09:07 05/09/2014

Hoàn thiện hạ tầng để giảm áp lực giao thông

Trong những năm gần đây, áp lực giao thông tại TP Hồ Chí Minh đã giảm rõ rệt. Dự kiến đến cuối năm 2014, thành phố sẽ hoàn thành nhiều công trình giao thông quan trọng khác, từng bước kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trong những năm gần đây, áp lực giao thông tại TP Hồ Chí Minh đã giảm rõ rệt. Dự kiến đến cuối năm 2014, thành phố sẽ hoàn thành nhiều công trình giao thông quan trọng khác, từng bước kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.


Cải thiện giao thông nội đô


Từ năm 2011 đến nay, mục tiêu kéo giảm ùn tắc giao thông của TP Hồ Chí Minh đã phát huy hiệu quả. Nếu như năm 2010, trên địa bàn thành phố xảy ra 54 vụ ùn tắc kéo dài trên 30 phút thì năm 2013 chỉ còn lại 3 vụ. Đặc biệt, từ đầu năm 2014 đến nay, thành phố chưa xảy ra vụ ùn tắc nào kéo dài trên 30 phút, chỉ có những vụ ùn ứ cục bộ ở các khu vực xảy ra ngập do mưa - triều cường kết hợp.

 

Hoàn thiện hạ tầng giao thông góp phần phát triển kinh tế.


Để cải thiện giao thông nội đô, thành phố đã đẩy mạnh phân luồng giao thông hợp lý trên nhiều tuyến đường. Nhiều tuyến đường thường xuyên là “điểm nóng” ùn tắc vào giờ cao điểm đã được cải thiện đáng kể, như: Tuyến đường Bùi Thị Xuân - Sương Nguyệt Ánh (quận 1), Tỉnh lộ 10 - đường số 7 (quận Bình Tân), Nguyễn Văn Cừ - Trần Hưng Đạo (quận 5), quốc lộ 1A (từ nút giao thông Thủ Đức đến vòng xoay An Lạc), đường Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt... Theo đó, những tuyến đường này đã được tổ chức phân lại làn xe, cho phép các xe trộn dòng đi theo hướng các giao lộ để giảm bớt giao cắt, điều chỉnh số lượng và bề rộng làn xe ở các đoạn có mật độ giao thông cao.


Bên cạnh đó, tại các tuyến đường như Nguyễn Tri Phương (quận 10), Trường Chinh, Cộng Hòa (quận Tân Bình), Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh)... có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông cũng đã được lắp đặt dải phân cách giữa làn xe ô tô và xe hai bánh, hàng rào ngăn chặn hành vi đi bộ băng sang đường không đúng nơi quy định, dải phân cách tim đường... Thành phố cũng đã tổ chức và điều phối các lực lượng cùng tham gia điều tiết giao thông trên 23 tuyến đường trọng điểm thường xảy ra tai nạn và 24 “điểm đen” về an toàn giao thông.


Từ năm 2011 đến năm 2013, số vụ tai nạn giao thông tại TP Hồ Chí Minh giảm từ hơn 8.300 vụ còn hơn 5.000 vụ/năm. Riêng hơn nửa năm 2014, thành phố đã xảy ra hơn 2.100 vụ tai nạn, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2013.

Bà Nguyễn Thị Tú, ngụ tại quận 10 cho biết: “Đường Nguyễn Tri Phương trước đây ngày nào cũng ùn tắc nhưng hiện nay nhờ có cầu vượt thép nên đã hết ùn tắc. Thành phố cũng liên tục tổ chức tuyên truyền nên ý thức tham gia giao thông của người dân cũng dần tốt hơn. Chúng tôi rất mừng khi tình hình giao thông ngày càng được cải thiện”.


Điều đáng nói, thành phố đã tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai các công trình trọng điểm để sớm đưa vào sử dụng, góp phần giảm tải áp lực giao thông. Nhiều dự án như cầu Sài Gòn 2, giai đoạn 1 tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài, tuyến đường vành đai phía Đông, mở rộng liên tỉnh lộ 25B giai đoạn 2, mở rộng xa lộ Hà Nội, xây mới 6 cầu vượt bằng thép ở các nút giao thông trọng điểm... đã giúp các cửa ngõ thành phố thông thoáng.


“Thành phố đã bố trí vốn đầu tư từ ngân sách cho các dự án giao thông lên đến hơn 28.300 tỷ đồng và kêu gọi đầu tư các dự án giao thông theo hình thức BOT, BT...”, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết.


Gắn kết vùng


Theo Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, đến cuối năm 2014 sẽ có 34 công trình giao thông được đưa vào sử dụng, trong đó có nhiều công trình huyết mạch giúp giải tỏa áp lực giao thông của thành phố và của khu vực. Do vậy, ngay từ đầu năm 2014, UBND TP đã chỉ đạo Sở KH&ĐT, Sở Tài chính ưu tiên và bố trí đủ vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm đã được phê duyệt, các công trình có thể hoàn thành trong năm nay. Đồng thời, UBND TP cũng giao cho các UBND quận, huyện đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đối với dự án giao thông huyết mạch, kết nối với các tỉnh lân cận; vừa giảm áp lực giao thông vừa thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực.


Trong số các công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm, đầu tiên phải kể đến là dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với dự án thành phần 1: Đoạn An Phú (quận 2) - vành đai 2 với tổng chiều dài khoảng 4,5 km. Bên cạnh đó, dự án xây dựng đường tỉnh lộ 10B đi qua quận Bình Tân và huyện Bình Chánh với tổng chiều dài 8,5 km. Đây là trục đường tiếp giáp với tỉnh lộ 10, tạo thành một trục giao thông chính nối trung tâm thành phố với tỉnh Long An và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Đồng thời, kết nối các KCN ở huyện Đức Hòa, Đức Huệ (Long An) với khu công nghiệp Lê Minh Xuân, Tân Tạo và các khu dân cư thuộc huyện Bình Chánh, quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh).

 

Khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ giảm tải cho quốc lộ 1A đoạn qua huyện Bình Chánh, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ từ Long An về TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, cuối năm nay, ngành giao thông thành phố cũng sẽ nỗ lực hoàn thành toàn tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài với bề rộng mặt đường từ 20 - 60 m (tương đương 6 - 12 làn xe), dài 13,7 km. Theo tính toán của Sở GTVT, khoảng 40% lượng xe đi từ Bình Dương vào nội thành TP Hồ Chí Minh sẽ đi bằng tuyến đường này. Vì vậy tình trạng ùn tắc ở trước bến xe miền Đông và giao lộ Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng (quận Bình Thạnh) sẽ được giảm bớt. Đây cũng là tuyến kết nối trung tâm thành phố với các khu đô thị vệ tinh xung quanh và các tỉnh liền kề như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.


Bài và ảnh: Anh Đức