Trận tử chiến ở Ploesti

Trận tử chiến ở Ploesti - Kỳ cuối: Ploesti chìm trong biển lửa

Các máy bay địch phải mất một thời gian mới phát hiện ra các máy bay ném bom của Mỹ bởi chúng bay tìm kiếm ở tầm cao thông thường. Ngay khi phát hiện thấy các máy bay ném bom Mỹ đang bay ở phía dưới, chúng ồ ạt tấn công. Các máy bay B-24 bắn rơi hai chiếc Me-109 của Đức ngay tại thời điểm đụng độ đầu tiên nhưng từ lúc đó trở đi, tình hình ngày một trở nên xấu hơn.

Máy bay ném bom B-24 oanh tạc các cơ sở lọc dầu ở Ploesti.

Chiếc máy bay do Trung úy Henry Lasco và Trung úy Joseph Kill điều khiển bị trúng đạn phòng không bắn lên từ mặt đất. Sau khi cố gắng thoát khỏi tầm hỏa lực phòng không với hai phi công bị chết, ba người khác bị thương và hai động cơ bị hỏng, chiếc máy bay này bị vài chiếc Me-109 của đối phương bao vây. Một pháo thủ bị trúng đạn vào chân và một viên đạn suýt trúng mặt Lasco. Chiếc máy bay rơi xuống một cánh đồng ngô. Nông dân Rumani đánh đập các phi công cho đến khi người của quân đội xuất hiện.

Đại tá Jack W. Wood chỉ huy trung đoàn 389, bộ phận bay cuối cùng trong đội hình. Giống như Compton, Wood đã chuyển hướng bay quá sớm nhưng ông đã kịp thời sửa sai và chỉ huy đội hình bay về phía bắc Ploesti để tiếp cận mục tiêu - nhà máy lọc dầu Steaua Romana ở Campina. Hệ thống phòng không ở đây cũng khá mạnh. Đầu tiên, máy bay của Trung úy Lloyd Hughes bị bắn trúng thùng nhiên liệu và bắt đầu bốc cháy. Đang bay ở giữa đội hình, Hughes lựa chọn tấn công ngay. Sau khi thả vài loạt bom, ông điều khiển máy bay nghiêng cánh bay về phía dòng sông. Một cánh máy bay va phải một chướng ngại vật trước khi máy bay hạ cánh nên nó lao xuống giống như một quả cầu lửa. Kỳ diệu thay, hai người trên máy bay đều sống sót.

Ploesti chìm trong biển lửa.


Vào thời điểm mà chiếc máy bay cuối cùng của quân Mỹ bay trở lại căn cứ, Ploesti chìm trong biển lửa. Ước tính 40% cơ sở hạ tầng của các nhà máy lọc dầu bị phá hủy. Tuy nhiên, hiểm họa với các máy bay B-24 vẫn chưa hết. Nhiều trong số các máy bay này đã bị bắn rơi bởi các máy bay chiến đấu của địch trên bầu trời Bungari và Hy Lạp. Số khác bị rơi trong hành trình bay về. Một số máy bay phải chuyển hướng sang Thổ Nhĩ Kỳ do hết nhiên liệu hoặc tình trạng nguy kịch của những người bị thương. Số còn lại hạ cánh xuống đảo Síp cách Benghazi một quãng đường ngắn.

Bất chấp những thiệt hại trong hành trình bay trở lại, phần lớn phi công đều trở lại được Benghazi. Tuy nhiên, rất ít máy bay trở về còn nguyên vẹn và chiếc cuối cùng hạ cánh ngay sau lúc trời vừa tối với hai động cơ ở cùng một bên cánh bị hỏng và không còn phanh. Trong tổng số 179 chiếc máy bay cất cánh đi làm nhiệm vụ hôm đó, 54 chiếc không bao giờ trở lại. Gia đình của 310 phi hành đoàn tham gia trận đánh ở Ploesti không bao giờ còn gặp lại những người thân yêu của họ nữa. Gần 200 phi công khác bị bắt hoặc bị giam giữ. Nhiều người trong số này bị thương. Những phi công Mỹ thực sự khiến quân Đức và Rumani khâm phục về trình độ và lòng dũng cảm mà họ đã thể hiện. Đối phương càng nể phục hơn khi biết rằng đây không phải là trận đánh được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Tuy vậy, hành động dũng cảm của các phi công Mỹ không đủ để làm gián đoạn hoạt động sản xuất của các nhà máy lọc dầu ở Ploesti được lâu. Trong vài tuần sau, hoạt động của các nhà máy này được khôi phục trở lại, thậm chí còn mạnh hơn trước.

Vậy chuyện gì đã xảy ra? Trước hết, thiệt hại sau trận đánh không lớn như người Mỹ mong đợi bởi vì nó không diễn ra theo đúng kế hoạch. Điều này chủ yếu là bởi Compton đã chuyển hướng sai và một phần thuộc lỗi của Kane vì đã không duy trì đội hình bay. Nếu ông không làm như thế, Compton đã không phải bay ngoằn ngoèo khi bay vào đất Rumani trong một nỗ lực để tìm trung đoàn 98 của Kane và hai trung đoàn khác. Những cú lượn không theo kế hoạch đó là nguyên nhân khiến Compton xác định sai hướng bay. Ngoài ra, nếu Kane bám sát được đội hình bay của Compton như kế hoạch, các hệ thống phòng không của địch đã không có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng.

Còn về kế hoạch bay ở tầm thấp của Smart thì sao? Nhiều người cho rằng đó là ý tưởng tồi, nhưng thực tế lại gây ra những thiệt hại lớn cho quân địch. Trung tá James Posey, chỉ huy một bộ phận của trung đoàn 44, đã chứng minh cho việc họ sẽ thành công như thế nào nếu thực hiện đúng kế hoạch. Lực lượng dưới quyền chỉ huy của Posey được giao nhiệm vụ đánh phá nhà máy lọc dầu Creditul ở phía nam của Ploesti. Cơ sở này bị tàn phá nặng nề đến mức nó không thể khôi phục hoạt động lại được trong những năm tháng sau này của chiến tranh.

Có lẽ, nguyên nhân chính khiến kế hoạch “Sóng cồn” thất bại chủ yếu thuộc về các chỉ huy quân đồng minh. Họ đánh giá nhầm khả năng của phát xít Đức trong việc khôi phục lại các cơ sở lọc dầu bị tàn phá. Hitler không thể tiến hành cuộc chiến tranh mà không có dầu lửa và một điều hiển nhiên là hắn sẽ làm mọi điều cần thiết để đưa các nhà máy lọc dầu sớm hoạt động trở lại. Sai lầm thứ hai của các nhà lãnh đạo phe đồng minh là không tập trung các nguồn lực cần thiết cho trận chiến ở Ploesti.

Phải đợi đến một năm sau nữa, phe đồng minh mới tiến hành chiến dịch lớn thứ hai nhằm vào Ploesti. Lần này họ đã thực hiện 24 lần đánh phá từ tầm cao và cũng bị thiệt hại nhiều sinh mạng. Đổi lại, chiến dịch thứ hai này đã thành công với việc biến các nhà máy lọc dầu thành các đống đổ nát.
Tuy nhiên, chiến dịch đầu tiên mới là chiến dịch đáng nhớ. Mỗi khi nhắc tới Ploesti, người ta lại nhớ tới trận tử chiến của quân đồng minh.

Khánh Chi (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN