01:20 08/01/2015

Học hỏi để thoát nghèo

Vì cuộc sống quá khó khăn, từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, gia đình anh Nông Văn Biền, dân tộc Tày, đã rời Lạng Sơn vào xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai làm ăn.

Vì cuộc sống quá khó khăn, từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, gia đình anh Nông Văn Biền, dân tộc Tày, đã rời Lạng Sơn vào xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai làm ăn. Khi đó, cả 6 người trong nhà anh Biền chỉ hi vọng sẽ có được những bữa cơm no.

Những ngày đầu, anh Biền phải dựng tạm một túp lều để làm “tổ ấm”, rồi đi làm thuê đủ thứ nghề để có cái ăn. Nhờ tính cần cù, chịu khó, anh Biền được người dân trong vùng thương yêu, giúp đỡ. Năm 1994, tích góp được hơn 10 triệu đồng, anh vay thêm ngân hàng để mua 14.000 m2 đất trồng cây hồ tiêu. 6 năm sau, hồ tiêu bắt đầu thu hoạch, anh dần trả hết nợ, tích góp tiền mở rộng diện tích trồng loại cây này.


Từ năm 2010 - 2014, mỗi năm gia đình anh Biền thu lãi hơn 1 tỷ đồng từ cây hồ tiêu. Nhận thấy xã Sông Ray là địa bàn có nguồn nguyên liệu hạt điều dồi dào, năm 2011, anh Biền bỏ vốn mở cơ sở chế biến hạt điều tại nhà. Đến nay cơ sở của anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động trong vùng, với mức lương trên 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Anh Biền chia sẻ: “Từ khi đi làm thuê, tôi đã dành thời gian để tìm hiểu về cách trồng, chăm sóc cây hồ tiêu, tham gia các lớp chuyển giao kỹ thuật do chính quyền tổ chức. Những năm đầu trồng cây công nghiệp, do chi phí đầu tư lớn, gia đình không có vốn, nên hàng ngày tôi phải dậy từ gần 4 giờ sáng để chăm sóc hồ tiêu của gia đình, 7 giờ thì đi làm thuê cho người ta, chiều tối tiếp tục làm việc của nhà mình”.
 
Không những chăm lo phát triển kinh tế gia đình, nhưng năm qua, anh Biền còn dành thời gian hướng dẫn người dân xã Sông Ray kỹ thuật trồng, chăm sóc hồ tiêu. Năm 2013, anh Biền tự chiết ghép 500 gốc tiêu từ vườn của gia đình mang tặng những hộ nghèo không có tiền mua giống.


Công Phong