10:16 23/10/2011

Hội nghị thượng đỉnh EU chi phối thị trường dầu mỏ

Tuần qua thị trường lên xuống đan xen nhau theo sau những kỳ vọng về những giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone và các số liệu từ Trung Quốc và Mỹ, hai nền kinh tế tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới.

Tuần qua thị trường lên xuống đan xen nhau theo sau những kỳ vọng về những giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone và các số liệu từ Trung Quốc và Mỹ, hai nền kinh tế tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới.

Đầu tuần giá dầu ngọt nhẹ Niu Yoóc và dầu Brent biển Bắc đồng loạt đi xuống do cuộc họp G20 cuối tuần trước đó tại Pari đã thất bại trong việc trấn an tâm lý thị trường về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và bất ổn tài chính tại châu Âu. Chốt phiên đầu tuần tại Niu Yoóc, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 11/2011 giảm 42 xu xuống 86,38 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 12/2011 còn giảm mạnh hơn, với 2,06 USD xuống 110,16 USD/thùng.

Giá dầu biến động trái chiều suốt hai phiên cuối tuần do các nhà đầu tư chờ đợi kết quả cuộc họp thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU bàn về các giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone.
Ảnh minh họa.


Thị trường đổ dồn vào Trung Quốc trước khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chính thức công bố GDP quý III bởi Trung Quốc là nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới nên số liệu tăng trưởng kinh tế đang và sẽ tác động trực tiếp đến giá dầu và nhu cầu dầu mỏ trên thị trường.

Vào đầu phiên kế tiếp giá dầu tiếp tục đổ dốc sau khi Cục thống kê quốc gia Trung Quốc loan báo GDP đã tăng thấp nhất trong vòng 2 năm qua vào quý III (chỉ tăng 9,1%) do nỗ lực kiềm chế lạm phát của Chính phủ cùng những bất ổn kinh tế tại Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, tới cuối phiên, giá dầu đã đảo chiều sau khi có tin Chính phủ hai nền kinh tế đầu tàu châu Âu là Đức và Pháp đã nhất trí mở rộng Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) lên mức 2.000 tỷ euro, nhen lên hy vọng các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ khu vực tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra vào ngày 23/10 tại Brúcxen.

Nhờ đó chốt phiên tại thị trường Niu Yoóc, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 11/2011 tăng 1,96 USD, lên 88,34 USD/thùng và tại thị trường Luân Đôn, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng tăng 99 xu, đóng cửa ở mức 111,15 USD/thùng.

Đà tăng lại được nối dài vào đầu phiên 19/10 sau khi Bộ Năng lượng Mỹ thông báo trong tuần kết thúc vào ngày 14/10, dự trữ dầu thô của nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm 4,7 triệu thùng, giảm mạnh so với dự báo giảm 1,1 triệu thùng của Dow Jones Newswires. Nhưng sau đó thị trường lại chìm xuống khi châu Âu không thống nhất được kế hoạch cứu trợ Eurozone, trong khi bức tranh kinh tế mà Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đưa ra lại khá u ám. Hậu quả là giá dầu ngọt nhẹ Niu Yoóc giảm 2,23 USD xuống 86,11 USD/thùng, kéo theo giá dầu Brent Biển Bắc hạ 2,76 USD xuống 108,39 USD/thùng vào cuối phiên.

Tuy vậy, giá dầu biến động trái chiều suốt hai phiên cuối tuần do các nhà đầu tư chờ đợi kết quả cuộc họp thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU bàn về các giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone vào ngày 23/10. Không những thế, họ còn phải quyết định tổ chức một cuộc họp nữa trong ngày 26/10 nối tiếp cuộc họp ngày 23/10, do hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức và Pháp vẫn còn chưa thống nhất về cách thức mở rộng EFSF trị giá 440 tỷ euro.

Theo giới phân tích, thông tin về cái chết của nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi chỉ có tác động rất nhỏ tới giá dầu hiện tại, song nó cũng giúp loại bỏ một trong các nhân tố rủi ro đối với hoạt động sản xuất dầu mỏ tại Libi, giúp thị trường dầu thế giới ổn định hơn. Nhưng về lâu dài giá dầu khó có tăng mạnh bởi Libi sẽ tăng tốc hoạt động khai thác dầu, cải thiện nguồn cung.

Trước khi xảy ra cuộc chiến lật đổ Kadhafi đầu năm 2011, Libi sản xuất khoảng 1,4 triệu thùng dầu/ngày, loại dầu có chất lượng cao nhất, trong đó khoảng 85% được xuất sang châu Âu. Sự sụt giảm sản lượng dầu mỏ của Libi là một trong những nguyên nhân chính đẩy giá dầu Brent vượt xa giá dầu ngọt nhẹ Niu Yoóc.

Chốt phiên cuối tuần 21/10 giá dầu ngọt Niu Yoóc tăng 1,33 USD lên 87,40 USD/thùng, nhưng giá dầu Brent biển Bắc lại giảm 22 xu xuống 109,56 USD/thùng.

Hoàng Hà