Tên lửa Nga thách thức sức mạnh quân sự Mỹ thế nào?

Từ xưa đến nay Mỹ vẫn luôn tự hào sở hữu những loại vũ khí tối tân, đặc biệt là máy bay, nhờ đó có sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, trong lịch sử, giới quân đội nước này đã không ít lần bị “bẽ mặt” trước các vụ máy bay bị tấn công bằng tên lửa do Liên Xô sản xuất.

Loại tên lửa Buk do Nga sản xuất là kết quả của một công nghệ tên lửa từ thời Liên Xô, từ lâu đã thách thức sức mạnh quân sự của Mỹ. Đặc biệt, dù là một hệ thống vũ khí công nghệ cao nhưng độ bền và tuổi thọ của nó được chứng minh tương đương với loại súng trường tự động AK-47 huyền thoại.

Hệ thống tên lửa Buk của Nga. Ảnh: D.B


Mục tiêu đầu tiên của tên lửa Buk này là triệt hạ ưu thế quân sự của Mỹ trong thời kỳ cao trào của Chiến tranh Lạnh.


Ngày 1/5/1960, một chiếc máy bay trinh sát U-2 của CIA đã cất cánh từ căn cứ không quân ở Peshawar, Pakistan. Sự tồn tại của U-2 là một bí mật. Nó có một hình dáng khác thường với sải cánh dài và mảnh. Điều này cho phép U-2 bay ở độ cao trên 21 km, cao hơn bất kỳ loại máy bay nào khác.

Một phi đội nhỏ U-2 đã được triển khai tại một số cơ sở bí mật gần biên giới của Liên Xô. Loại máy bay này được trang bị những máy ảnh có độ phân giải cao. Trong giai đoạn trước khi xuất hiện các vệ tinh gián điệp, U-2 được cho là “đôi mắt” rất quan trọng của Mỹ ở trên cao. Nhiệm vụ của những chiếc U-2 là chụp ảnh các cơ sở quân sự quan trọng của Liên Xô như căn cứ không quân, trận địa phóng tên lửa, căn cứ hải quân, sự di chuyển quân quy mô lớn.

Chiếc U-2 cất cánh từ căn cứ ở Pakistan ngày hôm đó do cựu đại úy không quân Francis Gary Powers điều khiển. Mục tiêu của nó là trinh sát khu vực Sverdlovsk ở Ukraine. Powers đã bay ở độ cao mà viên phi công này cảm giác rằng chiếc U-2 của mình là “bất khả xâm phạm” (độ cao 21km nằm ngoài tầm bắn của các hệ thống tên lửa phòng không của Liên Xô và các máy bay chiến đấu không thể tiếp cận do không khí quá loãng). Nhưng nhận định của đại úy Powers đã sai. Radar của Nga đã phát hiện U-2. Sau đó, Nga đã sử dụng một loại vũ khí mới, tên lửa đất đối không S-75 Dvina, hay còn gọi là SAM để tấn công. 8 tên lửa này được phóng đi, và quả đầu tiên đã bắn trúng mục tiêu. Powers đã không có cơ hội để lẩn tránh và chiếc U-2 đã bị bắn hạ.

Nhiệm vụ gián điệp của chiếc U-2 này bị phơi bày đã tạo ra một cuộc khủng hoảng quốc tế. Mỹ bị thất thế về ngoại giao và sức mạnh quân sự bị “hạ nhục”. Cú sốc về việc U-2 không còn là máy bay bất khả xâm phạm lại đến chỉ 3 năm sau khi lần đầu tiên Liên Xô phóng thành công vệ tinh quay quanh trái đất Sputnik (năm 1957), và chỉ 1 năm trước khi họ đưa người đầu tiên vào không gian - nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin.

Những tên lửa SAM của Liên Xô đã trở thành một trong những “đối thủ” ghê gớm và đáng sợ nhất đối với Mỹ trong cả các cuộc chiến tranh “lạnh” và “nóng”. Thật vậy, tên lửa S-75 Dvina sau đó đã tiếp tục bắn hạ một chiếc U-2 nữa tại thời điểm Mỹ và Liên Xô đang có xu hướng tiến gần hơn đến bờ vực của chiến tranh hạt nhân. 
 

Tên lửa S-75 (SAM) xuất kích.


Ngày 15/10/1962, các chuyên gia phân tích của CIA đã nghiên cứu những bức ảnh chụp từ Cuba được chụp bởi một số chiếc U-2 sau khi có những báo cáo vệ sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Liên Xô ở quốc đảo này. CIA cho rằng Liên Xô đã bố trí ở Cuba các trận địa phóng tên lửa hạt nhân mà có thể bắn tới các thành phố lớn của Mỹ. Vụ việc này dẫn đến cái gọi là “cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba”.

Ngày 27/10/1962, một chiếc U-2 cất cánh từ căn cứ không quân McCoy ở Orlando, bang Florida. Phi công của chiếc máy bay này là thiếu tá Không quân Mỹ Rudolf Anderson. Những chuyến bay qua vùng trời Cuba của U-2 đều đã bị hủy sau khi có báo cáo tình báo cho rằng chúng sẽ bị đánh chặn, nhưng Anderson đã cất cánh vì tin tức về các trận địa tên lửa của Liên Xô là cần thiết hơn.

Ngay sau khi Anderson vượt qua bờ biển Cuba, chiếc U-2 của ông đã bị radar  Liên Xô phát hiện. Các sĩ quan chỉ huy của Liên Xô ở Cuba đứng truớc quyết định khó khăn có nên bắn hạ chiếc máy bay này hay không. Họ lo ngại các trận địa tên lửa sẽ bị lộ, nhưng cũng hiểu được hậu quả của việc bắn hạ một máy bay Mỹ trong lúc “nước sôi lửa bỏng” này.

Chỉ huy cao nhất của Liên Xô ở Cuba không thể liên lạc được với Moskva vào thời khắc quan trọng trên trong khi chiếc U-2 đang nằm trong tầm bắn. Quyết định bắn hạ chiếc U-2 đã được đưa ra bởi một vị chỉ huy phó. Tên lửa S-75 Dvina đã được khai hỏa nhằm vào chiếc U-2 của Anderson; mảnh đạn từ vụ nổ đã xuyên thủng chiếc áo chịu áp của Anderson. Viên phi công này đã thiệt mạng vì thiếu oxy.

Việc Anderson thiệt mạng đã khiến các chỉ huy quân sự của Mỹ rất tức giận. Tổng thống Kennedy và em trai Robert Kennedy, đã phải kiềm chế sự nóng giận của các chính trị gia và tướng lĩnh diều hâu của mình trong khi tìm cách đàm phán với nhà lãnh đạo của Liên Xô, Nikita Khrushchev. Cuối cùng, Khrushchev nhượng bộ và, trong đường tơ kẽ tóc, họ đã tránh được một cuộc chiến tranh hạt nhân.

5 năm sau, một tên lửa S-75 Dvina lại tiếp tục bắn hạ máy bay của một viên phi công Mỹ, người mà sau này chính là Thượng nghị sĩ John Mc Cain.

Vào năm 1967, McCain là một trong số những phi công thuộc một phi đội Hải quân Mỹ, đã lái chiếc máy bay ném bom hạng nhẹ A-4 Skyhawk từ một tàu sân bay nhỏ Oriskany ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Ngày 26/10/1967, McCain cùng phi đội của mình được chỉ định tấn công Nhà máy điện Yên Phụ ở thủ đô Hà Nội.

Cuộc tấn công trên là vô cùng nguy hiểm bởi vì Việt Nam có hệ thống phòng không rất chắc chắn, vốn được kết hợp giữa pháo binh với các hệ thống tên lửa di động S-75 do Liên Xô viện trợ. Những phi công có kinh nghiệm của Mỹ đã được huấn luyện một chiến thuật nhằm tránh né những tên lửa S-75 khi hệ thống báo động trong buồng lái cảnh báo phát tín hiệu. Điều này cho phép máy bay của họ vòng tránh đường bay của tên lửa ở những giây cuối cùng. Tuy nhiên, phi cơ của ông McCain vẫn bị bắn rơi tại hồ Trúc Bạch bên cạnh Hồ Tây, và ông này bị thương nặng. Năm năm rưỡi sau đó ông bị bắt làm tù binh chiến tranh. Sau Hiệp định Paris 1973 ông được trả tự do.

Sau đó, S-75 trở nên nổi tiếng và phổ biến tương tự như súng trường tự động AK-47 do Mikhail Kalashnikov thiết kế. Đây là loại vũ khí có hỏa lực mạnh, dễ dàng cơ động, sử dụng đơn giản và có độ chính xác cao. S-75 (SAM) được lựa chọn và triển khai tại tất cả các nước thuộc khối Đông Âu cho đến khi bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989. Nga cũng cung cấp tên lửa này cho cả Ai Cập và Syria, và một phiên bản của nó được sản xuất bởi Trung Quốc.


Công Thuận (D.B)

Nga có thể đàm phán thêm với Mỹ về tên lửa hạt nhân
Nga có thể đàm phán thêm với Mỹ về tên lửa hạt nhân

Ngày 16/9, Nga tuyên bố có thể tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán với Mỹ về tương lai của Hiệp ước tên lửa hạt nhân tầm trung (INF).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN