Truyền thuyết Yakuza - Kỳ cuối: “Vòi bạch tuộc”

Các “vòi bạch tuộc” của yakuza vươn đến nhiều lĩnh vực khác nhau, chủ yếu là tống tiền doanh nghiệp, đánh bạc, buôn lậu, cho vay nặng lãi, rửa tiền, buôn bán ma túy, kinh doanh bất động sản, thể thao, giải trí, du lịch, mại dâm, nô lệ, ấn phẩm khiêu dâm và cả vũ khí.

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tình dục là miếng mồi chính của các tổ chức yakuza. Chúng cung cấp dịch vụ cho các công chức. Yakuza buôn lậu vô số phim ảnh và tạp chí khiêu dâm từ châu Âu và châu Mỹ vào Nhật Bản. Chúng điều hành các đường dây mại dâm ở khắp đất nước, chủ yếu bắt những người phụ nữ trẻ đến từ các quốc gia châu Á khác ký kết hợp đồng làm người giúp việc và rồi buộc họ phải làm gái mại dâm. Các tổ chức yakuza còn mua những bé gái bị bỏ rơi từ Trung Quốc với một cái giá ít ỏi là 5.000 đôla Mỹ, rồi buộc các em phải làm việc trong các quán bar, nhà hàng và hộp đêm của yakuza.

Mại dâm là một lĩnh vực mang lại nhiều lợi nhuận cho các băng yakuza.


Trung Quốc không phải là nguồn cung cấp các phụ nữ trẻ duy nhất cho yakuza. Nhiều người trong số gái mại dâm là người Philíppin. Các cô gái từ các làng quê nghèo ở đây bị lừa đưa đi làm những công việc được trả lương cao ở nước ngoài. Ngay khi đặt chân đến Nhật Bản, họ sẽ bị bắt làm vũ nữ múa thoát y và gái điếm.

Du lịch tình dục là một hiện tượng khá phổ biến ở khu vực Đông Á và các băng nhóm yakuza cũng dính líu đến hình thức kinh doanh này. Chúng tổ chức các chuyến du lịch đến các thành phố như Băng Cốc (Thái Lan), Manila (Philíppin), Xơun (Hàn Quốc) và Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) là những nơi có các khách sạn sẵn sàng cung cấp các dịch vụ mại dâm cho các quý ông.

Yakuza cũng tiến hành buôn lậu vũ khí vào Nhật Bản. Bản thân các thành viên của các băng nhóm yakuza lại chính là những “khách hàng ruột”. Loại “hàng nóng” mà chúng ưa thích nhất là những khẩu súng ngắn tự động được sản xuất ở châu Âu hoặc Mỹ. Các tổ chức yakuza còn tổ chức sản xuất và bán chất methamphetamine - một loại ma túy tổng hợp - và chúng thường xuyên dùng loại ma túy này để trao đổi với những nhà cung cấp vũ khí của phương Tây.

Các băng nhóm yakuza hàng năm còn kiếm được hàng triệu đôla Mỹ từ việc tống tiền các doanh nghiệp. Những kẻ chuyên tống tiền doanh nghiệp sẽ mua một số lượng nhỏ cổ phiếu của một công ty. Vì thế, chúng có thể tham dự các cuộc họp cổ đông. Trước khi diễn ra cuộc họp, bọn chúng thu thập thông tin không có lợi về công ty và các quan chức; những chuyện tình cảm bí mật, trốn thuế, điều kiện làm việc không đảm bảo. Sau đó, chúng sẽ liên hệ với hội đồng quản trị công ty và đe dọa tiết lộ mọi thông tin mà chúng đang nắm trong tay tại cuộc họp cổ đông, trừ khi chúng được trả giá thích đáng. Nếu hội đồng quản trị không đáp ứng yêu cầu đòi hỏi, chúng sẽ đến dự hội nghị cổ đông và phá quấy, đe dọa bất kỳ người nào dám phát biểu, rồi công khai các bí mật mà chúng có. Ở Nhật Bản, người ta sợ bị xấu hổ hơn sự đe dọa về thể xác. Vì vậy, hội đồng quản trị thường đáp ứng các yêu cầu của chúng.

Một mánh khóe làm ăn khác của những kẻ tống tiền là thành lập các câu lạc bộ quyên tiền cho những lý do không có thật. Chúng cũng tổ chức các sự kiện để giới doanh nhân khi tham dự đều mang tiền đến cho nhà tổ chức. Những sự kiện kiểu như thế có thể mang lại cho chúng 100.000 đôla Mỹ mỗi đêm. Bọn chúng cũng đứng ra tổ chức những cuộc thi sắc đẹp nhằm rút tiền của các nhà tài trợ. Ngoài ra chúng cũng tổ chức các giải gôn để thu những khoản phí đắt đỏ đối với những người muốn tham gia; bán vé với giá trên trời cho những người muốn đến xem các sự kiện tổ chức trong rạp hát.

Cho đến nay, người ta khó có thể biết được các tổ chức yakuza hiện có còn tồn tại hay không. Giới chức Nhật Bản thì cho rằng, các tổ chức yakuza chỉ còn là quá khứ. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng hội viên yakuza vẫn còn khá đông đảo, nhưng chúng đã rút vào hoạt động tinh vi hơn và người ta khó có thể phát hiện ra. Cũng giống như các nhân vật Ninja huyền thoại của Nhật Bản thời xa xưa, chúng có thể có mặt ở mọi nơi và vẫn luôn nguy hiểm.

Đình Vũ (Tổng hợp)

Đón đọc số tới: Cuộc chiến tranh kênh đào Suez


 

Truyền thuyết Yakuza - Kỳ 3: Các “bố già” yakuza
Truyền thuyết Yakuza - Kỳ 3: Các “bố già” yakuza

Những năm sau Thế chiến II, số lượng thành viên yakuza tăng lên 184.000 người và được chia làm 5.200 băng nhóm trên khắp nước Nhật, đông hơn cả quân đội Nhật Bản lúc bấy giờ. Lẽ dĩ nhiên là các băng nhóm này phải xâm phạm lãnh thổ hoạt động của nhau, dẫn đến những cuộc chiến phe nhóm tàn khốc và đẫm máu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN