Vùng đất nóng Nagorny-Karabakh - Kỳ cuối

Nếu thỏa thuận ngừng bắn ở Nagorny-Karabakh hiện nay đổ vỡ thì cả Armenia lẫn Azerbaijan đều chịu hứng chịu thiệt hại nặng nề. Thậm chí, nếu như không có sự can thiệp hòa bình của cộng đồng thế giới, căng thẳng trong hành động quân sự hai nước sẽ tiếp tục leo thang, dẫn tới hậu quả không thể lường trước, nổ ra chiến tranh quy mô rộng.

HỆ LỤY KHÔN LƯỜNG

Ông Thomas de Waal - chuyên gia giàu kinh nghiệm về vùng Caucasus - cho rằng nếu thỏa thuận ngừng bắn ở Nagorny-Karabakh hiện nay đổ vỡ thì cả Armenia lẫn Azerbaijan đều chịu hứng chịu thiệt hại nặng nề. Thậm chí, nếu như không có sự can thiệp hòa bình của cộng đồng thế giới, căng thẳng trong hành động quân sự hai nước sẽ tiếp tục leo thang, dẫn tới hậu quả không thể lường trước, nổ ra chiến tranh quy mô rộng.

Cuộc đấu ngầm

Azerbaijan được láng giềng là Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ mạnh mẽ. Hai nước năm 2010 đã ký một bản hiệp định đối tác, trong đó nhất trí ủng hộ đối tác can thiệp quân sự nếu như bên còn lại gặp khó khăn khi xảy ra xung đột với các nước khác. Gần đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Tayyip Erdogan, còn thậm chí công khai chỉ trích Armenia là đã hành động khiêu khích dẫn tới bạo lực. Ông nói: “Phát súng trong cuộc thảm sát 12 binh sĩ Azerbaijan của người Armenia tại khu vực biên giới Karabakh lại một lần nữa thiêu đốt trái tim chúng ta. Rồi sẽ có một ngày Karabakh chắc chắn quay trở lại với chủ sở hữu đích thực”.

Tang lễ một binh sỹ Azerbaijan thiệt mạng trong vụ xung đột ở Nagorny-Karabakh hôm 2/4. Ảnh: THX/TTXVN 

Trong khi đó, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia đã “đóng băng” kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ thái độ chần chừ không công nhận các cuộc thảm sát đẫm máu và trục xuất người Armenia dân tộc thiểu số xảy ra 10 năm về trước là tội ác diệt chủng.

Còn đối với Nga, Armenia lại là một đồng minh thân thiết. Nga có thể trợ giúp Armenia bằng các hoạt động quân sự dưới danh nghĩa Hiệp ước An ninh Tập thể được hai nước thỏa thuận tại Tashkent (Uzbekistan) vào năm 1992.

Với sự hậu thuẫn trên, xung đột Armenia và Azerbaijan còn được coi là cuộc đối đầu ngầm giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Hai nước luôn trong trạng thái “hầm hè” với nhau kể từ khi Nga quyết định tham gia vào cuộc khủng hoảng Syria năm ngoái - một bước đi gây ảnh hưởng lớn tới chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ. Đỉnh điểm của mâu thuẫn bùng phát khi chiếc Su-24 của Nga đang tham chiến tại Syria bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi vào hôm 24/11/2015 với cáo buộc xâm phạm không phận, làm một trong hai phi công trên máy bay thiệt mạng. Trong khi Nga nổi giận, cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ, gọi đây là hành động thù địch thì phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng cứng rắn không chịu xin lỗi Nga.

Động chạm ống dẫn dầu

Ngoài nguy cơ xảy ra chiến tranh quy mô lớn, gây căng thẳng cho quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, xung đột giữa Azerbaijan và Armenia còn ảnh hưởng tới ngành thương mại năng lượng toàn cầu. Đó chính là lý do mà nhiều quốc gia hồi hộp theo dõi cuộc xung đột cũng như tiến trình ngừng bắn hai bên.

Đường ống dẫn dầu từ Baku (Azerbaijan) tới thành phố Ceyhan phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Khu vực Caspia luôn là một vùng đất màu mỡ, nhiều nguồn tài nguyên tiềm năng như dầu mỏ, khí đốt. Các quốc gia tại đây đều muốn xuất khẩu những mặt hàng thu lại lợi nhuận lớn này tới châu Âu. Song quá trình vận chuyển chỉ có thể đi qua hai con đường: một hướng về Tây Bắc đi qua Nga, một hướng về Tây Nam qua vùng Caucasus.

Trên thực tế, con đường phía bắc đi qua Nga dường như không thỏa mãn nguyện vọng lâu dài của châu Âu trong bối cảnh các nước Liên minh châu Âu (EU) muốn thoát khỏi phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga. Căng thẳng giữa EU và Nga ngày một lớn hơn khi Nga sử dụng quân bài năng lượng như một công cụ chính sách đối ngoại, tạo áp lực tới các quốc gia như Gruzia và Ukraine. Chính điều đó khiến châu Âu đánh giá cao cặp ống dẫn dầu và khí đốt của Azerbaijan đi qua vùng Caucasus, và hi vọng nước này sẽ mở rộng xây dựng thêm nhiều ống dẫn trong tương lai.

Có vẻ những hi vọng đó đang bị dập tắt khi xung đột tại biên giới Nagorny-Karabakh chưa được giải quyết triệt để. Hai ống dẫn dầu và khí đốt của Azerbaijan đi qua vùng Caucasus đều nằm gần lãnh thổ tranh chấp Nagorny-Karabakh. Bất kể xung đột nào cũng có thể gây nguy hiểm tới chúng. Ông Theodoras Tsakiris - giảng viên ngành năng lượng, địa chính trị và kinh tế tại trường Đại học Nicosia ở CH Síp nhận xét: “Xung đột tại Nagorny-Karabakh có thể khiến Azerbaijan đóng các đường ống dẫn vì lý do an toàn, nhằm tránh nguy cơ tràn dầu hay rò rỉ khí đốt trong trường hợp các đường ống bị phá hủy”.

Theo báo cáo thống kê, đường ống dẫn dầu từ thủ đô Baku tới thành phố Ceyhan phía nam Thổ Nhĩ Kỳ một ngày cung cấp 1 triệu thùng dầu, trong đó phần lớn được chuyển tới châu Âu. Trong bối cảnh dầu mỏ đang thừa mứa trên thị trường, việc Azerbaijan khóa đường ống dẫn dầu chắc chắn không thể ảnh hưởng tới thị trường năng lượng thế giới song sẽ ảnh hưởng lớn tới các nước châu Âu.

Xem từ Kỳ 1: Mối thù truyền kiếp

Hồng Hạnh
Vùng đất nóng Nagorny-Karabakh - Kỳ 1
Vùng đất nóng Nagorny-Karabakh - Kỳ 1

Nhiều cuộc đụng độ ác liệt giữa quân đội hai nước Armenia và Azerbaijan ở lãnh thổ tranh chấp dọc tiền tuyến Nagorny - Karabakh hồi đầu tháng 4 vừa qua đã khiến khu vực này rơi vào tình cảnh chiến tranh tồi tệ nhất sau quãng thời gian 22 năm tương đối yên tĩnh nhờ lệnh ngừng bắn được thiết lập năm 1994.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN