09:14 03/09/2014

Hoạt động của các Ban Chỉ đạo

Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho biết, xã Nam Sơn huyện Tân Lạc là một trong những xã nghèo, đặc biệt khó khăn của tỉnh Hòa Bình với 98% dân số là người dân tộc Mường, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn do kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.

*Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho biết, xã Nam Sơn huyện Tân Lạc là một trong những xã nghèo, đặc biệt khó khăn của tỉnh Hòa Bình với 98% dân số là người dân tộc Mường, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn do kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, những năm gần đây nhờ việc đẩy mạnh phát triển giống quýt bản địa đã giúp nhiều hộ gia đình ở xã Nam Sơn vượt qua nghèo đói, ổn định cuộc sống.


Hiện nay, toàn xã Nam Sơn trồng được khoảng 35 ha quýt xấp xỉ 32.000 cây với 309 hộ tham gia, nhiều hộ dân trồng quýt đã có thu nhập ổn định từ 30 đến 100 triệu đồng/năm, giúp nhiều hộ dân thoát được cảnh đói nghèo. Mới đây, Ban dự án Giảm nghèo giai đoạn II của tỉnh Hòa Bình và một số doanh nghiệp đã thực hiện khảo sát, đánh giá chất lượng giống quýt bản địa Nam Sơn để có kế hoạch bảo tồn và phát triển.


* Theo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, nhờ làm tốt công tác xã hội hóa huy động sức dân mở đường giao thông nông thôn nên chỉ trong 7 tháng năm 2014 nhân dân huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đã hiến 10.465 m2 đất, nâng tổng số diện tích đất nhân dân hiến xây dựng nông thôn mới lên 17.700 m2; huy động được 377 triệu đồng, 1.200 cây cối các loại để làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa và các công trình phúc lợi công cộng khác.


*Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, thực hiện Quyết định số 750/QĐ-TTg ngày 30/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi đất rừng sang trồng cao su, đến nay tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt 38 dự án trồng cao su, với tổng diện tích đất quy hoạch 10.545,3 ha. Trong đó, số dự án đã khai hoang trồng cao su 32/38 dự án, với tổng diện tích đã triển khai 5.971 ha, đạt 56,62% diện tích được phê duyệt.

 

Các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sang trồng cao su trên địa bàn tỉnh đã góp phần đáng kể trong việc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh như: Xây dựng và mở rộng hệ thống các công trình giao thông nông thôn, giúp người dân thuận tiện trong việc đi lại và vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp. Xây dựng trường học, trạm y tế, các công trình công cộng khác đối với khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có nhiều hộ dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Hỗ trợ các hộ đồng bào lương thực và thực phẩm, thành lập các qũy tín dụng cho các hộ dân vay vốn…


*Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện đề án "Đào tạo nhân lực các tỉnh, thành vùng Tây Nam Bộ". Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, thực hiện đề án "Đào tạo nhân lực các tỉnh, thành vùng Tây Nam Bộ", mỗi năm Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng với Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, Quân khu 9 và các tỉnh thành trong vùng tổ chức xét tuyển hơn 470 chỉ tiêu; trong đó, đào tạo cho mỗi quận, huyện thuộc các tỉnh thành trong vùng 4 chỉ tiêu ứng với 4 ngành: Kiến trúc, Quy hoạch vùng và đô thị, Kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật cơ sở hạ tầng. Đây là những ngành quan trọng, đáp ứng nhu cầu hiện nay của vùng về công tác lập quy hoạch quản lý dự án đầu tư, giám sát thi công, góp phần bảo đảm mỹ quan và nâng cấp các đô thị ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.


Vũ Trung Đức - Văn Toán - Hồng Anh - Bảo Trân