Truyền thuyết Yakuza

Truyền thuyết Yakuza - Kỳ 1: Hậu duệ của samurai tàn ác hay “người bảo vệ”?

Yakuza - mafia Nhật - có cơ cấu tổ chức tương tự như mafia phương Tây. Các vòi bạch tuộc của yakuza cũng vươn đến nhiều lĩnh vực khác nhau, chủ yếu là tống tiền doanh nghiệp, đánh bạc, buôn lậu, cho vay nặng lãi, rửa tiền, buôn bán ma tuý, kinh doanh bất động sản, thể thao, giải trí, mại dâm và cả vũ khí... Tuy nhiên, cách thức, thủ đoạn hoạt động của các tổ chức yakuza xem ra còn tinh vi hơn mafia phương Tây.

Kỳ 1: Hậu duệ của samurai tàn ác hay “người bảo vệ”?

Hình xăm là một dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của các thành viên yakuza.

Nguồn gốc của yakuza đến nay vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. Một số người cho rằng những tên tội phạm này là hậu duệ của các samurai tàn ác ở thế kỷ 17. Những chiến binh samurai này có lối phục trang và kiểu tóc kỳ quái, sử dụng một thứ tiếng lóng, và đeo những thanh kiếm dài một cách khác thường ở đai lưng. Các samurai này cũng được biết đến dưới cái tên “lính nhà quan”. Dưới thời vua Tokugawa, nước Nhật thái bình nên người ta không còn cần đến những đội quân samurai như thế nữa. Vì vậy, họ không được tổ chức, lãnh đạo tốt. Thiếu một sự chỉ huy tập trung, họ cuối cùng chuyển từ một lực lượng phục vụ cho nhân dân sang nghề trộm cướp và đâm thuê chém mướn.

Tuy nhiên, các thành viên yakuza ngày nay lại phản bác quan điểm này và thay vào đó khẳng định mình là hậu duệ của những người làm nhiệm vụ bảo vệ các ngôi làng. Chính sử về yakuza miêu tả, tổ tiên của những tên tội phạm này là những anh hùng luôn chiến đấu vì chính nghĩa, giúp đỡ những người có thân phận nghèo hèn, giống như nhân vật Robin Hood trong thời kỳ trung cổ ở nước Anh.

Các thành viên yakuza ngày nay được chia làm ba loại: Những tên ăn cắp vặt trên đường phố, những con bạc và những tên lưu manh. Những tên ăn cắp vặt và con bạc xuất hiện từ thế kỷ 18 trong khi những tên lưu manh xuất hiện sau Thế chiến II, khi mà nhu cầu đối với các loại hàng hóa trên thị trường chợ đen đã làm nảy sinh một loại hình tội phạm mới. Thông thường, trong khi những tên ăn cắp vặt hoạt động ở các chợ và hội chợ thì địa bàn hoạt động của những con bạc là ở các thành phố và tuyến đường cao tốc. Ngược lại, những tên lưu manh lại được tổ chức giống như các băng nhóm găngxtơ ở Mỹ dưới thời Al Capone; chúng thường sử dụng biện pháp đe dọa và tống tiền để đạt được các mục đích. Sau Thế chiến II, quyền lực của chính phủ bị lấn lướt bởi uy thế của lực lượng chiếm đóng, những tên lưu manh có cơ hội phát triển và lực lượng này ngày một đông hơn. Chúng cũng đưa loại hình tội phạm có tổ chức ở Nhật Bản lên một nấc thang bạo lực mới, thay thế cho những thanh kiếm truyền thống là các khẩu súng hiện đại, cho dù lúc này việc sở hữu súng bị coi là phạm pháp.

Quận Ginza nổi tiếng về ăn chơi của thủ đô Tôkyô.

Vậy mà các thành viên yakuza lại tự hào khi bị coi là bị xã hội ruồng bỏ, và thuật ngữ yakuza phản ánh hình ảnh của nhóm này như là những kẻ bị loại ra khỏi xã hội. Theo tiếng địa phương, ya nghĩa là số 8, ku là 9, và sa là 3. Tổng của ba số này là 20, là số bị thua trong đánh bài hana-fuda. Yakuza là “những bàn tay xấu của xã hội”, một “thương hiệu” của những tên tội phạm, giống như cái cách mà những tên tội phạm ở Mỹ đã xăm khẩu hiệu “Sinh ra để thua” trên bắp tay của chúng.

Các thành viên của yakuza cũng thích xăm trổ, nhưng các hình xăm của chúng thường là các hoa văn xuất hiện cả ở mặt trước và mặt sau của cơ thể, cũng như là ở cả cánh tay, khuỷu tay và ở chân. Hình các con rồng, các loại hoa, phong cảnh núi non, biển động, phù hiệu của băng nhóm và các hình vẽ trừu tượng là những thứ mà các thành viên yakuza thường chọn để xăm lên mình. Việc xăm trổ này thường gây ra những đau đớn cho khổ chủ và có thể phải mất đến hàng trăm giờ, nhưng nó lại được coi là một bài kiểm tra bản lĩnh của một thành viên yakuza.

Trong mắt người phương Tây, kiểu comlê trong những năm 1950 của yakuza dường như là khá buồn cười. Những bộ comlê láng bóng, đôi giày mũi nhọn và mái tóc hơi dài được vuốt keo là những nét đặc trưng của các thành viên yakuza ngày nay. Chúng cũng ưa thích các dòng xe hơi cỡ lớn hào nhoáng của Mỹ, như Cadillacs và Lincolns. Không giống như các nhóm tội phạm có tổ chức khác trên thế giới, yakuza không muốn giấu mình. Trong thực tế, ở hầu hết các thành phố của Nhật Bản, các câu lạc bộ xã hội của yakuza và trụ sở chính của băng thường được trang hoàng bằng những ký hiệu và biểu trưng nổi bật.

Theo thống kê, Nhật Bản có 110.000 thành viên yakuza thường xuyên hoạt động, được chia thành 2.500 gia đình. Ngược lại, nước Mỹ có dân số đông gấp đôi dân số Nhật Bản nhưng chỉ có 20.000 thành viên của các tổ chức tội phạm có tổ chức. Ảnh hưởng của yakuza rộng hơn và được chấp nhận hơn trong xã hội Nhật Bản khi so sánh với tội phạm có tổ chức ở Mỹ. Ngoài ra, yakuza còn mở rộng ảnh hưởng ra ngoài lãnh thổ Nhật Bản sang các nước châu Á khác, và thậm chí sang cả nước Mỹ.

Đình Vũ (tổng hợp)

Đón đọc kỳ 2: Cơ cấu của yakuza và những tập tục quái đản

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN