06:21 13/06/2014

Hội đồng Bảo an LHQ họp kín về Iraq

Tất cả 15 thành viên của HĐBA đã bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với chính phủ và nhân dân Iraq trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và kêu gọi tổ chức một cuộc đối thoại khẩn cấp mang tính toàn diện tại Iraq.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 12/6 đã tiến hành cuộc họp kín kéo dài 2 giờ thảo luận về tình hình bạo lực leo thang ở Iraq. Tất cả 15 thành viên của HĐBA đã bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với chính phủ và nhân dân Iraq trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và kêu gọi tổ chức một cuộc đối thoại khẩn cấp mang tính toàn diện tại Iraq.  

Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin cho biết các thành viên HĐBA hối thúc Chính phủ Iraq và cộng đồng quốc tế hỗ trợ cho sứ mệnh của LHQ trên thực địa, đặc biệt là trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo. Tuy nhiên, HĐBA đã không cân nhắc khả năng hành động nhằm chống lại các tay súng đang tiến về Baghdad. Moskva cũng bày tỏ lo ngại về những diễn biến bạo loạn mới đây ở Iraq, bày tỏ sự đồng cảm với chính phủ và người dân Iraq trong nỗ lực khôi phục hòa bình và an ninh ở quốc gia vùng Vịnh này. Nga hiện đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên của HĐBA. 

Binh sĩ quân đội Iraq hô khẩu hiệu chống ISIL tại trung tâm tuyển quân ở thủ đô Baghdad, ngày 13/6. Ảnh: AFP/TTXVN


Cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho rằng các cường quốc thế giới cần phải hành động khẩn trương để giải quyết tình hình tại Iraq, sau khi tay súng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant (ISIL) của người Hồi giáo dòng Sunni phát động cuộc tấn công đe dọa nghiêm trọng sự thống nhất và chủ quyền của quốc gia vùng Vịnh này, đồng thời tạo ra mối nguy lớn cho sự ổn định của khu vực.  

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố ông đang xem xét mọi lựa chọn để giúp Chính phủ Iraq đánh bại phong trào nổi dậy của các tay súng Hồi giáo tại nước này. Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn lời Tổng thống Obama trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 12/6, nói rằng ê kíp an ninh quốc gia của Nhà Trắng đang cân nhắc tất cả các phương án có thể để đáp lại những gì mà lực lượng Hồi giáo cực đoan đã và đang làm tại Iraq trong vài ngày qua. Ông Obama nhấn mạnh Mỹ không loại trừ bất kỳ phương án lựa chọn nào, trong đó có cả giải pháp quân sự để cứu nguy tình hình Iraq.

Quan điểm của ông Obama là "không để cho các phần tử thánh chiến Hồi giáo thiết lập thế đứng chân vĩnh viên tại Iraq hoặc Syria" và "Mỹ sẵn sàng hành động quân sự khi các lợi ích an ninh quốc gia của Washington bị đe dọa. Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney ngay sau đó đã giải thích rõ tuyên bố của Tổng thống Obama, rằng Mỹ bằng mọi cách sẽ hỗ trợ Iraq nhưng sẽ không điều động lính bộ binh trở lại chiến trường mà quân đội Mỹ đã rút đi từ năm 2011.

Trước đó ngày 11/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết chính quyền Obama đang thảo luận với chính phủ Iraq để có một cách tiếp cận chung chống lại các cuộc tấn công của các tay súng ISIL, lực lượng đã chiếm giữ một số thành phố ở phía Bắc và đang trên đường tấn công vào thủ đô Baghdad. Một nguồn tin từ Nhà Trắng tiết lộ với báo giới rằng một quan chức cấp cao của Iraq đã đề nghị chính quyền của Tổng thống Obama xem xét khả năng tiến hành các cuộc không kích, có thể bằng máy bay không người lái, nhằm ngăn chặn đà tấn công của các tay súng Hồi giáo cực đoan.  

Trong bình luận đầu tiên về tình trạng bạo lực mới đây tại Iraq, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Washington hết sức quan ngại về tình trạng bạo lực tại Iraq và Tổng thống Mỹ Obama chuẩn bị đưa ra "các quyết định then chốt để phản ứng nhanh chóng" nhằm giúp Chính phủ Iraq đối phó với cuộc nổi dậy. Ông cũng cho biết phía Mỹ đang trực tiếp tiếp xúc với Thủ tướng Maliki cùng các nhà lãnh đạo khác của Iraq.  

Một nước ủy viên thường trực khác trong HĐBA là Anh cũng đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ các cuộc tấn công của các tay súng Hồi giáo ở Iraq và kêu gọi các nhà lãnh đạo Iraq đoàn kết, cùng nhau hành động chống khủng bố.  

NATO bác bỏ khả năng can dự vào Iraq  

Phát biểu về tình hình hỗn loạn hiện nay ở Iraq, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen tuyên bố ông không thấy ISIL có vai trò gì tại Iraq sau khi các tay súng của tổ chức Hồi giáo này chiếm giữ một khu vực lãnh thổ rộng lớn tại Iraq và bắt 80 công dân Thổ Nhĩ Kỳ làm con tin. Ông Rasmussen nhấn mạnh vai trò của NATO là bảo vệ các đồng minh và khối này không có sự ủy nhiệm hay đề nghị nào tại Iraq.

Tuy nhiên, nhưng người đứng đầu NATO cho biết sẽ theo dõi sát sao tình hình và kêu gọi tất cả các bên liên quan ngừng sử dụng vũ lực. Ông cũng lên án việc bắt giữ con tin là hành động tội ác không gì có thể biện minh được đồng thời hối thúc những kẻ bắt giữ con tin trả tự do ngay lập tức cho những người này.

Một ngày trước đó, các đại sứ của NATO đã tổ chức họp khẩn theo đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ, tại đó, Ankara đã tóm tắt về tình hình chiến sự tại thành phố Mosul của Iraq và tình hình các con tin. 

Về tình hình chiến sự tại Iraq, ngày 12/6, các tay súng Hồi giáo thuộc ISIL đã chiếm giữ được 2 khu vực chiến lược ở tỉnh Diyala, phía Đông Bắc Baghdad sau khi các lực lượng an ninh rút lui, đưa cuộc tấn công của lực lượng này tới sát gần hơn thủ phủ Baquba của tỉnh này. Như vậy, Jalawla và Saadiyah là các khu vực mới nhất rơi vào tay các chiến binh sau chiến dịch tấn công kéo dài 3 ngày ở Bắc Iraq, tiếp sau việc kiểm soát thị trấn Dhuluiyah và một số vùng lãnh thổ chỉ cách thủ đô Baghdad 90 km.

Trước đó, lực lượng này đã dánh chiếm Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq và đang tiếp tục tấn công vào các trung tâm dân cư đông đúc ở các tỉnh miền Bắc Iraq. Cùng ngày, nhóm này cũng lên tiếng xác nhận đã tiến hành các vụ tấn công tại Baghdad khiến hàng chục người thiệt mạng. Theo ISIL, lực lượng này đã tiến hành 3 vụ đánh bom khiến ít nhất 30 người thiệt mạng. Nhóm Hồi giáo cực đoan này cũng đã thông báo về một chiến dịch tấn công mới mang tên "Cuộc hành quân" song không nêu thêm chi tiết. 

Lo ngại vấn đề an ninh trong khu vực, Mỹ đã sơ tán công dân của họ đang làm việc theo hợp đồng với Chính phủ Iraq tại căn cứ không quân Balad, cách Baghdad 80 km về phía Bắc, trong bối cảnh các chiến binh Hồi giáo đang hướng về Baghdad. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki đã xác nhận thông tin này. Được biết các công dân Mỹ này là những nhà thầu được Chính phủ Iraq thuê và làm việc cho các chương trình liên quan tới chương trình mua sắm quân sự nước ngoài của Mỹ (FMS).

Cũng vì lý do an ninh, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 12/6 đã hối thúc các công dân nước này rời khỏi Iraq ngay lập tức sau khi xảy ra vụ các chiến binh bắt cóc 80 công dân của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có tổng lãnh sự tại thành phố phía Bắc Mosul, thủ phủ của tỉnh Nineveh.


TTXVN/Tin tức