01:06 14/01/2015

Hỗ trợ toàn diện cho nạn nhân bom mìn

Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại tại nhiều địa phương vẫn luôn là vấn đề nhức nhối, gây nguy hại đến môi trường và cuộc sống người dân.

Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại tại nhiều địa phương vẫn luôn là vấn đề nhức nhối, gây nguy hại đến môi trường và cuộc sống người dân. Thế nhưng, đến nay, chính sách hỗ trợ còn rất khiêm tốn, chỉ số ít nạn nhân bom mìn (NNBM) được hỗ trợ toàn diện để hòa nhập cộng đồng.

Thiếu chính sách cụ thể

Anh Triệu Văn Nguyên (sinh năm 1980),  xã Thanh Thủy , huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, vẫn hãi hùng khi kể lại vụ tai nạn kinh hoàng cách đây hơn 8 năm. Đó là vào tháng 8/2008, khi lên rừng lấy gỗ về làm nhà, do dẫm phải mìn nên anh đã bị  cụt chân. “Vùng này nhiều mìn lắm, cả cái rông (sườn núi), bãi sắn cũng có mìn. Thỉnh thoảng đi cày xới trồng ngô vẫn gặp mìn bằng cái đít chén chồi lên.

Hôm vừa rồi, con trai lớn đi chăn trâu về cầm quả lựu đạn nhặt được và nói đó là sắt, tôi sợ quá vội vàng vứt xuống khe. Từ ngày bị thương tôi đã dặn kỹ bọn trẻ phải cẩn thận nhưng chúng không để tâm nên lúc nào cũng lo ngay ngáy con trẻ sẽ bị tai nạn như mình”, anh Triệu Văn Nguyên kể.

Do là lao động chính, lại bị tai nạn do bom mìn nên nhà anh Triệu Văn Nguyên luôn xếp vào hộ nghèo của xã với 3 đứa con, trong đó 1 đứa dị tật bẩm sinh, 2 đứa nữa thì đứa lớn 10 tuổi nghỉ học đi chăn trâu, đứa nhỏ theo mẹ đi hái chè. Cùng bản với anh Nguyên còn có ông Bồn Văn Hòn (sinh năm 1969) cũng bị cụt hai chân do mìn và có 2 con bị thương ở tay, chân vì dẫm phải mìn. Nhà ông Hòn cũng là hộ nghèo.

Chị Cao Thị Mến (bên trái ảnh) sau khi được hỗ trợ học nghề đã ổn định cuộc sống. Ảnh: CTV.


Theo UBND xã Thanh Thủy, cả xã có 50 người bị tàn tật do bom mìn, đang được hưởng chính sách hỗ trợ theo mức độ thương tật của người khuyết tật và được vay vốn giảm nghèo. Nguyên nhân do hiện vẫn chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể đối với những NNBM, nhất là vấn đề hỗ trợ phục hồi chức năng, học nghề.

Chị Cao Thị Mến, xã Mỹ Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình)  đến nay  vẫn nhớ rõ vụ tai nạn xảy ra cách đây 25 năm. Lúc ấy, chị Mến còn là cô bé 5 tuổi, đang chơi đùa ở trước sân nhà thì bị một mảnh bom nổ gần đó vô tình găm vào cột sống gây thương tật. Sau ngày bị tai nạn, chị Mến chỉ có thể ngồi trong nhà, không tiếp xúc với bất kỳ ai ngoài vợ chồng cô em gái. Cuộc sống chị gắn liền với nỗi sợ hãi và mặc cảm đau ốm, tật nguyền.

Chị Mến luôn ao ước được học nghề nhưng việc tái hòa nhập rất khó khăn. May mắn đến với chị khi cách đây 2 năm được sự hỗ trợ của Hội vì sự khuyết tật tỉnh Quảng Bình, chị Mến đến bệnh viện để phẫu thuật lấy mảnh đạn, được hướng dẫn luyện tập phục hồi chức năng và học nghề làm nón lá, mây tre đan. Hiện tại chị Mến không chỉ là người khuyết tật có thể tự sống bằng nghề mây tre đan mà còn là “giảng viên” tại chỗ hướng dẫn nghề mới cho bà con trong làng .

Nhưng đáng tiếc, số NNBM may mắn có được một công việc có thu nhập ổn định như chị Cao Thị Mến còn rất ít. “Hầu hết NNBM sống dựa vào gia đình và được hỗ trợ dựa trên mức độ thương tật theo chính sách đối với người khuyết tật”, ông Tô Đức, Cục phó Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH), cho biết.

Cần hỗ trợ sinh kế

Để hỗ trợ NNBM, đã có những  dự án liên quan đến bom mìn và những người bị ảnh hưởng được thực hiện ở khu vực miền Trung nhưng đều là những dự án riêng lẻ, chỉ diễn ra trong một thời gian nhất định.

 Trong chiến tranh chống Mỹ, Quảng Bình được mệnh danh là “túi bom” và hậu quả là trong tổng số 45.000 người khuyết tật của tỉnh thì có tới hơn 20.000 người là NNBM. Từ năm 2011, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình triển khai Dự án “Phòng ngừa thương tích và giảm thiểu những tác động bất lợi về kinh tế - xã hội của NNBM”. Dự án tập trung tuyên truyền cho người dân cách nhận biết, kỹ năng phát hiện, phòng tránh tai nạn bom mìn cho giáo viên và học sinh của các nhà trường.

Thông qua đó, người dân đã thay đổi nhận thức, thay đổi công việc để tránh hiểm nguy như một số người chuyên đi lượm ve chai đã chuyển sang mở cửa hàng tạp hóa, chăn nuôi… Dự án còn tổ chức hỗ trợ sinh kế cho 36 hộ gia đình là nạn nhân bị tai nạn bom mìn của 8 xã, phường. Trong đó, 19 gia đình được hỗ trợ nuôi bò, trâu, 10 hộ gia đình được hỗ trợ nuôi gà, 6 hộ gia đình được hỗ trợ nuôi lợn nái và lợn thịt, 1 gia đình được hỗ trợ làm lò bánh cuốn. Nhờ được hỗ trợ sinh kế, cấp chiếc “cần câu”, các gia đình nạn nhân bom mìn đã phần nào cải thiện đời sống.

Chị Hoàng Thị Mai Chi, cán bộ Đội liên lạc cộng đồng (Nhóm cố vấn bom mìn) cho hay, để tuyên truyền, Đội liên lạc cộng đồng có trách nhiệm đến từng nhà dân, tìm hiểu về những khu vực nguy hiểm, vẽ lại bản đồ, xác định vật liệu nổ và đánh dấu lại vị trí để chuyển cho đội kỹ thuật rà phá bom mìn tiến hành tìm kiếm, tháo dỡ đưa về khu vực tập kết trước khi đưa đi tiêu hủy.

“Lắm lúc cũng thấy công việc nguy hiểm và vất vả nhưng mỗi lần nghĩ đến những tai nạn thương tâm đã xảy ra, tôi thầm nghĩ mình càng phải cố gắng bởi nếu chậm trễ dù chỉ là một tích tắc sẽ có biết bao gia đình phải chịu nỗi đau và mất mát không đáng có”, chị Mai Chi bộc bạch.

Theo thống kê, Việt Nam còn hơn 800.000 tấn bom mìn chưa phá hết. Đơn cử như tại Quảng Bình có tới 159 xã còn sót nhiều bom mìn. Trong vòng 10 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 164 vụ tai nạn do bom mìn, làm chết 49 người và bị thương 115 người; trong đó, tai nạn bom mìn đối với trẻ em chiếm tỷ lệ 21%. Nguyên nhân chủ yếu do người dân chưa được tiếp cận các thông tin, cách phòng tránh bom mìn trong quá trình sinh sống, lao động sản xuất.

Còn theo ông Hoàng Văn Thông, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Trị, tỉnh có 83% diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn và có hơn 7.000 NNBM. Nguyên nhân dẫn tới tai nạn chủ yếu là do bà con lao động sản xuất gặp phải bom mìn, buôn bán phế liệu là bom mình và trẻ lấy vật  
liệu bom mìn làm đồ chơi. Hầu hết NNBM đều được xếp vào diện người khuyết tật và có tiền trợ cấp hàng tháng. NNBM nặng không còn người thân sẽ được nuôi dưỡng tại trung tâm bảo trợ xã hội. 

ÔNG BEAT SCHWEIZER, TRƯỞNG ĐẠI DIỆN KHU VỰC CỦA ỦY BAN CHỮ THẬP ĐỎ QUỐC TẾ: “Cần gói hỗ trợ tổng thể”

Việc hỗ trợ NNBM cần một gói tổng thể từ hỗ trợ y tế, vốn, dịch vụ xã hội, tạo việc làm… nhằm giúp họ có thể hòa nhập xã hội. Nếu thiếu 1 trong 4 yếu tố trên thì việc hỗ trợ hòa nhập không còn tác dụng.

Hiện có nhiều dự án hỗ trợ, chính sách riêng rẽ và cần có đơn vị điều phối để việc hỗ trợ NNBM được triển khai một cách tổng thể.

BÀ NGUYỄN HẰNG, HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM: “Tăng cường tuyên truyền”

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đang được tổ chức phi chính phủ nước ngoài hỗ trợ triển khai dự án nâng cao ý thức của người dân về bom mìn, vật liệu nổ thông qua tuyên truyền tại 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.

Việc tuyên truyền được thực hiện với nhiều hình thức sinh động, tập trung vào đối tượng học sinh như thi “Tìm hiểu kiến thức về phòng tránh tai nạn bom mìn cho học sinh tiểu học”; Cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Chung tay phòng ngừa thương tích do tai nạn bom mìn, vật liệu nổ”; cuốn sách gấp về bom mìn và cách sơ cứu.

Tại các trường, học sinh dành 15 phút đầu tuần để tìm hiểu thông qua bộ tranh ảnh và mời chính NNBM nói chuyện.



Tuy nhiên, đây mới chỉ là chính sách bảo trợ, chưa có chính sách hỗ trợ toàn diện đối với người bị ảnh hưởng của bom mìn. Thực tế, từ năm 2006 - 2010, NNBM chủ yếu là do rà phá bom mìn để bán sắt vụn và là người nghèo. Do đó, cần có hỗ trợ sinh kế để NNBM có nghề không phải tiếp tục rà phá bom mìn bán lấy sắt vụn.

Ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết: Việt Nam có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số; trong đó, có nhiều người khuyết tật do hậu quả của bom mìn. Việt Nam chưa có cuộc khảo sát nhằm đánh giá chính xác số nạn nhân bị thương và chết vì bom mìn sau chiến tranh.

Do chưa lập danh sách các NNBM nên chưa có đánh giá tổng thể nhu cầu của nạn nhân; xác định nguồn lực hỗ trợ cho nạn nhân, thiếu đội ngũ nhân viên và cộng tác viên trong hỗ trợ nạn nhân như hoạt động công tác xã hội, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng. Ngành cũng chưa có đánh giá và nhân rộng các mô hình hỗ trợ NNBM hòa nhập xã hội và tạo việc làm bền vững…

“Khi có thống kê chính xác số NNBM cũng như nhu cầu của họ thì mới có thể có biện pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả”, ông Tô Đức khẳng định.

Nâng cao nhận thức về nguy cơ bom mìn

Trung tướng Nguyễn Đức Soát (ảnh), Chủ tịch Hội khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức  về các giải pháp khắc phục, hỗ trợ nạn nhân bom mìn.
 



*Ông đánh giá như thế nào về việc hỗ trợ cho nạn nhân bom mìn hiện nay?

Việt Nam là một trong những nước có tình trạng ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh với hơn 66.000 km2 (chiếm 20,12% diện tích cả nước) bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển kinh tế -xã hội của đất nước, đe dọa và ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản, sức khỏe và tâm lý của nhân dân.

Theo thống kê, từ năm 1975 - 2002, có khoảng 40.000 người chết và 62.000 người bị thương do bom mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh. Trong đó, có tới 40% là thanh thiếu niên nên có tác động không nhỏ tới nguồn lực lao động sau này.

Từ năm 2002 đến nay vẫn chưa có số liệu thống kê chính xác về NNBM, vật liệu nổ và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng chính sách và công tác hỗ trợ đối với những nạn nhân này.

Mới đây, Ban lãnh đạo Hội đã làm việc với 10 tỉnh, thành phố được đánh giá còn sót lại nhiều bom mìn thì hầu hết các sở, ngành cơ sở đều không nắm rõ cụ thế số lượng NNBM, tình trạng cụ thể của NNBM để từ đó có giải pháp hỗ trợ cụ thể.

Nhìn tổng quan, hiện Việt Nam chưa có chính sách cụ thể đối với NNBM, vật liệu nổ. Chính sách hỗ trợ cho NNBM, vật liệu nổ vẫn thực hiện theo chính sách người khuyết tật nói chung. Do đó, Hội khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam được thành lập với mong muốn là cầu nối huy động nguồn lực của cộng đồng, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước cùng chung tay hỗ trợ, khắc phục hậu quả bom mìn.

*Thời gian tới, sẽ có những giải pháp nào để hỗ trợ cho các NNBM, thưa ông?

Bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh đang là mối quan tâm đặc biệt của nhiều cơ quan hữu quan, nhiều tổ chức xã hội, và của tất cả những người có lương tâm, trách nhiệm đối với cộng đồng.

Trước tiên, theo tôi cần xây dựng dữ liệu về tình trạng NNBM, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh để từ đó có chính sách hỗ trợ hợp lý. Hội khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đề xuất làm thí điểm tại một địa phương và từ đó rút kinh nghiệm nhân rộng. Việc xây dựng dữ liệu về tình trạng NNBM sẽ được công khai trên website của Hội cũng như cơ quan chức năng để từ đó cũng là cơ sở để huy động nguồn lực hỗ trợ một cách công khai, minh bạch.

Để phòng chống nguyên nhân dẫn đến tai nạn bom mìn, vật liệu nổ, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với người dân khu vực có nguy cơ cao về bom mìn, vật liệu nổ cần được đẩy mạnh với các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với thực tế của địa phương; đặc biệt là mức độ nguy hiểm của bom mìn, vật liệu nổ đề phòng tránh có hiệu quả. Việc tuyên truyền cần chú trọng đối với trẻ em trong các trường học, cộng đồng dân cư.

Đồng thời, vận động tổ chức trong nước và quốc tế hỗ trợ sinh kế cho NNBM. Thực tế, phần lớn NNBM, vật liệu nổ là những hộ nghèo cần có sự hỗ trợ sinh kế, cải thiện đời sống. Việc hỗ trợ có thể bằng nhiều hình thức đa dạng như dạy nghề, vay vốn, tạo việc làm…

Việc hỗ trợ sẽ do các chi hội tại địa phương thực hiện bởi hơn hết họ hiểu hơn hết các nạn nhân bom mìn cần gì để có sự hỗ trợ phù hợp. Do đó, trong thời gian tới, Hội sẽ thành lập các chi hội tại 10 tỉnh trọng điểm về ô nhiễm bom mìn là Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên -Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Cùng với đó, Hội vận động các nguồn lực không chỉ trong nước, mà còn từ các tổ chức quốc tế, cho các dự án rà phá, khắc phục hậu quả bom mìn để người dân vùng trọng điểm bom mìn, vật liệu nổ sớm tái định cư, ổn định cuộc sống.

Xin cảm ơn ông!


Xuân Minh - Bích Vân