“Xương máy” biến lính Mỹ thành siêu nhân

Lục quân Mỹ đang nghiên cứu một thiết bị có tên là “xương máy” - loại thiết bị cá nhân cho phép người lính có khả năng mang một khối lượng lớn vũ khí, trang thiết bị mà không hề mệt mỏi. Thiết bị này được kỳ vọng sẽ biến lính Mỹ thành siêu nhân. Cụ thể, nó sẽ giúp người lính giảm trọng lượng trang thiết bị mang trên mình và chuyển trọng lượng đó xuống mặt đất; do đó giúp giảm mệt mỏi cho binh lính khi phải mang vác khối lượng trang thiết bị chiến đấu quá lớn.



 

”Xương máy” giúp người lính di chuyển dễ dàng ở địa hình khó khăn.


Bộ “xương máy” này, có tên gọi là HULC (Human Universal Load Carrier), giúp chuyển trọng lượng trang thiết bị mà người lính phải mang vác xuống mặt đất thông qua các chân rôbốt. HULC được công ty Berkeley Robotics nghiên cứu, thiết kế và sản xuất thử nghiệm từ năm 2000. Năm 2009, Berkeley Robotics và tập đoàn Lockheed Martin đạt được một thỏa thuận cùng nghiên cứu và phát triển thiết bị này. Dựa vào nguyên mẫu, Lockheed Martin đã thực hiện nhiều cải tiến để cho ra một phiên bản mới hiện đại, tiện dụng hơn.

Trung tâm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ Natick thuộc lực lượng lục quân đã cấp 1,1 triệu USD cho công ty Lockheed Martin để công ty này tiếp tục hoàn thiện phiên bản “xương máy” ban đầu và thử nghiệm một mẫu thiết kế tiên tiến hơn, với các tiêu chí tối ưu hóa hệ thống phần mềm điều khiển, tăng cường tuổi thọ của hệ thống pin và cải thiện các yếu tố con người. Các nhà chế tạo cũng đang tập trung tìm cách cải tiến thiết bị này sao cho người lính có thể thao tác một cách dễ dàng nhanh chóng. Sau khi khoác lên mình hệ thống “xương máy” này, người lính vẫn có thể chạy, bước đi, quỳ, bò, và thậm chí là ngồi xổm mà ít cảm thấy vướng víu khó chịu. HULC được lắp đặt một vi máy tính tiên tiến để điều khiển các chuyển động sao cho ăn khớp với các thao tác của người sử dụng.

Mang “xương máy”, người lính vẫn linh hoạt trong chiến đấu.


David Audet, trưởng nhóm nghiên cứu thiết bị này tại Trung tâm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ Natick cho biết: Mỗi người lính trên chiến trường hiện phải mang số trang thiết bị, vũ khí có trọng lượng từ 22,5 kg - 63 kg. Việc mang trên mình một khối lượng như là một công việc hết sức nặng nhọc, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Và HULC sẽ là một giải pháp hữu hiệu giúp người lính trút bỏ được gánh nặng này, bởi HULC có khả năng gánh được tới 90 kg.

Quân đội Mỹ không có ý định trang bị hệ thống này cho những người lính bộ binh, mà sẽ chỉ ưu tiên cho lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt. Audet giải thích thêm, khách hàng tiềm năng của loại sản phẩm này là những người làm trong các lĩnh vực hóa học, quân cảnh, rà phá bom mìn và cung cấp hậu cần. Giám đốc chương trình HULC của Lockheed Martin, Jim Ni, cho biết công ty sẽ có những điều chỉnh với hệ thống “xương máy” sao cho đáp ứng được từng yêu cầu cụ thể của từng dạng khách hàng. “HULC có thể được sử dụng như là hệ thống chính để tích hợp các hệ thống khác, như áo giáp phòng hộ, hệ thống sưởi ấm hoặc làm lạnh”. Natick cũng đang nghiên cứu xem hệ thống này sẽ hoạt động thế nào trong môi trường dưới nước, có độ ẩm cao, bị trầy xước và rung động mạnh sau khi bị rơi từ độ cao vài chục cm.

Các nhà nghiên cứu đang tiến hành khảo sát và so sánh khả năng của mỗi người lính khi họ phải đi bộ gần 4 km với một khối lượng trang thiết bị mang trên mình nặng 45 kg trong hai trường hợp có và không có HULC. Họ cũng đang quan sát hệ thống “xương máy” này từ góc độ hóa sinh để tìm hiểu xem HULC tương tác với người lính như thế nào, chẳng hạn như dáng đi ảnh hưởng thế nào đến hiệu quả hoạt động của thiết bị. Họ cũng tiến hành đánh giá khả năng hành quân của người lính khi có và không có HULC cũng như khi họ mang hoặc không mang trên mình một loại máy móc nào đó để giám sát lượng ôxy tiêu thụ và nhịp tim; tác động của các yếu tố tự nhiên như gió, mưa, nhiệt độ và độ ẩm để đánh giá độ bền của thiết bị khi được sử dụng trong điều kiện tác chiến. Các thông tin này sau đó được chuyển đến các kỹ sư chế tạo HULC để họ có những điều chỉnh hợp lý. Các nghiên cứu được thẩm định qua hai hội đồng khoa học. Ban đầu, các nghiên cứu sẽ được đưa ra Hội đồng Khoa học cấp cơ sở ở Natick và bước tiếp theo sẽ được trình lên Hội đồng Khoa học cấp trên (của lục quân). Một thử nghiệm thực tế với lực lượng lính thủy đánh bộ dự kiến sẽ được tiến hành tại Fort Benning trong thời gian sắp tới.

Mặc dù HULC hiện mới chỉ hoạt động trong phòng thí nghiệm nhưng Lockheed Martin tin tưởng rằng, tương lai của chúng sẽ rất xán lạn và cơ hội ứng dụng vô cùng rộng lớn. Hiện chưa rõ thời điểm nào thiết bị này sẽ được đưa vào ứng dụng trong thực tế, song dự kiến, việc phân phối HULC sẽ được tiến hành thông qua một trong những quan chức điều phối chương trình là người của lục quân Mỹ.

Khánh Chi (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN