07:11 09/07/2012

Học sinh đi xe đạp điện quên...mũ

Nhiều thanh thiếu niên hiện nay sử dụng xe đạp điện nhưng không tuân thủ những quy định khi tham gia giao thông như: Không đội mũ bảo hiểm, chưa đến tuổi đi xe...


Hiện nay việc đi xe đạp điện ngày càng có nhiều người lựa chọn làm phương tiện giao thông. Bởi xe đạp điện lại dễ đi và gọn nhẹ, không nặng nề như xe máy và không phải mất sức như khi đi xe đạp.

Hơn nữa sử dụng xe đạp điện không có tiếng ồn của động cơ, không xả khói gây ô nhiễm và chi phí cho “nhiên liệu” - lượng điện tiêu thụ rất thấp. Người sử dụng xe đạp điện không vấp phải các điều kiện như phải có bằng lái, không phải đăng ký…

Ảnh minh họa. Nguồn: dantri.com.vn


Tuy nhiên, việc sử dụng xe đạp điện cũng xuất hiện nhiều vấn đề đáng lo ngại bởi có nhiều người sử dụng xe đạp điện một cách tùy tiện, dễ dãi khó đảm bảo an toàn giao thông.


Xe đạp điện có nhiều kiểu dáng mới lạ, gọi là xe đạp nhưng trọng lượng khá lớn, thậm chí có xe còn cồng kềnh gần bằng xe máy. Mặc dù xe đạp điện không khó điều khiển như xe máy, nhưng tốc độ của đa số xe đạp điện hiện nay tối đa là 35km/h, như vậy gần tương đương với tốc độ cho phép xe máy lưu thông trong đô thị. người dùng phương tiện này cũng cần phải có tay lái vững vàng.


Nhưng có nhiều trẻ em 10-15 tuổi tay còn non yếu vẫn điều khiển xe đạp điện tham gia giao thông trên đường. Đã vậy, người đi xe đạp điện lại không cần đội mũ bảo hiểm hoặc đội đối phó, hoặc không cài dây mũ bảo hiểm khi sử dụng phương tiện này.


Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi bổ sung năm 2009), những người đi xe đạp điện bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Thế nhưng hằng ngày, trên các tuyến đường trong thành phố, hình ảnh không khó để bắt gặp là nhiều người ngang nhiên không đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện.


Điều đáng buồn là trong số thanh thiếu niên đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm hầu hết là học sinh, sinh viên, bất chấp những cảnh báo về an toàn giao thông và các quy định liên quan.


Đã có nhiều trường hợp vi phạm bị lực lượng CSGT xử lý, song không phải cứ bị xử lý là “bớt” được tình trạng này.

Việc quản lý học sinh, sinh viên đi xe đạp điện không chỉ là trách nhiệm của ngành GTVT, của chính quyền địa phương mà còn là trách nhiệm của gia đình và nhà trường. Tuy nhiên vẫn còn nhiều trường học chưa thực sự vào cuộc, nhiều bậc phụ huynh chưa nhắc nhở con em mình nghiêm chỉnh thực hiện quy định này.


Vì vậy sẽ còn tiềm tàng nhiều những nguy hiểm đang ẩn giấu đằng sau tay lái của những xe đạp điện. Nên chăng, đã đến lúc cần có một hình phạt mang tính răn đe hơn và những giải pháp đồng bộ, nhà trường - gia đình - học sinh để nâng cao ý thức tham gia giao thông của người sử dụng phương tiện vốn được tiếng “thân thiện” này.



Nguyễn Văn Thanh

(Phúc A, Cẩm Phúc, Cẩm Giàng, Hải Dương)