Trong Chiến tranh Triều Tiên, Mỹ ngầm cho phép Hàn Quốc thảm sát chính trị phạm

Viên trung tá cố vấn quân sự cao cấp của Mỹ, Rollins S. Emmerich, cảm thấy vô cùng lo lắng bởi những gì vừa nghe thấy từ đại tá Kim Chong-won, đối tác của ông ta bên phía quân đội Hàn Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên. Ban đầu, Emmerich đã cố gắng ngăn chặn không cho điều đó xảy ra. Nhưng những trang hồ sơ vừa được giải mật tại Mỹ cho thấy, cuối cùng Emmerich đã nói với đối tác phía Hàn Quốc rằng họ có thể sử dụng súng máy kết liễu 3.500 chính trị phạm để phòng trường hợp những người này tham gia vào lực lượng quân đội CHDCND Triều Tiên đang tiến công tới gần. Trong những ngày đầu của cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953), cũng như Emmerich, nhiều sỹ quan quân đội Mỹ khác đã tận mắt chứng kiến, chụp ảnh và thậm chí là báo cáo lên cấp trên về một vụ thảm sát bí mật của quân đồng minh Hàn Quốc nhằm vào những người cánh tả hoặc cho là có cảm tình với cánh tả.


Tấm ảnh này của quân đội Mỹ, nằm trong một loạt những tấm ảnh được giải mật, chụp cảnh xử tử tù chính trị ở Daejeon (Hàn Quốc) tháng 7/1950.


Quay lại lịch sử, trước khi Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, Hàn Quốc đã bắt giam hàng chục ngàn phần tử cánh tả. Ngày 29/6/1950, cùng với việc quân đội Hàn Quốc rút về phía nam, Quân đội nhân dân Triều Tiên đã cho mở cửa các nhà tù ở Xêun để những tên tội phạm đang bị giam giữ ở đó tòng quân. Khi đó, Emmerich đang là cố vấn quân sự cao cấp ở Hàn Quốc. Ông ta được báo cáo rằng viên chỉ huy trung đoàn phía Hàn Quốc quyết định không thể để những tội phạm chính trị lọt vào tay Quân đội nhân dân Triều Tiên, lên kế hoạch xử tử 3.500 người tình nghi là cộng sản bị bắt trước khi chiến tranh nổ ra. Emmerich nhớ lại là ông ta đã mời đại tá Kim Chong-won tới, nói: “Kẻ địch không thể tấn công đến Busan trong một vài ngày tới như ngài sợ” và “một hành động tàn bạo là không thể tha thứ được”. Đại tá Kim Chong-won hứa là sẽ không xử tử tù nhân tới khi tình hình trở nên tồi tệ hơn, nhưng lại nhấn mạnh nếu kẻ địch tới ngoại ô Busan, ông ta sẽ cho mở cửa nhà tù và dùng súng máy bắn vào tù nhân. Emmerich còn cho biết không bao lâu sau cuộc nói chuyện với đại tá Kim Chong-won, ông ta còn đi gặp các quan chức ở Daegu và thuyết phục họ không xử tử ngay lập tức khoảng 4.500 tù nhân ở đó như kế hoạch đã đề ra. Nhưng sự thật là ở Daegu đang có hàng trăm người bị xử tử.


Tấm ảnh này do quân đội Mỹ chụp tháng 4/1951, ghi lại cảnh quân Hàn Quốc bắn tù chính trị gần Daegu (Hàn Quốc)


Cùng với sự phát triển của chiến tranh, một cuộc thanh lọc đẫm máu chống những người cộng sản cũng bắt đầu. Người ta tin rằng số người chết đã lấp đầy 150 hố chôn tập thể ở những điểm biệt lập thuộc các tỉnh cực nam của bán đảo Triều Tiên. Theo ước tính của Ủy ban Sự thật và Hòa giải thuộc chính phủ Hàn Quốc, cơ quan phụ trách việc điều tra điều gì đã xảy ra vào cái mùa hè khủng khiếp năm 1950 cũng như một cuộc tắm máu chính trị bị giấu kín, có ít nhất 100.000 người đã bị giết hại. Ủy ban này đã cho khởi động lại việc khai quật những “công trường thảm sát” sau khi phát hiện hơn 400 bộ hài cốt ở 4 “công trường thảm sát” vào năm ngoái.

 

Một điều đáng ngạc nhiên là vào giữa tháng 8/1950, tướng Douglas McArthur, Tư lệnh quân Viễn Đông Mỹ đã nhận được một bản báo cáo tuyệt mật từ Hàn Quốc nói về sự “tàn bạo đến cực độ” của lực lượng quân cảnh Hàn Quốc. Báo cáo cho biết gần Daegu (Hàn Quốc) đã xảy ra một cuộc thảm sát 200-300 người, trong đó có cả phụ nữ và những bé gái chỉ độ 12, 13 tuổi. Nhưng tướng McArthur đã không làm gì ngoài việc báo cáo cho Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, John J. Muccio. Đại sứ Muccio sau đó đã yêu cầu các quan chức Hàn Quốc tiến hành việc xử tử một cách nhân đạo và theo trình tự pháp luật.

 

Những tài liệu giải mật cũng cho thấy vào ngày 15/8/1950, tướng Francis W. Farrell, cố vấn trưởng về quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc, đã đề nghị tiến hành điều tra những vụ thảm sát ở đây. Nhưng không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy lời đề nghị của tướng Farrell được thực hiện. Một tháng sau, những tấm ảnh chụp vụ thảm sát ở Daejeon được gửi tới Lầu Năm góc cùng một bản báo cáo rằng Hàn Quốc đã giết “hàng nghìn” tù chính trị. “Điều quan trọng nhất là họ đã không ra tay ngăn chặn cuộc đại thảm sát đó”, nhà sử học Jung Byung-joon, thành viên Ủy ban Sự thật và Hòa giải Hàn Quốc cho biết.

 

Minh Thành (Theo AP và Global Times)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN