01:07 11/01/2017

Hoàn thiện văn bản pháp luật để kiểm soát lạm phát

Bộ Tài Chính vừa có thông tin về kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá ngày 22/12/2016. Đáng lưu ý, Phó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành hoàn thiện, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật liên quan để kiểm soát lạm phát.

Cụ thể, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Đồng thời, hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ khung giá bán lẻ điện bình quân trên cơ sở tính toán thông số đầu vào và đầu ra của hoạt động sản xuất, kinh doanh điện để khuyến khích tiết kiệm và thu hút đầu tư. Ngoài ra, tính toán thời điểm điều chỉnh giá điện hợp lý, sớm báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá để chỉ đạo quyết định.

Bộ Y tế sớm ban hành Thông tư quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế để triển khai thực hiện trong năm 2017. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tính toán thời điểm và mức độ điều chỉnh phù hợp đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Bộ này cũng khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý giá thuốc và đẩy nhanh tiến độ hoạt động của Trung tâm đấu thầu thuốc quốc gia. Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẩn trương triển khai thực hiện đấu thầu giá thuốc với mục tiêu kéo giá thuốc giảm từ 10 - 15% so với mặt bằng giá hiện nay để hỗ trợ mặt bằng giá cả thị trường, đồng thời tăng cường quản lý giá thuốc.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Tổng cục Thống kê và Bộ Tài chính đánh giá việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục của các cơ cở giáo dục đại học công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư trong năm 2017.

Bộ Xây dựng cung cấp số liệu các địa phương dự kiến điều chỉnh giá nước sạch trong năm 2017, tỷ lệ điều chỉnh và đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt tới chỉ số giá tiêu dùng; tăng cường quản lý giá các vật liệu xây dựng có tác động nhiều đến chỉ số giá tiêu dùng.

Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tài chính sớm quyết toán, tính toán phương án tài chính các dự án sử dụng vốn BOT, ưu tiên việc giảm phí hơn thời gian thu hồi vốn, cố gắng giảm đều cho tất cả các đối tượng tiêu dùng cùng được hưởng. Đồng thời đ ẩy mạnh tăng cường vận tải đa phương thức để giảm cước hàng hóa lưu thông, kiểm soát chặt giá dịch vụ tại cảng hàng không. Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các Sở Giao thông vận tải giám sát, rà soát chặt chẽ kê khai giá của đơn vị kinh doanh vận tải theo phân công của Chính phủ tại Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016; thực hiện kiểm soát giá nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

Đối với việc quản lý giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh sữa thực hiện nghiêm kê khai giá, bình ổn thị trường nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành giữ ổn định mặt bằng lãi suất, điều hành linh hoạt tỷ giá, phấn đấu giữ lạm phát cơ bản trong khoảng 2%.

Tổng cục Thống kê có báo cáo nhanh Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá về đánh giá tác động các lần điều chỉnh giá hàng hóa dịch vụ quan trọng, thiết yếu do Nhà nước quản lý tới chỉ số giá tiêu dùng. Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tính toán các thời điểm điều chỉnh phù hợp để giảm thiểu tác động đến mặt bằng giá chung.

Về cơ chế quản lý đối với các loại phí được chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá do Nhà nước định giá, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng phương án giá và đề xuất mức thu giá dịch vụ phù hợp với pháp luật hiện hành, tình hình cung ứng dịch vụ, tránh gây biến động lớn. Trường hợp mức giá cao hơn mức phí hiện hành thì cần có lộ trình điều hành phù hợp bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Năm 2017, Quốc hội đã đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm khoảng 4%. Việc thực hiện nhiệm vụ điều hành giá, kiểm soát lạm phát sẽ gặp rất nhiều áp lực, khó khăn hơn năm 2016. Nhiều yếu tố dự báo gây sức ép lên mặt bằng giá như: xu hướng hồi phục của giá xăng dầu và giá các hàng hóa cơ bản trên thị trường thế giới, việc điều chỉnh giá các hàng hóa quan trọng, thiết yếu (điện, dịch vụ y tế, giáo dục...) theo lộ trình thị trường. Ngoài ra, còn có áp lực về tỷ giá; rủi ro về biến đổi khí hậu, thiên tai.

Bên cạnh đó, việc chuyển các nhóm dịch vụ từ phí sang giá do Nhà nước định giá theo Luật Phí và lệ phí và Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá, thì tính đúng, tính đủ chi phí đối với một số dịch vụ không được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước sẽ có tác động nhất định lên mặt bằng giá.

TTXVN/Tin Tức