09:09 08/09/2014

Hóa thạch khủng long năng hơn Boeing 737

Một nhóm các nhà khoa học Argentina và Mỹ đã phát hiện tại tỉnh Santa Cruz các mẫu xương hóa thạch của một loài khủng long khổng lồ sống cách đây 77 triệu năm tại vùng Patagonia, phía nam Argentina.

Tạp chí Scientific Reports(Anh) trong số mới đây nhất cho biết một nhóm các nhà khoa học Argentina và Mỹ đã phát hiện tại tỉnh Santa Cruz các mẫu xương hóa thạch của một loài khủng long khổng lồ sống cách đây 77 triệu năm tại vùng Patagonia, phía nam Argentina.


Được đặt tên Dreadnoughtus schrani(Dreadnoughtus có nghĩa là “không sợ điều gì”, ám chỉ khủng long này lớn đến mức không phải sợ bất kỳ loại vật nào khác), đây là loài ăn cỏ sống ở cuối kỷ Phấn trắng và dường như cả đời không làm gì ngoài việc ăn để cung cấp năng lượng cho thân hình đồ sộ của chúng.


Trong bốn đợt khai quật được tiến hành trong những năm 2005-2009, các nhà cổ sinh vật học đã thu thập được 45,3% bộ xương hóa thạch của con khủng long trên. Đây là bộ xương hóa thạch hoàn chỉnh nhất của chi khủng long cổ dài Titanosaur được phát hiện từ trước tới nay. Mặt khác, Dreadnoughtus schrani là loài động vật sống trên cạn lớn nhất được các nhà khoa học tìm thấy các mẫu hóa thạch đủ để tính được kích thước cơ thể.


Các mẫu xương hóa thạch được phát hiện cho thấy Dreadnoughtus Schrani dài tới 26 mét,có cổ dài 11,3 mét, đuôi dài 8,7 métvà nặng khoảng 60 tấn, tức là nặng hơn một chiếc máy bay Boeing 737, nặng hơn khủng long bạo chúa T-Rex 7 lầnvà nặng bằng một tá voi châu Phi.


Tháng 5 vừa qua, một số nhà khoa học đã thông báo về việc phát hiện hóa thạch của một con khủng long tại Patagonia có thể được xếp vào loại lớn nhất thế giới, có thể nặng tới 100 tấn.


Sau đó, trong tháng 7, báo chí Argentina đăng tải về việc phát hiện bảy bộ xương khủng long hóa thạch được tìm thấy ở tỉnh Chubut, cũng tại Patagonia. Phát hiện này được cho là quan trọng hơn so với phát hiện mà Scientific Reports vừa công bố vì các bộ xương hóa thạch gần như còn nguyên vẹn.


Argentina bắt đầu thu hút sự chú ý của các nhà khoa học thế giới vào cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước như một “công viên kỷ Jura”, khi người ta tìm thấy tại đây hóa thạch của Argentinosaurus Huinculensis, loài khủng long ăn cỏ lớn nhất thế giới có chiều dài khoảng 37 mét. Năm 1993, các nhà khoa học cũng phát hiện tại quốc gia Nam Mỹ này hài cốt của Giganotosaurus Carolinii, loài khủng long ăn thịt lớn nhất thế giới (dài khoảng 14 mét)./.


Quang Sơn (Phóng viên TTXVN tại Argentina)