02:23 16/02/2012

Hội nghị cấp cao Iran-Ápganixtan-Pakixtan: Xích lại gần nhau

Trong khi Ápganixtan và Pakixtan đang tìm cách hâm nóng quan hệ song phương vốn trở nên băng giá trong nhiều tháng qua, trong khi Pakixtan đang ngày càng giận dữ với cách hành xử đơn phương của Mỹ...

Trong khi Ápganixtan và Pakixtan đang tìm cách hâm nóng quan hệ song phương vốn trở nên băng giá trong nhiều tháng qua, trong khi Pakixtan đang ngày càng giận dữ với cách hành xử đơn phương của Mỹ và cũng đúng vào lúc vòng vây của phương Tây đang ngày càng siết chặt với Iran, ba quốc gia này đã bất ngờ thông báo tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên tại Pakixtan vào tháng 2 này.

Tổng thống Ápganixtan Hamid Karzai (trái), Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad (giữa) và Tổng thống Pakixtan Asif Ali Zardari (phải) trong một hội nghị thượng đỉnh ba bên ở Iran tháng 6/2011. Ảnh: Internet

Theo thông báo chính thức từ ba quốc gia, hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong hai ngày 16 và 17/2 là nhằm tăng cường hợp tác, củng cố hòa bình và ổn định khu vực. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về việc đẩy mạnh hợp tác ba bên trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại cũng như trong cuộc chiến chống ma túy và chống khủng bố... Ngoài ra, tiến trình hòa giải dân tộc tại Ápganixtan cũng được dự kiến là một chủ đề trong hội nghị này.

Ngược về quá khứ, ba quốc gia láng giềng này từng tiến hành các hội nghị thượng đỉnh ba bên, trong đó lần gần nhất là vào năm 2009. Từ đó đến nay, có thể nói, sự hợp tác của ba quốc gia này hầu như chưa có bước đột phá, các tuyên bố chung của các hội nghị bị đánh giá là chỉ đơn thuần lặp lại các cam kết của những hội nghị trước đó là sẽ thắt chặt quan hệ trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế và văn hóa... và không đề cập đến những biện pháp cụ thể. Có vẻ như việc thiếu lòng tin giữa các quốc gia láng giềng, sự chi phối của các nước lớn đối với Ápganixtan và Pakixtan chính là những rào chắn lớn, cản trở hoạt động hiệu quả của diễn đàn. Chính vì vậy, khi ba nước thông báo tiếp tục thúc đẩy sáng kiến hợp tác ba bên vào giữa tháng 2, không ít nhà phân tích đã tỏ ra hoài nghi về kết quả của hội nghị. Thậm chí họ còn cho rằng "đây chỉ là một diễn đàn mang tính hình thức chứ không hề có thực chất". Liệu đây có phải là những dự đoán chủ quan?

Xét về hoàn cảnh, dường như chưa bao giờ cả ba quốc gia này phải đối mặt với một vấn đề chung như hiện nay, đó là quan hệ với Mỹ. Trước hết, ngay cả đối với Ápganixtan, quốc gia hiện là nơi đồn trú của hàng chục nghìn quân Mỹ, Tổng thống Ápganixtan Hamid Karzai cũng không ngần ngại khi thẳng thừng tuyên bố "người dân Ápnixtan muốn các lực lượng nước ngoài rút khỏi đất nước họ". Những vụ tấn công của Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế tại Ápganixtan do NATO đứng đầu (ISAF) làm nhiều dân thường thiệt mạng đã khiến người dân trở nên giận dữ với sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại đất nước họ. Tại quốc gia láng giềng Pakixtan, quan hệ với Mỹ thậm chí còn bi đát hơn do Mỹ đơn phương tiến hành các vụ xâm nhập và tấn công trên lãnh thổ Pakixtan, bất chấp sự cảnh báo liên tục từ quốc gia này. Mặc dù từng tuyên bố Pakixtan là đồng minh quan trọng trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, song Mỹ thực sự đã nhiều lần giáng cho "đồng minh" những đòn mất thể diện ngay trong cuộc chiến này, khiến cho Pakixtan vô cùng giận dữ. Cuối cùng là Iran, một cái gai trong mắt Mỹ và bị Mỹ liệt vào "trục ma quỷ". Có thể nói, Iran là một trong những quốc gia hứng chịu nhiều nhất các đòn tấn công ngoại giao và kinh tế trực diện từ phương Tây, mà đi đầu là Mỹ. Sự cương quyết của Iran khi không chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân mà họ khẳng định là vì mục đích hòa bình đã đẩy quốc gia này đến thế đối đầu với Mỹ.

Một yếu tố quan trọng thứ hai là những diễn biến an ninh chính trị khu vực trong thời gian gần đây. Trước hết, không thể phủ nhận cả ba quốc gia đều đối mặt với hàng loạt vấn đề nan giải như buôn lậu ma túy phát triển mạnh, khủng bố, các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia và nền kinh tế yếu kém. Ápganixtan vốn đang kiệt quệ vì chiến tranh và xung đột nội bộ rất cần sự hỗ trợ của hai quốc gia có chung đường biên giới nói trên để có thể hồi phục kinh tế và tiến hành một tiến trình hòa giải dân tộc thuận lợi. Mặc dù trong quá khứ, Ápganixtan từng có lần là nguyên nhân đẩy Iran và Pakixtan đến bất hòa song trong thời điểm hiện nay, cả hai nước này đều bày tỏ quyết tâm ủng hộ người láng giềng. Trong một chuyến thăm thủ đô Cabun của Ápganixtan trước đó, Tổng thống Iran, Mahmoud Ahmadinejad từng đề nghị Ápganixtan biến hội nghị ba bên thành diễn đàn thảo luận về quan hệ với Pakixtan và tiến trình hòa giải dân tộc ở Ápganixtan. Pakixtan cũng đã nhiều lần bày tỏ nguyện vọng đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết xung đột ở đất nước này. Về phần mình, Tổng thống Karzai từng khẳng định Iran và Pakixtan có thể đóng vai trò rất quan trọng trong việc thiết lập một nền hòa bình lâu dài ở Ápganixtan. Tổng thống Pakixtan Asif Ali Zardari còn nói rằng Iran, Pakixtan và Ápganixtan cần phải tăng cường quan hệ và hợp tác bởi vì cả ba nước đều là nạn nhân của chiến tranh và chủ nghĩa khủng bố.

Rõ ràng với những tuyên bố trên, các nhà lãnh đạo của ba nước đều thể hiện sự tin tưởng vững chắc vào khả năng thành công của hội nghị. Bất chấp mọi hoài nghi của giới phân tích, trong hoàn cảnh có những mối quan tâm và khó khăn chung như hiện nay, chắc chắn hội nghị là cơ hội vàng để ba nước láng giềng xích lại gần nhau.

Cẩm Tuyến