09:06 04/09/2014

Hoạt động của các Ban Chỉ đạo

Theo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, hơn một tháng qua, 62 hộ dân ở 2 điểm tái định cư thủy điện Sơn La (bản Bỉa và bản Cướm, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) vẫn đang ở trong các lán tạm bợ thuộc khu vực sạt lở, chưa chuyển đến nơi ở mới dựng lại nhà cửa, ổn định đời sống.

* Theo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, hơn một tháng qua, 62 hộ dân ở 2 điểm tái định cư thủy điện Sơn La (bản Bỉa và bản Cướm, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) vẫn đang ở trong các lán tạm bợ thuộc khu vực sạt lở, chưa chuyển đến nơi ở mới dựng lại nhà cửa, ổn định đời sống.


Trước mắt, huyện Quỳnh Nhai đã hỗ trợ khẩn cấp đợt một mỗi hộ 5 triệu đồng để các hộ khắc phục hậu quả, đồng thời xây dựng phương án tái định cư cho 62 hộ bị đổ nhà. UBND huyện ký cam kết với từng hộ dân khẩn trương di chuyển ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm để đến điểm tái định cư mới Huổi Khinh, xã Chiềng Ơn (cùng huyện). Cấp ủy, chính quyền địa phương đang tích cực tuyên truyền, vận động bà con đồng thuận, khẩn trương di chuyển đến nơi ở mới, bố trí cho trẻ em hai bản nói trên được đi học đúng thời gian khai giảng năm học mới. Tuy nhiên, hiện đang là mùa mưa nên việc san ủi nền nhà, làm đường vào điểm tái định cư mới cho bà con gặp nhiều khó khăn.


* Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, đến nay các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng đã đầu tư xây dựng mới, sửa chữa hàng ngàn phòng, lớp học, bàn ghế học sinh và cấp miễn phí các bộ sách giáo khoa, vở, dụng cụ học tập cho học sinh dân tộc thiểu số, con em gia đình chính sách.


Các tỉnh Tây Nguyên đã huy động nhiều nguồn vốn, đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng mới các trường, lớp học, chủ yếu là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các tỉnh Tây Nguyên hiện có trên 6.271 trường học các cấp, với 97.409 phòng học, lớp học, thu hút trên 1,4 triệu học sinh các bậc học phổ thông, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 32%.


* Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết, Vĩnh Châu là địa phương ven biển của tỉnh Sóc Trăng tập trung đông đồng bào dân tộc Khmer, chiếm trên 52% dân số toàn thị xã. Việc chăm lo đời sống vật chất tinh thần và phát triển kinh tế cho đồng bào Khmer luôn là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ và các cấp chính quyền.


Trong 5 năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc, thị xã Vĩnh Châu đã xây dựng cho đồng bào trên 1.800 căn nhà, hỗ trợ cho trên 13.000 hộ được vay vốn, đào tạo nghề cho hơn 5.600 lao động, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, mua dụng cụ sản xuất cho gần 11.000 hộ, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hơn 430 hộ… Nhờ vậy, đến nay các xã, phường có đông đồng bào dân tộc Khmer đều có trường lớp khang trang; trạm y tế được đầu tư hoàn chỉnh và hiện đại. Hiện, toàn thị xã có 100% ấp, khóm đều có đường bê tông nối liền nhau và giữa các ấp, khóm với trung tâm xã; trên 90% số hộ đồng bào Khmer có điện sử dụng…


Điêu Chính Tới - Quang Huy - Chanh Đa