11:19 12/11/2014

Hóc búa bài toán khai thác tài nguyên Bắc Cực - Kỳ cuối

Tốn kém, nhiều rủi ro nhưng những rào cản tưởng như quá lớn này vẫn không thể dập tắt tham vọng khai thác nguồn dầu và tài nguyên khổng lồ ở Bắc Cực của các nước.

Tốn kém, nhiều rủi ro nhưng những rào cản tưởng như quá lớn này vẫn không thể dập tắt tham vọng khai thác nguồn dầu và tài nguyên khổng lồ ở Bắc Cực của các nước.

Kỳ cuối: Cuộc giành giật “miếng bánh”

Vậy nguồn tài nguyên ở Bắc Cực nhiều đến cỡ nào mới có thể khiến cuộc đua ngày càng khốc liệt như vậy? Mặc dù chỉ chiếm vẻn vẹn 6% diện tích bề mặt Trái Đất, nhưng Bắc Cực có lượng tài nguyên rất lớn. Trải dài từ biển Barents tới biển Beuafort và phía trên nữa, Bắc Cực mang trong mình tới 30% trữ lượng khí đốt tự nhiên chưa được phát hiện trên toàn thế giới và 15% trữ lượng dầu.


Ai chinh phục được Bắc Cực sẽ có thể hốt bạc từ 1.699 tỷ feet khối (48 tỷ mét khối) khí đốt tự nhiên và 90 tỷ thùng dầu - gần gấp ba lượng tiêu thụ hàng năm của toàn cầu. Nếu nhân các con số này với giá dầu ở mức 105 USD/thùng và giá khí đốt 4,8 USD/triệu đơn vị BTU thì giá trị trữ lượng dầu và khí đốt ở Bắc Cực lần lượt lên tới 9.100 tỷ USD và 8.100 tỷ USD. Cộng các con số này lại ta có thể thấy giá trị của nó lớn hơn toàn bộ nền kinh tế Mỹ. Đó là còn chưa kể các tài nguyên khác nằm dưới lòng biển.


Miếng bánh Bắc Cực đang bị tranh giành khốc liệt.


Số tài nguyên này nằm ở ngoài khơi và chờ người đến “lấy”, cụ thể là những nước khát năng lượng. Tất nhiên điều kiện là phải đủ tham vọng, đủ thiết bị, đủ trình độ và đủ tiền để khai thác. Trong khi chưa công ty nào hút được dầu từ Bắc Cực về, 5 trong số 8 chính phủ các nước có biên giới giáp với Bắc Cực gồm Canada, Đan Mạch, Na Uy, Nga và Mỹ trước mắt cứ tạm ra sức “xí phần” chủ quyền vùng đất băng giá này rồi tính chuyện khai thác sau. Và các nước này khăng khăng đòi miếng bánh Bắc Cực to nhất, ngon nhất.


Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), mọi nước có quyền khai thác tài nguyên dưới lòng biển ở khu vực thềm lục địa mở rộng của mình. Ngoài ra, các nước chỉ có thể nộp đơn “xí phần” thềm lục địa mở rộng sau 10 năm kể từ ngày tham gia UNCLOS. Na Uy nộp đơn năm 2006, Nga năm 2007, Canada năm 2013, Đan Mạch sẽ nộp trong năm 2014 còn Mỹ thì không thể vì chưa ký UNCLOS.


Hiện nay, khu vực bị tranh giành khốc liệt nhất có lẽ là khu vực nằm dưới mặt biển có tên gọi dải Lomonosov, trải dài 2.880 km và phân chia lưu vực Mỹ Á và Âu Á (Amerasian và Eurasian). Cả Canada và Nga đều tuyên bố dải Lomonosov giàu tài nguyên này là phần mở rộng tự nhiên thềm lục địa của mình.


Gần đây nhất, hồi tháng 12/2013, Canada đã nộp đơn lên Liên hợp quốc nói rằng Bắc Cực thuộc về lãnh thổ Canada. Trong tháng 8/2014, nước này đã đưa hai tàu phá băng tới Bắc Cực để thu thập dữ liệu khoa học làm bằng chứng cho tuyên bố chủ quyền của mình. Chính phủ Canada đã chi gần 200 triệu USD cho các hoạt động tương tự trong hành trình giành Bắc Cực.


Về phía Nga, nước này hiện chiếm hơn một nửa tổng tài nguyên của Bắc Cực. Năm 2007, Nga tuyên bố chủ quyền của vùng gồm thềm lục địa dưới Bắc Cực, dải Lomonosov, phần mở rộng của thềm lục địa Siberia. Năm đó, Nga đưa tàu ngầm mini để cắm cờ dưới đáy biển đánh dấu chủ quyền. Để trả đũa việc Canada tuyên bố chủ quyền Bắc Cực, cuối năm 2013, Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh ưu tiên tăng hiện diện quân sự ở Bắc Cực, xây dựng tàu phá băng “50 năm chiến thắng” đắt tiền nhất thế giới để khai phá thêm vùng đất này.


Đối với Đan Mạch, nước này định nộp đơn tuyên bố quyền sở hữu hợp pháp Vành đai lớn (Great Belt) và Vành đai nhỏ (Little Belt) và một phần của Sound. Do Greenland nằm trong chủ quyền của Đan Mạch nên nước này sẽ tuyên bố dải Lomonosov thuộc lãnh thổ của mình và có đường bờ biển gần nhất với Bắc Cực. Suốt 10 năm qua, Đan Mạch đã tích cực thu thập dữ liệu khoa học để chứng minh điều đó. Mặc dù là một phần của Đan Mạch nhưng Greenland đã tự trị suốt 300 năm qua và có thể dựa vào việc phát triển ngành dầu mỏ của mình để giành độc lập hoàn toàn từ Đan Mạch.


Trong khi đó, Na Uy năm 2006 đã nộp đơn tuyên bố mở rộng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ở ba khu vực là biển Barents, lưu vực Tây Nansen và hố Banana (Banana Hole) ở biển Na Uy. Năm 2010, Na Uy đã thắng Nga trong tranh chấp chủ quyền biển Barents. Na Uy gần đây đã có giấy phép sản xuất dầu thứ 12 và hiện có cơ sở hạ tầng tốt nhất để khoan dầu ở Bắc Cực.


Cuối cùng là Mỹ. Dù chưa thông qua UNCLOS và không đủ tư cách để nộp đơn tuyên bố chủ quyền lên Liên hợp quốc nhưng Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ đã cử một nhóm để lập bản đồ đáy biển Alaska để xác định thềm lục địa của mình. Việc Mỹ chưa thông qua UNCLOS có lẽ là cản trở lớn nhất cho cuộc chiến tranh giành Bắc Cực do Mỹ có thể không công nhận bất kỳ kết luận nào của UNCLOS, dẫn tới xung đột kéo dài có thể xảy ra.



Thùy Dương