03:07 05/03/2015

Hoàn thiện chính sách người có công

Chương trình tổng rà soát việc thực hiện chính sách người có công đã đạt được mục tiêu theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình phối hợp giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban Thường trực Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là nhận định được đưa ra...

Chương trình tổng rà soát việc thực hiện chính sách người có công đã đạt được mục tiêu theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình phối hợp giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban Thường trực Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là nhận định được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết chương trình được tổ chức chiều 4/3, tại Hà Nội.

Bảo đảm chính xác

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Doãn Mậu Diệp, các chính sách đối với bảy nhóm đối tượng người có công (liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người có công giúp đỡ cách mạng, cựu thanh niên xung phong) đã được rà soát toàn diện, cụ thể, công khai và minh bạch từ cấp xã, phường, thị trấn với sự quan tâm của nhân dân.

Quang cảnh Hội nghị.Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN



Đợt tổng rà soát đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự tham gia tích cực của các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ và Sở LĐTB&XH các tỉnh, thành phố đã chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo; thành lập các Ban chỉ đạo ở các cấp và Tổ rà soát tại cộng đồng dân cư theo đúng quy định. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn việc ghi phiếu, phân loại và tổng hợp đối tượng cụ thể và chu đáo đảm bảo tính chính xác của công tác rà soát. Việc triển khai thực hiện rà soát tại cộng đồng dân cư được thực hiện nghiêm túc có sự kiểm tra, giám sát kịp thời của Ban rà soát cấp huyện và xã, phường, thị trấn. Việc niêm yết danh sách cơ bản đảm bảo thời gian theo quy định, thể hiện tính công khai, minh bạch, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng.

Kết quả rà soát cho thấy với hơn 2 triệu đối tượng người có công, hơn 1,9 triệu người (95,72%) đã được hưởng đầy đủ chính sách; 86.201 người (4,19%) còn hưởng chưa đầy đủ; 1.872 người (0,09%) hưởng sai chính sách. Kết quả này khẳng định trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với người có công; và việc thực hiện chính sách đối với người có công về cơ bản là đúng đối tượng, đủ chính sách và kịp thời về thời gian.

Vướng mắc trong giải quyết chính sách

Tuy nhiên, quá trình kiểm tra vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Số hồ sơ kê khai xác nhận người có công còn tồn đọng ở các địa phương là hơn 63.500 trường hợp. Các trường hợp này chủ yếu do chính sách bổ sung, do không còn hồ sơ, giấy tờ gốc. Công tác rà soát phức tạp, cán bộ ban rà soát chưa nắm chắc các chính sách đối với người có công, giải đáp cho người dân về chính sách người có công chưa thỏa đáng. Một số nơi cấp ủy, chính quyền chưa vào cuộc tích cực; việc phối hợp và tổ chức thực hiện giữa MTTQ và ngành LĐTB&XH cũng như các tổ chức thành viên tham gia thực hiện Chương trình ở một số nơi chưa được chặt chẽ… Bên cạnh đó, việc xử lý hồ sơ tồn đọng, sớm xác nhận người có công cho những người đủ điều kiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất của các cấp, các ngành cũng là vấn đề đặt ra.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các bộ, ngành trung ương, các đoàn thể cần tiếp tục hoàn thiện việc hưởng chính sách của những người chưa được hưởng đủ làm sao hưởng đúng chính sách. Đưa ra khỏi diện hưởng chính sách người có công với những người không đủ tiêu chuẩn; tập trung hướng dẫn hỗ trợ để đăng ký hồ sơ, xem xét những người có nguyện vọng được xem xét người có công để đến tháng 8/2015 có báo cáo Chính phủ, Quốc hội và đồng bào cả nước về việc thực hiện tổng rà soát việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng.

Tại hội nghị, lãnh đạo nhiều địa phương, cơ quan, tổ chức đã đưa ra nhiều giải pháp cũng như kiến nghị những khó khăn cần tháo gỡ, đặc biệt là việc tháo gỡ vướng mắc về việc giải quyết chính sách cho những đối tượng không có hồ sơ gốc.

Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Nguyễn Anh Liên trăn trở: Theo số liệu hiện nay, số lượng hồ sơ tồn đọng của thanh niên xung phong là nhiều nhất. Nguyên nhân của việc này là đội ngũ làm chính sách hiện nay còn trẻ, chưa thấu hiểu được tính chất đặc thù của đội ngũ thanh niên xung phong. Đối với những đối tượng là bộ đội, khi nhập ngũ, xuất ngũ đều có quyết định, còn thanh niên xung phong lại không có bất cứ giấy tờ nào chứng minh. Đội ngũ thực thi chính sách cần làm việc, tiếp cận, phối hợp với hội thanh niên xung phong các cấp để hiểu vấn đề này. Bên cạnh đó, đề nghị Đảng, Nhà nước sớm ban hành chế độ, có huy chương thanh niên xung phong kháng chiến coi như một minh chứng cho cựu thanh niên xung phong là người có công để hưởng chế độ chính sách.

Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Theo hướng dẫn của Thông tư 28 thì phải có hồ sơ gốc từ năm 1995, điều này dẫn đến khó khăn cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Đề nghị các bộ ngành chức năng có hướng dẫn cụ thể để xử lý những đối tượng không có hồ sơ gốc của TP Hồ Chí Minh, trong đó phần lớn là hồ sơ của thanh niên xung phong.

Đề ra những nhiệm vụ trong thời gian tới, ngành LĐTB&XH đề nghị Ủy UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng, Nhà nước và kết quả thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công. Tiếp nhận các thông tin phản ánh từ nhân dân phản ánh về các đối tượng hưởng sai chính sách đối với người có công. Bộ LĐTB&XH phối hợp với MTTQ và các thành viên của Mặt trận, các bộ, ngành từng bước hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công đối với các nhóm đối tượng khác nhau phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội và điều kiện của ngân sách Nhà nước, trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội quyết định.

Phúc Hằng