nhiên liệu sinh học vào chuyên canh; tăng cường khả năng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của các nền kinh tế thành viên nhằm điều chỉnh, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; đẩy mạnh hợp tác, chuyển giao kỹ thuật trong khu vực để hình thành chuỗi giá trị thực phẩm theo hướng hiện đại hoá.

Diễn đàn phát triển công nghệ sinh học nông nghiệp APEC (HLPDAB) chủ trương tăng cường đối thoại hợp tác công - tư chia sẻ kinh nghiệm của các nền kinh tế khu vực về nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; thúc đẩy sáng kiến, chính sách trong kỹ thuật giống mới và những tiếp cận về chính sách ở các nền kinh tế khác nhau.

Trao đổi với phóng viên TTXVN bên lề cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trưởng Nhóm HLPDAB, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp đang thúc đẩy tạo ra giá trị gia tăng, tạo ra nhiều lợi ích cho phát triển bền vững ngành nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp cũng như ngành sản xuất lương thực.

Thời gian tới, Việt Nam đặt ra mục tiêu trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và kế thừa những thành tựu khoa học của các nền kinh tế đi trước để ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong việc loại bỏ dịch bệnh, hỗ trợ cải thiện năng suất nông nghiệp; nâng cao năng suất sử dụng cây trồng biến đổi gen; giải quyết nhu cầu tiếp cận các vấn đề từ môi trường cũng như sức khỏe con người; giảm thiểu tình trạng lãng phí lương thực.

Bên cạnh đó, theo bà Thủy, Việt Nam cũng sẽ tham gia đối thoại và phối hợp với các nền kinh tế thành viên hình thành một khung pháp lý chung cho ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, đảm bảo tất cả nông dân được tiếp cận các nguồn lực đa dạng về nguyên liệu biến đổi gen; đồng thời tăng cường hợp tác giữa nhà nước và tư nhân nhằm tìm ra giải pháp mới cho các thách thức tài chính trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao toàn khu vực.

Đại diện nền kinh tế Việt Nam thảo luận tại cuộc họp. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Nhóm công tác APEC về Chính sách An ninh lương thực (PPFS) đặt mục tiêu thông qua phương pháp tiếp cận các loại hình nông nghiệp và các chuỗi giá trị toàn diện để tăng thu nhập trong sản xuất nông nghiệp trang trại và ngoài trang trại; cải thiện năng lực nông dân và ngư dân; đa dạng hoá cây trồng, hiện đại hoá cơ sở hạ tầng và xúc tiến thương mại, tài chính, kết nối kinh tế trong khu vực.

Bên cạnh đó, thông qua áp dụng chính sách đối với quản lý tài nguyên đất, rừng, thủy sản để tiến hành cải cách hiệu quả công tác quản lý, nâng cao chất lượng hạ tầng xã hội, thu hẹp khoản cách giàu-nghèo, cân bằng khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội giữa thành thị và nông thôn.

Nhóm công tác Đại dương và Nghề cá (OFWG) ưu tiên thực hiện liên kết lâu dài với các nền kinh tế thành viên vì mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên biển và đại dương; đồng thời tích cực chia sẻ thông tin, hợp tác tìm ra phương thức hiệu quả để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, đóng góp vào kế hoạch hành động của khu vực trong bảo vệ và ổn định hoạt động của nghề cá.

Trao đổi với phóng viên TTXVN bên lề cuộc họp, ông Patrick Edward Moran, Trưởng nhóm OFWG đặc biệt đánh giá cao tiềm năng và vai trò của Việt Nam trong ngành công nghiệp thủy sản APEC. Theo ông Moran, Việt Nam với lợi thế về nguồn tài nguyên biển dồi dào cùng sự tích cực trong bảo tồn môi trường biển khu vực và các chính sách tiến bộ về khai thác bền vững thủy sản đại dương sẽ là tiền đề vững chắc để đưa nền kinh tế biển Việt Nam phát triển lên tầm châu lục trong tương lai.

Tham gia cuộc họp và đối thoại, đại biểu các nền kinh tế thành viên đã tham gia thảo luận tích cực về định hướng phối hợp hành động của mỗi nền kinh tế với các tổ chức APEC theo chiến lược chung toàn khu vực trong tương lai, đồng thời rà soát tiến độ hiệu quả của các sáng kiến, dự án đã được triển khai thời gian qua.

Các đại biểu Việt Nam cũng đã chủ động đóng góp nhiều ý tưởng, sáng kiến, góp phần thúc đẩy các quan tâm chung của Việt Nam và khu vực.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất nhiều biện pháp mới trong hợp tác đào tạo các nhà khoa học trẻ của khu vực; thúc đẩy chuyển giao và ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai; thúc đẩy thương mại hợp pháp về các sản phẩm nông nghiệp và tăng cường kết nối chuỗi cung ứng hướng tới tăng trưởng bền vững.

Dịp này, Ban chủ toạ cùng các đại biểu cũng đã thông qua Tuyên bố Cần Thơ về tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và triển khai kế hoạch cho Hội nghị APEC 2018 sẽ diễn ra tại Papua New Guinea vào tháng 8/2018.

Theo đó, APEC 2018 sẽ tập trung vào ba chủ đề chính: đảm bảo an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông; nâng cao vai trò của phụ nữ trong sản xuất nông và ngư nghiệp; quản lý và phát triển bền vững nghề cá khu vực.

Dự kiến, APEC 2018 sẽ diễn ra vào tháng 8 năm sau.

Hồng Giang (TTXVN)
APEC 2017: Khai mạc Cuộc họp cao cấp lần thứ 7 về Y tế và Kinh tế
APEC 2017: Khai mạc Cuộc họp cao cấp lần thứ 7 về Y tế và Kinh tế

Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ ba các quan chức cao cấp APEC (SOM 3) và các hội nghị liên quan, phiên khai mạc Cuộc họp cao cấp lần thứ 7 về Y tế và Kinh tế với chủ đề “Cải cách tài chính y tế vì sức khỏe cộng đồng hướng tới phát triển bền vững” đã diễn ra sáng 23/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN