Tại sao Đảng Cộng sản vững mạnh ở Việt Nam

Trang mạng của Hãng thông tấn Liên bang - Riafan.ru (Nga) ngày 02/9 đăng bài viết có nhan đề: “Tại sao Đảng Cộng sản vững mạnh ở Việt Nam” của tác giả Ilya Ushov - Nhà báo, nhà nghiên cứu chính trị và các vấn đề An ninh thế giới.

Theo bài viết, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang tưng bừng kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh 2/9. Đúng ngày này vào năm 1945, tại Hà Nội, đại diện Chính phủ cách mạng lâm thời Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Chặng đường 70 năm độc lập luôn gắn liền với vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam.


Đôi nét lịch sử


Được thành lập từ năm 1930, chính Đảng Cộng sản Việt Nam đóng vai trò dẫn đầu trong các cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam giành độc lập và thống nhất đất nước. Cũng trong khoảng thời gian này Đảng đã có những chuyển mình hết sức nghiêm túc. Thậm chí, tên của Đảng cũng trải qua vài lần thay đổi: Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng lao động Việt Nam. Sau khi thống nhất đất nước vào năm 1976, một lần nữa Đảng lại lấy tên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Những bước chuyển mình của Tổ chức này luôn gắn liền với những những mục tiêu của đất nước. Ban đầu là giành độc lập, sau đó là giữ vững độc lập và thống nhất đất nước. Nhiệm vụ chính của Việt Nam hiện nay là nỗ lực đạt được tốc độ tăng trưởng cao, nâng cao mức sống cho 90 triệu nhân dân.


Tiến về phía trước


Vào năm 2014, theo chỉ số phát triển con người của Liên hợp quốc, được xác định trên cơ sở tuổi thọ, tỷ lệ biết chữ, cũng như mức sống - ước tính bằng tổng thu nhập, Việt Nam đứng vị trí 121 và nằm trong nhóm các quốc gia có mức phát triển con người trung bình. Tuy nhiên, cả Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam đều nhận ra rằng mặc dù mức sống người dân đã có tăng nhưng là chưa đủ.


Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, GDP bình quân đầu người của Việt Nam vào năm 2000 chỉ ở mức 433,3 USD,  nhưng đến năm 2013 con số này đã đạt gần 2000 USD (1908,6 USD). Vào năm 2014, nền kinh tế đất nước tăng trưởng 6% - mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2011. Vào tháng 7 năm nay, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương đã cho biết GDP bình quân đầu người cả năm 2015 của Việt Nam sẽ đạt mức 2200 USD. Theo ước tính chính thức, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2015 sẽ vào khoảng 6,5%. Ngoài ra, IMF, Ngân hàng thế giới và Ngân hàng phát triển châu Á cũng dự đoán vào năm 2016-2017, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam vẫn được duy trì ở mức cao khoảng 6-7%.


Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bất ổn như hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố mục đích chính là “phát triển kinh tế đất nước, ổn định kinh tế vĩ mô và chính sách xã hội”. Điều này phù hợp với văn kiện chính thức của Đảng, khẳng định để đạt được các mục tiêu trên phải xây dựng “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.


Những bước đi quyết định

Các nhà phân tích cho rằng, trong Đảng Cộng sản Việt Nam đang tồn tại hai quan điểm khác nhau về mô hình kinh tế. Một bên cho rằng các doanh nghiệp nhà nước không nên được hưởng bất kỳ đặc quyền kinh tế hay chính trị nào, mà cần phải cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác, đồng thời, Việt Nam cần giảm dần sự ảnh hưởng của nhà nước, cũng như những doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế đất nước. Số khác thì cho rằng ngược lại, nhà nước cần nắm giữ các vị trí quan trọng trong nền kinh tế bằng cách bảo hộ các doanh nghiệp nhà nước, nhằm giữ ổn định nền kinh tế vĩ mô.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt Tổng thống Nga Putin.


Việc áp dụng chính sách ngoại giao đa phương của Đảng Cộng sản là một yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm chính thức Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ hai nước. Chuyến thăm diễn ra trước dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ. Một năm trước đó – tháng 11/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã đến thăm Nga.

Triển vọng

Những nỗ lực phát triển quan hệ Ngoại giao với Moskva, Washington, Bắc Kinh, mà cụ thể nhằm thu hút đầu tư và phát triển quan hệ thương mại. Cần nói rằng, vào tháng 5/2015, Liên minh Kinh tế Á - Âu, bao gồm Nga, Kazakhstan, Belarus, Armenia và Kirgizstan, lần đầu tiên đã ký Hiệp định Thương mại tự do với một quốc gia khác, và đó chính là Việt Nam.

Hiện, Việt Nam và các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đang tiến hành đàm phán hình thành Tổ chức quốc tế - Đối tác xuyên Thái Bình Dương, với mục đích tạo nên khu thương mại tự do trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Tổ chức này liên kết chặt chẽ với chính sách  ngoại giao kinh tế của Mỹ. Thậm chí, mặc dù đang có mối quan hệ chính trị đối ngoại phức tạp với Bắc Kinh nhưng Việt Nam vẫn nỗ lực tạo nên mối quan hệ kinh tế mang tính xây dựng với Trung Quốc. Tháng 4/2015, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã đến thăm Trung Quốc. Một nội dung quan trọng trong Hội đàm là tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã chuyển mình để duy trì vai trò trong tổ chức, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế và chính trị của Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao, cũng như sự ổn định chính trị và xã hội của đất nước.

Quang Vinh (P/v TTXVN tại LB Nga)
Nơi ra đời Chi bộ Đảng đầu tiên ở Thái Nguyên
Nơi ra đời Chi bộ Đảng đầu tiên ở Thái Nguyên

Sau những ngày mưa dài, trở lại quê hương cách mạng La Bằng (Đại Từ, Thái Nguyên), nắng tháng Tám trải vàng trên những nương chè xanh ngút ngàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN