02:23 24/02/2012

Hoạt động khuyến nông 2012:Lấy lợi thế vùng làm điểm tựa

Mỗi địa phương cần tìm ra thế mạnh của vùng miền và nhanh chóng đưa người nông dân tiếp cận sản xuất hàng hóa tập trung. Đó là nội dung chính vừa được Bộ NN&PTNT nhấn mạnh trong công tác khuyến nông 2012.

Mỗi địa phương cần tìm ra thế mạnh của vùng miền và nhanh chóng đưa người nông dân tiếp cận sản xuất hàng hóa tập trung. Đó là nội dung chính vừa được Bộ NN&PTNT nhấn mạnh trong công tác khuyến nông 2012.

Cách làm chưa hiệu quả

Năm 2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phê duyệt 86 dự án khuyến nông trung ương với tổng kinh phí 186 tỷ đồng, triển khai hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực của ngành như lúa gạo, cây ăn quả, cà phê, chăn nuôi...

Thâm canh nhãn đặc sản theo qui trình VietGAP ở xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Nhưng công tác khuyến nông hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là về hệ thống tổ chức. Hiện cả nước có 567 trạm khuyến nông cấp huyện nhưng mô hình quản lí chưa thống nhất. Cụ thể, tại 20 tỉnh có mô hình trạm khuyến nông trực thuộc trung tâm khuyến nông tỉnh, còn tại 34 tỉnh, trạm khuyến nông lại trực thuộc UBND huyện và 5 tỉnh có trạm khuyến nông trực thuộc phòng nông nghiệp huyện.

Thậm chí, tại một số tỉnh như Bình Dương, Bắc Kạn, Quảng Ninh... còn thiếu trạm khuyến nông. Do vậy, việc triển khai công tác khuyến nông còn nhiều lúng túng.
Theo TS Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hệ thống khuyến nông hiện nay chưa ổn định, thống nhất. Cụ thể là ở Trung ương, hoạt động này còn phân tán, chưa có đầu mối thống nhất đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên phạm vi toàn quốc. Còn tại một số tỉnh, tổ chức khuyến nông chưa được quan tâm xây dựng đồng bộ, đặc biệt là tuyến huyện và cơ sở.

“Nguyên nhân là cơ chế chính sách hỗ trợ khuyến nông còn mang tính bình quân, dàn trải; kinh phí đầu tư cho hoạt động khuyến nông còn thấp so với nhu cầu thực tế, chưa phân biệt rõ chính sách hỗ trợ cho các đối tượng khác nhau như khuyến nông cho người nghèo, phục vụ sản xuất hàng hóa, công nghệ cao...”, TS Phan Huy Thông nói.

Trong năm qua, chính sách đã có nhiều đổi mới, nhưng “tiêu chí còn cứng nhắc và thủ tục xét chọn chưa linh hoạt nên chưa tạo điều kiện cho khuyến nông địa phương mạnh dạn tham gia đấu thầu; chưa có chính sách phụ cấp phù hợp đối với khuyến nông viên”, TS Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, kinh phí đầu tư cho hoạt động khuyến nông còn thấp so với nhu cầu thực tế. Năm 2011, bình quân kinh phí khuyến nông từ ngân sách nhà nước chỉ khoảng 21.000 đồng/hộ nông nghiệp và có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương. Việc khai thác nguồn kinh phí ngoài ngân sách cho hoạt động khuyến nông còn thấp, hiệu quả sử dụng kinh phí ở một số địa phương chưa cao.

Bên cạnh đó, ông Thông cho rằng, phương pháp tiếp cận khuyến nông còn chậm đổi mới. Ở các tỉnh phía Bắc, nhiều địa phương mang nặng tính áp đặt, chưa đồng bộ giữa các khâu trong quá trình sản xuất. Trong đó, phương pháp khuyến nông theo nhóm và chuỗi giá trị sản phẩm còn rất hạn chế.

Tập trung vào thế mạnh

Trong năm 2012, ngành nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản. Do đó, hoạt động khuyến nông đóng vai trò quan trọng.

Để đẩy mạnh công tác khuyến nông, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, Sở NN&PTNT, trung tâm khuyến nông các tỉnh cần lựa chọn nội dung để khuyến cáo cho nông dân tập trung vào thế mạnh của từng địa phương.

“Hiện nay từng tỉnh, từng huyện, xã phải triển khai theo hướng khai thác thế mạnh của mình. Chỉ có như vậy người nông dân mới thoát khỏi đói nghèo, thoát khỏi sản xuất tự cung, tự cấp, tham gia vào sản xuất hàng hóa của địa phương”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, mỗi xã cần hoàn chỉnh quy hoạch, lựa chọn 2 – 3 cây trồng, vật nuôi lợi thế để tập trung làm công tác khuyến nông, tạo chuyển biến trong sản xuất.

Còn theo TS Phan Huy Thông, Chính phủ nên sửa đổi công tác khuyến nông theo hướng phân biện rõ quy mô và cơ chế hỗ trợ đối với các phương thức sản xuất khác nhau. Trong đó, khuyến nông cho người sản xuất nông nghiệp hàng hóa, áp dụng công nghệ cao thì cần nâng quy mô hỗ trợ tối đa gấp 2 – 3 lần so với quy định hiện nay. Hoặc có thể hỗ trợ lãi suất trong một thời gian nhất định để người sản xuất có đủ vốn mua sắm máy móc, thiết bị đồng bộ phục vụ sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản theo quy trình tiên tiến.

Hiện nay, Bộ NN&PTNT cũng đã liên kết với 15 tập đoàn đa quốc gia theo hình thức hợp tác công tư để khuyến nông phát triển sản xuất. Tại Phú Thọ đã liên kết với Tập đoàn Unilever, đơn vị mua 30.000 tấn chè/năm đã giúp đưa chỉ số chất lượng chè Việt Nam tăng từ 3/10 lên 4/10 trong một thời gian ngắn. Không những thế, hợp tác với doanh nghiệp sẽ giải quyết được đầu ra cho sản phẩm và giúp cho người nông dân tham gia vào quá trình sản xuất toàn cầu, nâng cao thu nhập.

Do vậy, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, công tác khuyến nông phải làm thế nào để thực hiện được mục tiêu nâng cao chất lượng của toàn ngành trong khi cơ chế, chính sách còn nhiều vướng mắc. Vì vậy, mỗi cán bộ khuyến nông cần phải có sự sáng tạo để công tác khuyến nông bám sát nhiệm vụ chính trị, trọng tâm của ngành và đạt hiệu quả cao hơn.

H.V