Vụ ám sát Medgar Evers - 31 năm tìm công lý (Kỳ 2)

 Một ngày tháng 6 năm 1963, Medgar Evers - một lãnh tụ của phong trào đấu tranh đòi dân quyền cho người da đen ở Mỹ - gục ngã ngay trước cửa ngôi nhà của ông, do những phát đạn oan nghiệt từ khẩu súng của một kẻ mang tư tưởng phân biệt chủng tộc cực đoan. Chỉ hai ngày sau, kẻ thủ ác bị bắt với những chứng cứ khá rõ ràng, nhưng phải 31 năm sau, tên sát nhân mới bị đưa ra trước ánh sáng công lý.


Kỳ 2: Hai lần ra tòa vẫn trắng án

Beckwith bị dẫn vào phòng xử án trong một phiên tòa năm 1964.

Trong cuộc thẩm vấn của cảnh sát, Beckwith thừa nhận khẩu Enfield 1917 – vũ khí gây án trong vụ ám sát Medgar Evers – là của hắn, nhưng lại nói rằng hắn đã bị mất khẩu súng này từ lâu và “quên” khai báo điều đó với nhà chức trách. Ba nhân viên cảnh sát có cảm tình với KKK cũng đứng ra đảm bảo với cơ quan điều tra rằng, vào thời điểm xảy ra vụ ám sát Medgar Evers, họ đã nhìn thấy Beckwith ở một trạm xăng ở Greenwood – cách hiện trường vụ án mạng khoảng 150 km. Điều này đồng nghĩa với việc Beckwith có bằng chứng ngoại phạm.

Dẫu vậy, cơ quan điều tra vẫn cho rằng có đủ bằng chứng gián tiếp để truy tố Beckwith về tội giết người. Và phiên tòa xét xử Beckwith về tội giết người đã được mở.

Không phải một mà hai phiên tòa như vậy đã diễn ra trong năm 1964. Nhưng cả hai phiên tòa đều có chung một kết cục: Không có bản án nào được tuyên và Beckwith được trắng án. Không chỉ có chung kết cục, hai phiên tòa này còn có những điểm chung quan trọng khác làm nên “sự vô tội” cho Beckwith: 12 thành viên bồi thẩm đoàn trong cả 2 phiên tòa đều là những người đàn ông da trắng; thẩm phán trong 2 phiên tòa là Russell Moore – một người bạn thân của Beckwith. Bằng chứng ngoại phạm mà 3 nhân viên cảnh sát “thân KKK” tạo cho Beckwith đã trở thành cái cớ để bồi thẩm đoàn toàn người da trắng này không kết án một người da trắng về tội giết một người da đen.

Ảnh minh họa về bồi thẩm đoàn toàn người da trắng trong 2 phiên tòa xét xử Beckwith năm 1964.

Những ai chứng kiến phiên tòa thứ 2 càng hiểu hơn vì sao Beckwith được trắng án. Hôm ấy, Thống đốc bang Mississippi đã bất ngờ xuất hiện khi một nhân chứng quan trọng – vợ ông Medgar Evers, bà Myrlie Evers – đang đưa ra lời chứng. Nhân vật số 1 của bang bước và phòng xử án, nhìn quanh rồi tiến về phía vành móng ngựa và… bắt tay Beckwith. Cái bắt tay thân thiện của ngài thống đốc dường như muốn gửi tới Beckwith và tất cả mọi người thông điệp: Những người da trắng ở Mississippi luôn ủng hộ Beckwith.

Bản thân Beckwith dường như cũng đã dự đoán trước cái kết của những phiên tòa này. Người ta đồn rằng, cảnh sát tìm được khẩu súng đã gây ra cái chết của Medgar Evers là nhờ chỉ dẫn từ một cuộc điện thoại của một người giấu tên và người giấu tên ấy chính là Beckwith. Hắn không sợ việc bị bắt, bị đưa ra xét xử bởi hắn tin chắc rằng hắn sẽ không bị kết án – một người da trắng không thể bị kết án vì đã giết một người da đen.

Sau “chiến thắng” trên, tư tưởng phân biệt chủng tộc của Beckwith càng trở nên cực đoan gấp bội. Hắn chính thức gia nhập nhóm White Knights (Những hiệp sĩ da trắng), tập hợp những phần tử hung hăng nhất của KKK. “Ngựa quen đường cũ”, năm 1973, Beckwith lại lên kế hoạch ám sát Giám đốc Liên đoàn chống phỉ bang ở New Orleans, ông A. I. Botnick – người mà Beckwith cho là “thiếu tôn trọng những người da trắng và thừa tôn trọng những người không phải là da trắng”. Vì Beckwith không phải là kẻ biết giữ mồm giữ miệng nên kế hoạch của hắn đã đến tai Cục Điều tra liên bang (FBI).

Một hôm, khi Beckwith đang lái xe trên cầu Causeway thì bất ngờ một chiếc ô tô của cảnh sát áp sát xe của hắn. Không còn cách nào khác, Beckwith buộc phải dừng xe. Khám xe của Beckwith, cảnh sát tìm thấy 3 khẩu súng đầy đạn, 1 tấm bản đồ New Orleans cùng hướng dẫn viết tay đường đến nhà ông Botnick và trong thùng xe là một bó thuốc nổ kèm thiết bị bấm giờ và kíp nổ. Beckwith lập tức bị tống giam vì bị tình nghi âm mưu giết người.

Khi Beckwith bị đưa ra xét xử về tội âm mưu giết người, kịch bản cũ lại lặp lại. Bồi thẩm đoàn lần này cũng gồm toàn các thành viên da trắng (chỉ có một khác biệt nho nhỏ là có 2 phụ nữ bên cạnh 10 người đàn ông) và Beckwith một lần nữa được tuyên trắng án, với lý do không có đủ bằng chứng buộc tội.

Nhưng Beckwith lại liên quan đến một vụ án khác với cáo buộc vận chuyển vũ khí bất hợp pháp của bang Lousiana. Và khi Beckwith bị tòa án của bang đưa ra xét xử, kịch bản cũ không còn lặp lại. Beckwith bị tuyên 3 năm tù. Hắn thụ án tại Nhà tù Angola từ tháng 5/1977 đến tháng 1/1980. Cũng vì thái độ kỳ thị chủng tộc của Beckwith mà người ta phải cho hắn ở phòng biệt giam. Beckwith thường xuyên thốt ra những lời miệt thị những người không có làn da trắng khiến bất cứ lúc nào hắn cũng có thể bị những tù nhân không phải là người da trắng tấn công. Thêm nữa, nhiều tù nhân da đen biết Beckwith chính là kẻ đã sát hại Medgar Evers nên thường tìm cách trả thù cho vị thủ lĩnh của người da đen. Ngay cả khi bị ốm, phải nằm điều trị tại bệnh xá của nhà tù, Beckwith cũng không chịu để cho y tá chăm sóc, chỉ vì cô y tá này là người da đen.

Kẻ phân biệt chủng tộc cực đoan Beckwith không hiểu rằng thời thế đã thay đổi. Trong những năm 1970, phong trào đấu tranh đòi dân quyền của người da đen ở Mỹ ngày càng lớn mạnh và sự hòa nhập sắc tộc trong xã hội Mỹ ngày càng rộng mở hơn. Theo số liệu của Bộ Y tế, Giáo dục và Phúc lợi, người da đen đã chiếm tới 26,4% tổng số học sinh, sinh viên trong các trường học công ở bang Mississippi. Số cử tri gốc Phi ở bang Mississippi đã tăng từ 28.000 người năm 1963 lên 250.000 người vào năm 1971 và 500.000 người vào năm 1982. Người gốc Phi cũng đã xuất hiện trong các cơ quan công quyền ở bang này: Năm 1973, toàn bang có 145 công chức là người da đen. Sinh viên da đen cũng đã được quyền nộp đơn theo học trên đại học tại các trường công và tư ở Mississippi.

Minh Minh (Tổng hợp)

Đón đọc kỳ cuối: Đền tội

Vụ ám sát Medgar Evers - 31 năm tìm công lý (kỳ 3)
Vụ ám sát Medgar Evers - 31 năm tìm công lý (kỳ 3)

Một ngày tháng 6 năm 1963, Medgar Evers - một lãnh tụ của phong trào đấu tranh đòi dân quyền cho người da đen ở Mỹ - gục ngã ngay trước cửa ngôi nhà của ông, do những phát đạn oan nghiệt từ khẩu súng của một kẻ mang tư tưởng phân biệt chủng tộc cực đoan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN