Thủ tướng Phạm Văn Đồng qua lời kể của người trợ lý thân cận

Ông Nguyễn Tiến Năng vinh dự có 28 năm (1972-2000) làm thư ký, trợ lý cho đồng chí Phạm Văn Đồng - nhà lãnh đạo có uy tín của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Hội nghị Geneva năm 1954. Ảnh: Võ Năng An - TTXVN

Gần nửa thế kỷ công tác ở Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Tiến Năng vinh dự có 28 năm (1972-2000) làm thư ký, trợ lý cho đồng chí Phạm Văn Đồng - nhà lãnh đạo có uy tín của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Nay đã 88 tuổi, nhưng ông Nguyễn Tiến Năng vẫn rất minh mẫn. Kỷ niệm trong những năm tháng giúp việc Thủ tướng Phạm Văn Đồng vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của ông.

Một nhân cách lớn

Ông tâm sự: Được làm thư ký, trợ lý cho Thủ tướng là điều ngoài tưởng tượng mà ông vẫn hằng mong ước trong nhiều năm công tác tại Văn phòng Chính phủ và coi đây là một vinh dự lớn lao. Ông tâm sự: “Ngay từ buổi đầu tiên, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã dặn dò tôi nhiều điều phải ghi nhớ trong công việc như: Phải trung thực, thật thà, đặc biệt khi tiếp nhận thông tin từ khắp nơi; phải tuyệt đối giữ bí mật vì đây là cơ quan đầu não của quốc gia; hết sức cẩn thận, cẩn trọng với mọi công việc, sắp đặt văn phòng khoa học, ngăn nắp để khi mình cần gì phải có ngay. Cùng với đó, phải đoàn kết, giúp đỡ nhau trong công việc; phải coi người trong cùng cơ quan như anh em trong gia đình; phải cố gắng học tập nâng cao trình độ, năng lực; phải tận tụy, khiêm tốn, lễ phép với những người dân cần gặp, “dù giúp được hay không cũng phải trả lời người ta”. Đặc biệt, Thủ tướng căn dặn tôi phải chịu khó học hỏi, nắm bắt, phân tích thông tin, từ đó có những đề xuất, định hướng để khi gặp các đối tác ở trong nước cũng như nước ngoài, biết tiếp thu những cái phù hợp, có lợi cho nước, cho dân. Trong quá trình làm việc, giao tiếp, thậm chí là ký kết hợp đồng, có thể do hiểu biết của mình chưa đủ, nắm chưa chắc, mình bị sơ hở, thiệt thòi thì có thể chấp nhận được, nhưng tuyệt đối không được vì lợi ích cá nhân mà làm chệch đường hướng, mục tiêu. Cái đó là không thể tha thứ”, ông bộc bạch.

Đối với anh em trong cơ quan, Thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn coi đây là một gia đình nhỏ, rất quan tâm và thường xuyên hỏi han công việc, đời sống gia đình, để giúp đỡ bất cứ những gì có thể. Bởi thế, quan hệ giữa Thủ tướng và mọi người trong cơ quan khá bình đẳng thân tình. Thủ tướng cũng rất quan tâm đến các nhà trí thức, văn nghệ sỹ, giúp đỡ những người khó khăn. Thủ tướng thường nhận được thư của cán bộ, nhân dân, các cháu thanh niên, thiếu nhi và tự mình viết thư trả lời... “Có thể nói Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ một cách tuyệt vời. Khi cùng ở với Chủ tịch Hồ Chí Minh và cả sau khi Bác mất, Thủ tướng Phạm Văn Đồng vẫn giữ nếp sống đơn giản với một chút cơm, cá hoặc thịt và chút rau xanh, có ngày chỉ ăn một, hai bát cháo hoặc súp, nhưng luôn có sẵn một củ khoai. Những tác phong công việc, cách quan hệ tiếp xúc với mọi người đều chịu ảnh hưởng từ Bác Hồ… Giản dị, thanh bạch là những điều Thủ tướng Phạm Văn Đồng học được ở Bác Hồ nhiều nhất”, ông Năng chia sẻ.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các chiến sỹ công an nhân dân trong ngày ngành Công an đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (5/1/1980). Ảnh: Kim Hùng - TTXVN

Đổi mới đất nước

Theo ông Nguyễn Tiến Năng, hơn 30 năm trôi qua nhưng những gì diễn ra trong các buổi làm việc tại Hải Phòng (1980) và Đà Lạt (1983) của Thủ tướng Phạm Văn Đồng vẫn còn in đậm không thể nào quên.

Ông kể, ngày 12/10/1980, trên đường đi thăm và làm việc tại Hải Phòng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng dừng lại ở thành phố Hải Dương. Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng lúc bấy giờ đã báo cáo với Thủ tướng rằng, Hải Phòng đã phá nát phong trào hợp tác hóa nông nghiệp bằng cách khoán hộ và địa phương sẽ là “con đê” ngăn chặn làn sóng này. Biết chưa thuyết phục được lãnh đạo tỉnh Hải Hưng ngay lúc đó, Thủ tướng chỉ hài hước nói: “Tôi sẽ xem Hải Phòng phá như thế nào”.

“Đến Hải Phòng, Thủ tướng phái tôi đến Hợp tác xã Đoàn Xá, Đồ Sơn. Đến nơi, tôi thấy một không khí lao động hết sức phấn khởi. Tôi hỏi chuyện, ai cũng vui vẻ khoe, từ khi khoán bà con được chủ động hơn, làm việc hiệu quả hơn, năng suất sản lượng cao hơn, thu hoạch nhiều hơn và làm nghĩa vụ với Nhà nước đầy đủ. Tôi về báo cáo lại, Thủ tướng tỏ rõ sự vui mừng: Đúng, đúng, đó là cái chúng ta đang tìm - quyền làm chủ của người dân. Kết quả cuộc làm việc của Thủ tướng tại Hải Phòng nhanh chóng lan tỏa đến các tỉnh, thành phố, giải tỏa phần nào sự lo lắng của cán bộ, bà con nông dân vốn cũng đang khoán “chui” như Hải Phòng. Từ kết quả khoán sản phẩm ở Hải Phòng, tháng 1/1981, Ban Bí thư ra Chỉ thị 100 về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp; đến cuối tháng 8 năm đó đã diễn ra Hội nghị toàn quốc sơ kết 8 tháng thực hiện khoán sản phẩm. Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đánh giá cao giá trị việc khoán sản phẩm trong nông nghiệp và nhấn mạnh: Đây là bước phát triển mới của nền nông nghiệp nước ta; là phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa rộng lớn, có tầm quan trọng về lý luận và thực tiễn; có ý nghĩa chiến lược với quá trình tiến lên của sản xuất nông nghiệp”, ông Năng nhấn mạnh.

Một sự kiện nữa trong quãng thời gian làm thư lý, trợ lý mà ông Nguyễn Tiến Năng nhớ mãi đến ngày hôm nay, đó là chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) vào tháng 7/1983. Ông nhớ lại, biết tin Chủ tịch Trường Chinh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đang ở Đà Lạt, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Linh đã tổ chức một đoàn cán bộ chủ chốt của thành phố và lãnh đạo các xí nghiệp lớn đến gặp. Từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh và cuộc sống của nhân dân thành phố, đoàn kiến nghị Trung ương cho phép thành phố thực hiện thí điểm cơ chế hai giá. Chủ tịch Trường Chinh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đều bày tỏ sự thông cảm trước những bức xúc, khó khăn của thành phố, nhưng băn khoăn, bởi làm như vậy trái với nguyên tắc quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa và đề nghị dừng cuộc họp để suy nghĩ thêm.

Hôm sau, qua những giải pháp và sự quyết tâm phấn đấu của Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát biểu: “Chủ tịch Trường Chinh và tôi rất trăn trở trước tình hình của thành phố, thông cảm với các đồng chí đang gánh vác nhiệm vụ hết sức nặng nề và đầy khó khăn bởi nhiều nguyên nhân. Chúng tôi suy nghĩ nhiều về những kiến nghị của các đồng chí nhưng đây là vấn đề mới nên cần phải thận trọng. Ngừng một lát rồi Thủ tướng đề nghị Chủ tịch Trường Chinh cho phép Thành phố Hồ Chí Minh làm thử cơ chế mới, cái gì đúng thì khẳng định, cái gì sai thì rút kinh nghiệm chỉnh sửa. Với cơ chế mới được Trung ương cho phép không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh mà trong cả nước, các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, lưu thông phân phối được “cởi trói” và “bung ra” mạnh mẽ, thúc đẩy kinh tế-xã hội của đất nước phát triển…", ông cho biết.

Ông Nguyễn Tiến Năng chia sẻ: Phục vụ trong nhiều năm, tôi nhận thấy Thủ tướng Phạm Văn Đồng có một sự tư duy kinh tế rất rõ ràng, dứt khoát. Đó là kết quả của sự trăn trở, tìm tòi, thử nghiệm trong quá trình điều hành chính phủ của Thủ tướng Phạm Văn Đồng qua các cuộc vận động "ba xây ba chống", "cải tiến quản lí xí nghiệp", "cải tiến quản lí hợp tác xã nông nghiệp"... Đặc biệt, Thủ tướng luôn ủng hộ cái mới, góp phần đưa sự nghiệp đổi mới đến thành công.

Nguyễn Cường (TTXVN)
Đồng chí Phạm Văn Đồng - nhà lãnh đạo, nhà văn hóa xuất sắc của Đảng
Đồng chí Phạm Văn Đồng - nhà lãnh đạo, nhà văn hóa xuất sắc của Đảng

94 tuổi đời, 75 năm hoạt động cách mạng liên tục, 41 năm là Uỷ viên Trung ương Đảng, 35 năm là Uỷ viên Bộ Chính trị, 32 năm là Thủ tướng Chính phủ, 10 năm là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Phạm Văn Đồng là người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN