Vị Vua từ bỏ ngai vàng vì tình

Vị Vua từ bỏ ngai vàng vì tình - Kỳ 1: Cuộc tình ngang trái

Mới đây, khi Hoàng tử Anh William kết hôn với Kate Middleton, một thiếu nữ không thuộc dòng dõi quý tộc, thì cả nước Anh hân hoan ăn mừng và hàng tỉ người trên thế giới theo dõi qua màn ảnh nhỏ một đám cưới như trong chuyện cổ tích. Nhưng khi tiền bối của William, Vua Edward VIII cưới Wallis Simpson, một người vợ thuộc tầng lớp thường dân thì cuộc hôn nhân của họ đã trở thành một vụ tai tiếng và đẩy Hoàng gia Anh vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc.

Kỳ 1: Cuộc tình ngang trái

Ngày 10/12/1936, Vua Edward VIII đọc diễn văn thoái vị trên đài phát thanh, trong đó khẳng định không thể đảm nhận trách nhiệm nặng nề và thực hiện những nghĩa vụ của một vị vua như mình mong muốn "nếu không có sự giúp đỡ và ủng hộ của người phụ nữ mà tôi yêu".

Wallis Simpson (ảnh chụp năm 1936).

Người phụ nữ đã làm chế độ quân chủ Anh chao đảo chính là Wallis Simpson với tên thời con gái là Bessie Warfield, sinh năm 1896 ở Maryland, Mỹ.

Mùa đông năm 1931, khi Wallis lần đầu tiên gặp gỡ Hoàng tử Edward, người sẽ nối dõi ngai vàng nước Anh và là chàng trai chưa vợ được trọng vọng nhất thời bấy giờ, Wallis vừa mới lấy chồng là Ernest Simpson, một nhà công nghiệp rất giàu có. Đây cũng đã là cuộc hôn nhân thứ hai của Wallis.

Mặc dù vậy, chẳng bao lâu sau Wallis đã trở thành người bạn và người tình thân thiết của Hoàng tử Edward, ngày càng hay tháp tùng Edward trong những chuyến đi. Đã từ lâu Edward say mê Wallis như điếu đổ và cuộc tình của hai người bắt đầu khi phụ hoàng ông là Vua Georg V băng hà ngày 20/1/1936 và ông được lên ngôi với danh hiệu Edward VIII. Cho tới khi đó, câu chuyện không có gì lạ, vì các quốc vương vẫn thường có người tình. Nhưng Vua Edward VIII lại khăng khăng muốn cưới Wallis Simpson và phong làm Hoàng hậu. Đó sẽ là một vụ bê bối vô tiền khoáng hậu.

Chính phủ Anh và hầu hết chính phủ các nước trong khối Liên hiệp Anh đều chống lại cuộc hôn nhân này, vì lý do chính trị, tôn giáo và đạo đức. Về mặt tôn giáo,với tư cách là vua nước Anh, Edward cũng là người đứng đầu Nhà thờ Anh (Church of England). Trong khi đó, Nhà thờ Anh cấm người đã li dị được tái hôn, khi người bạn đời cũ còn sống. Vì vậy, họ không thể chấp nhận việc Edward là người đứng đầu Nhà thờ Anh, đồng thời lại kết hôn với một người phụ nữ đã hai lần li dị và hai người chồng cũ đều còn sống.

Edward và Wallis Simpson trong ngày cưới sau khi từ bỏ ngai vàng.


Về mặt pháp lý, lần li dị đầu tiên của Wallis được tiến hành ở Mỹ với lý do "không chịu đựng được về mặt tình cảm", nên không được Nhà thờ Anh công nhận và theo luật pháp Anh cũng không có cơ sở. Với logic này, cuộc hôn nhân thứ hai và thứ ba sẽ là "đa phu" nên không có giá trị. Nếu Edward và Wallis có con thì chúng sẽ bị coi là "con hoang", không có quyền nối ngôi. Nếu như các cố vấn của Edward coi Wallis là một người vợ phù hợp, thì họ đã cố gắng tìm một giải pháp hợp lý. Nhưng các bộ trưởng và cả Hoàng gia đều cho rằng tiểu sử và cách cư xử của Wallis không phù hợp với tư cách của một hoàng hậu. Thậm chí người ta còn kể cho Thái hậu Maria, mẹ của Edward, rằng Wallis có một dạng quyền lực tình dục nào đó đối với Edward thông qua những ngón nghề mà Wallis học được trong những lầu xanh ở Hồng Công. Ngay cả Philip Ziegler, người viết tiểu sử chính thức của Edward cũng cho rằng Edward mắc chứng "bạo dâm hoặc cuồng dâm", mà chỉ Wallis biết cách thỏa mãn.

Về mặt chính trị, chính quyền Anh e ngại nguyện vọng của Edward muốn hiện đại hóa chế độ quân chủ và chống lại ý đồ của ông muốn gần gũi hơn với nhân dân. Khi Edward tới thăm những làng ở vùng khai thác mỏ thuộc Wales, những phát biểu của ông làm người ta sợ rằng ông sẽ can thiệp vào công việc chính trị, mà thông thường một vị quân vương trong chế độ quân chủ lập hiến phải đứng ở vị trí trung lập. Với tư cách Hoàng tử xứ Wales, ông công khai chỉ trích những chính khách cánh tả là "những kẻ quái dị" và đọc diễn văn chống lại chính sách của chính phủ. Nguy hại hơn nữa, người ta còn thông báo với chính phủ Anh rằng Wallis là một điệp viên của Đức Quốc xã. Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) cũng đưa ra một loạt lời chỉ trích Wallis, trong đó cho biết năm 1936, khi là người tình Edward, Wallis cũng có quan hệ tình ái với Joachim von Ribbentrop, Đại sứ Đức tại Anh. Người ta cho rằng Edward và Wallis là những người có thiện cảm với Đức Quốc xã.

Vũ Long (Tổng hợp theo báo chí Đức)

Đón đọc kỳ cuối: Tha phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN