Điều chỉnh thời hạn hợp đồng lao động thế nào là đúng?

Bạn đọc tham khảo quy định tại Nghị định số 05/2015/NĐ-CP thấy có nội dung: “Thời hạn hợp đồng lao động chỉ được sửa đổi một lần bằng phụ lục hợp đồng lao động và không được làm thay đổi loại hợp đồng đã giao kết, trừ trường hợp kéo dài thời hạn hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi và người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách quy định tại Khoản 6, Điều 192 của Bộ luật Lao động”.

Có ý kiến cho rằng, phụ lục hợp đồng này chỉ sử dụng cho hợp đồng lao động thứ nhất, sau khi thời hạn của phụ lục này hết hạn thì hợp đồng lao động thứ hai phải ký không xác định thời hạn. 

Theo ý kiến thứ hai, phụ lục hợp đồng này sử dụng cho hợp đồng lao động thứ nhất hoặc hợp đồng lao động thứ hai nhưng chỉ được một lần và tổng thời hạn của phụ lục hợp đồng và hợp đồng gốc không vượt quá thời hạn của loại hợp đồng gốc.

Bạn đọc đề nghị giải đáp, trong các ý kiến trên, ý kiến nào là phù hợp?

Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 24 của Bộ luật Lao động thì phụ lục hợp đồng lao động là một bộ phận của hợp đồng lao động và có hiệu lực như hợp đồng lao động.

Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ thì thời hạn hợp đồng lao động chỉ được sửa đổi một lần bằng phụ lục hợp đồng lao động và không được làm thay đổi loại hợp đồng đã giao kết, trừ trường hợp kéo dài thời hạn hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi và người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách quy định tại Khoản 6 Điều 192 của Bộ luật Lao động.

Theo đó, đề nghị bạn đọc căn cứ vào các quy định nêu trên để thực hiện việc sửa đổi thời hạn hợp đồng lao động bằng phụ lục hợp đồng lao động theo đúng quy định.
M.K
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN