01:09 02/01/2015

Hội đua thuyền đuôi én - khi hồi ức trở lại

Đã lâu lắm rồi, các cụ già ở những ngôi bản ven con sông Đà hung dữ mới lại được chứng kiến cảnh những con thuyền đuôi én huyền thoại lướt như bay trên mặt nước.

Đã lâu lắm rồi, các cụ già ở những ngôi bản ven con sông Đà hung dữ mới lại được chứng kiến cảnh những con thuyền đuôi én huyền thoại lướt như bay trên mặt nước, trong Lễ hội đua thuyền đuôi én lần thứ nhất tổ chức trong ngày đầu tiên của năm mới 2015. Còn với những người trẻ tuổi, đây mới là lần đầu tiên bởi Lễ hội truyền thống vào mỗi dịp đầu năm của người Thái ấy đã mai một từ rất lâu, đến hôm nay mới được phục dựng lại. 

Dân tộc Thái có mặt ở Việt Nam từ hàng trăm năm trước. Họ có nhiều kinh nghiệm đắp phai, đào mương, dựng cọn, bắc máng lấy nước làm ruộng nên trong dân gian thường có câu "Xá ăn theo lửa, Thái ăn theo nước". 

Đua thuyền đuôi én trên sông Đà.


Bản mường Thái nói chung và nhân dân các dân tộc ven sông Đà nói riêng sinh sống bằng nghề trồng lúa nước và đánh bắt tôm cá. Từ bao đời nay, bà con rất gắn bó với sông nước và chèo thuyền là công việc thường ngày, trở thành thói quen và nhu cầu không thể thiếu được trong sinh hoạt và lao động sản xuất. Hội đua thuyền giữa các bản làng đầu xuân cũng bắt nguồn từ tập quán sinh sống đó. 

Cứ mỗi độ xuân về, mỗi bản ven sông Đà lại tổ chức một đội đua để tranh tài sông nước với cả vùng. Đó cũng là dịp để đồng bào trong vùng được hưởng những cảm giác vui vẻ, náo nhiệt của những lễ hội chào đón mùa xuân, sau những tháng ngày làm việc vất vả. Cả người đua lẫn người xem cùng reo hò phấn khích khi những con thuyền gỗ mảnh mai mà hùng dũng lướt như bay trên sóng nước con sông Đà hung dữ, trong tiếng hò dô bắt nhịp, tiếng reo cổ vũ náo động cả sông nước núi rừng. 

Trải qua những năm tháng chiến tranh liên miên, những khó khăn chồng chất trong cuộc mưu sinh cơm áo hằng ngày, Lễ hội đua thuyền đuôi én cùng với nhiều thành quả văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây đã bị mai một, quên lãng trong 1 thời gian rất dài. 

Thị xã Mường Lay (tên cũ là thị xã Lai Châu) nằm ở vị trí rất đặc biệt so với những địa phương khác trong cả nước - đó là nơi tụ thủy của 3 dòng chảy là sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay. Nơi đây vẫn được coi là thủ phủ, là trung tâm văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, với chứng tích là khu dinh thự của ông "vua" Thái Đèo Văn Long vẫn nằm đó bên bờ con sông Đà hung dữ. 

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, vùng đất này đã trải qua nhiều biến cố lớn trong lịch sử. Điển hình nhất là trận lũ ống lịch sử 1990 đã tàn phá nặng nề vùng đất này, cuốn trôi nhiều công trình, nhà cửa, làng bản của đồng bào ven sông suối. Năm 2004, những cư dân sinh sống trên mảnh đất này lại bắt đầu 1 cuộc thiên di lịch sử: di dời lên cao hoặc đến những vùng đất khác để nhường chỗ cho lòng hồ thủy điện Sơn La. 

Đến nay, có thể nói địa danh này là 1 trong những thị xã đẹp nhất cả nước, với những dãy phố nhà sàn vây quanh, soi bóng xuống lòng hồ trong xanh; những cây cầu khổng lồ vắt qua đôi bờ, nơi mà ngày trước dân bản 2 bên còn chạy đến thăm nhau qua cánh đồng lúa và con suối Nậm Lay trong vắt. 

"Người Thái ăn theo nước", nước hồ thủy điện dâng lên đã khôi phục lại 1 thói quen sinh hoạt từ hàng trăm năm trước của đồng bào nơi đây. Con thuyền đã trở nên quen thuộc với dân bản: đi đánh bắt cá, đi lao động sản xuất, chuyên chở sản phẩm thu hoạch, vật liệu xây dựng... hay đi thăm bà con dòng tộc, họ đều đi bằng thuyền. 

Vì vậy, việc chính quyền thị xã Mường Lay tổ chức Lễ hội đua thuyền đuôi én trong ngày đầu tiên của năm 2015 là việc làm vô cùng ý nghĩa để nhớ về quá khứ và tự hào về văn hóa tốt đẹp của người dân sống ven sông suối. Lễ hội không chỉ phục dựng, khôi phục và bảo tồn nền văn hóa của dân tộc mà còn là hoạt động thiết thực nhằm quảng bá hình ảnh của mảnh đất, con người với những giá trị văn hóa của Mường Lay với bạn bè trong nước và quốc tế, khởi đầu cho những hoạt động phát triển du lịch trong thời gian tới. 

Để tổ chức Lễ hội đua thuyền, thủ tục đầu tiên và không thể thiếu được là Lễ tế thần sông nước, cầu xin mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống bình yên. Ven bờ sông - hồ, 1 mâm lễ lớn được dâng lên với đầu lợn, xôi tím, hương hoa, trái cây, rượu, gạo, muối, vải thô... Thầy cúng với 2 người phụ tá và 6 thiếu nữ mặc trang phục truyền thống thật đẹp đã có mặt từ sáng sớm để làm lễ. Bài khấn có đoạn: "Chẩu nặm chẩu đin ơi - Ha mự đảy mự mạt - Tắt chở đảy chở đi - Mở khỏi chẳng kếp má, ha đay - Mí nhu nhấu to chông, mí mu lôông to lỏng...". Dịch nghĩa là: "Hỡi các vị thần sông thần nước - Chọn ngày được, ngày sang - Chọn giờ được, giờ vàng - Giờ con đã sắm đủ lễ... Mời thần dưới sông cổ vằn - Mời thần trú ngụ nơi ngã ba sông - Hãy cùng nhau ăn rồi cùng nhau phù hộ..." 

Trong Lễ hội tổ chức lần đầu tiên này, đã có tới trên 1 vạn người từ khắp cả tỉnh Điện Biên cùng đông đảo du khách, bà con người dân tộc Thái từ các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Lai Châu... đổ về thưởng thức lễ hội truyền thống đã bị mai một từ lâu. Khán giả đã đứng kín hai bên bờ hồ, trên cầu Nậm Cản hò reo cổ vũ cho những con thuyền đuôi én, đang lướt như bay trên mặt nước trong xanh. 

Có 9 đội đua đến từ các phường Na Lay, Sông Đà, xã Lay Nưa và một số cơ quan đơn vị của thị xã; riêng phường Na Lay có tới 5 đội tham dự. Đáng chú ý trong đó có 25 vận động viên vừa tham gia cuộc thi đua thuyền từ Vương quốc Thái Lan trở về. Trên mỗi con thuyền gỗ dài thon thả, có cái đuôi chẽ đôi, vểnh lên như đuôi én ấy, 18 vận động viên trong trang phục truyền thống, có khoác áo phao bảo hiểm bên ngoài, đồng loạt vung những mái chèo theo nhịp, đẩy chiếc thuyền lao nhanh về phía trước. Mỗi khi một chiếc thuyền bứt phá vượt lên, cả vùng lòng hồ cùng vang lên những tiếng hô cổ vũ. Chặng đua bắt đầu từ bến cảng Cơ khí tới khu vực Bản Hốc dài 500m rồi quay ngược lại. 

Cụ Hoàng Văn Thiệp 75 tuổi người dân tộc Thái ở bản Đán, phường Na Lay hồi tưởng lại: "Cách đây vài chục năm, chúng tôi chạy thuyền trên sông Đà, ngày đó các bản nằm ven sông mỗi năm đều tổ chức đua thuyền đuôi én vào những ngày đầu xuân. Khi đó đua trên sông Đà nên cũng khá nguy hiểm, vượt qua sóng lớn, nước trào cả vào thuyền. Nhiều năm qua không tổ chức nên mọi người cũng buồn. Lần này thị xã tổ chức Lễ hội đua thuyền, người dân từ các nơi đều đổ đến đây xem và cổ vũ vui lắm, đẹp lắm. Đây là truyền thống văn hóa của người Thái, nếu mỗi năm đều tổ chức được thế này thì bà con rất phấn khởi...". 

Tâm nguyện của cụ Thiệp cũng là niềm ao ước chung của các cư dân sinh sống trên vùng đất này. Đáp lại niềm mong mỏi của người dân, lãnh đạo thị xã đã có kế hoạch xây dựng đề án, để mỗi năm, vào mỗi dịp đầu xuân sẽ tổ chức đua thuyền đuôi én để phục hồi, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương. 

Theo ông Lò Văn Mừng, Bí thư Thị ủy Mường Lay, đây là môn thể thao truyền thống, cũng là sở thích của nhiều người dân địa phương nên họ có ý thức tình nguyện tham gia rất cao. Công tác tổ chức cũng rất tiết kiệm, vì các bản sẽ tự tổ chức đội hình, luyện tập cũng như phương tiện tham gia. Thời gian tới, môn thể thao này sẽ trở thành hoạt động thể thao phổ thông như việc luyện tập cầu lông, quần vợt, bóng đá... ở những địa phương khác. Đó cũng là nét khác biệt, rất riêng của "thị xã mênh mông nước" nơi địa đầu Tổ quốc này.


Bài, ảnh: Chu Quốc Hùng (TTXVN)