12:11 29/12/2010

Học sinh TH ngày càng lười

Khẳng định mình đã lớn là một đặc điểm tâm lý quan trọng của học sinh THCS. Chính vì thế, cha mẹ có thể “lựa” đặc điểm này để “dụ” con làm việc nhà.

Khẳng định mình đã lớn là một đặc điểm tâm lý quan trọng của học sinh THCS. Chính vì thế, cha mẹ có thể “lựa” đặc điểm này để “dụ” con làm việc nhà.

Không thường xuyên làm việc nhà

Một nghiên cứu về mức độ làm việc nhà của học sinh THCS của Viện Tâm lý thực hiện cho thấy: Học sinh THCS hiện nay có làm việc nhà nhưng không thường xuyên. Khảo sát được thực hiện trên 656 học sinh THCS từ lớp 6 đến lớp 9 ở Hà Nội và Hưng Yên. Các công việc được xác định gồm dọn nhà, nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo, chăm sóc em, chăm sóc người ốm, đi chợ, quán xuyến việc gia đình khi bố mẹ vắng nhà, bàn bạc việc gia đình với bố mẹ, được giao tiền để chi tiêu cho gia đình.

Trẻ làm việc nhà giống như tham gia một trò chơi, sẽ giúp bé ý thức ngay từ nhỏ về ý nghĩa của lao động.


Nghiên cứu cũng chia các công việc thành hai nhóm. Nhóm các công việc đơn giản, diễn ra hàng ngày, như dọn dẹp, lau nhà cửa, nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo, đi chợ, chăm sóc người nhà ốm, trông em. Nhóm những công việc phức tạp đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao, khả năng độc lập, tự quyết định, biết tính toán, như đi chợ mua thức ăn, quán xuyến gia đình khi bố mẹ vắng nhà, tự sắp xếp việc trong nhà thay bố mẹ, tự chi tiêu khi bố mẹ vắng nhà, được bàn bạc với bố mẹ về những việc chung trong gia đình.

Kết quả khảo sát cho thấy, đối với những công việc cụ thể, đơn giản, có tính chất xảy ra hàng ngày và không thể thiếu được trong cuộc sống của mỗi gia đình thì các em đều thực hiện nhưng phần lớn chỉ thỉnh thoảng làm hoặc làm ở mức tương đối thường xuyên, tỉ lệ các em làm ở mức thường xuyên không cao.

Đối với những công việc phức tạp hơn thì mức độ tham gia thực hiện công việc của các em rất thấp. Chẳng hạn như có rất nhiều em chưa bao giờ được mẹ giao tiền sinh hoạt để tự chi tiêu. Có đến 70,4% học sinh được hỏi trả lời rằng chưa bao giờ làm công việc này. Các em rất hiếm khi được bàn bạc với bố mẹ về những việc chung trong gia đình. Chỉ có 5,8% số học sinh được hỏi cho rằng mình thường xuyên được bàn bạc với bố mẹ.

“Đóng tủ kính” cho con

Phân tích kết quả nghiên cứu cho thấy, học sinh THCS hiện nay tham gia việc nhà ở mức trung bình. Các em thường chọn những công việc có tính chất lao động chân tay, dễ làm như lau nhà, đổ rác, nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo.


Tỷ lệ làm việc dễ cao hơn rất nhiều so với việc phải tính toán, cân nhắc như chi tiêu cho gia đình, tự tính toán đi chợ mua đồ ăn cho cả nhà, hoặc tham gia bàn bạc với bố mẹ một số công việc chung của gia đình. Với loại công việc phải tính toán này mức độ tham gia thực hiện công việc của các em rất thấp. Các em chỉ thực hiện loại việc này khi có sự nhắc nhở, hay phân công cụ thể của bố mẹ.

Trong khi đó, nhà tâm lý Ngô Đặng Minh Hằng cho biết, có tới 96% số thiếu niên cho rằng mình đã khỏe, đủ sức làm được những việc lao động chân tay bình thường. Một tỷ lệ tương tự các em trả lời rằng giúp việc gia đình là hoạt động ngoài giờ học chính của mình.

Điều đó chứng tỏ rằng, tuy các em có khả năng làm được những công việc lao động đơn giản trong gia đình, có thể thay thế bố mẹ đảm nhận công việc đó, nhưng trên thực tế các em chưa phát huy được hết khả năng của mình. Điều này phần lớn do các em chưa được bố mẹ tin tưởng giao việc. Cũng không loại trừ có nhiều em tuy đã lớn nhưng vẫn bị coi còn bé, bố mẹ không bắt các em phải làm bất cứ công việc gì ngoài việc học tập.

Chính điều này đã dẫn đến chuyện các em chỉ tự giác làm những việc như dọn nhà cửa, đổ rác, quét sân; nấu cơm; rửa bát; giặt quần áo. Những công việc khác, sự tự giác của các em không đáng kể.


Thậm chí, có em cho rằng mình chỉ tự giác làm khi bố mẹ bị ốm, khi thấy nhà cửa quá bẩn mà không ai dọn, hoặc khi có niềm vui nào đó, khi thấy thương mẹ phải làm việc quá nhiều.

Đây cũng là điều thường thấy trong nhiều gia đình hiện tại, đặc biệt là tại các tỉnh, thành. Quá coi trọng việc học, hoặc muốn bao bọc con cái, phụ huynh đã tự “đóng tủ kính” cho con mình.

Cầm Trang