Sư tử trên sa mạc

Sư tử trên sa mạc - Kỳ cuối: Sự tráo trở của phương Tây

Đến cuối năm 2010, những sự vinh danh và tán thưởng mà lãnh đạo các nước phương Tây dành cho Kadhafi đột nhiên thay đổi. Thay vào đó, họ gọi ông là kẻ khát máu, đồ điên, tên bạo chúa, bệnh nhân tâm thần, kẻ độc đoán, kẻ giết người, tên tham nhũng, con chó dại... Các phương tiện truyền thông phương Tây thi nhau bôi nhọ ông Kadhafi. Mục tiêu của sự thay đổi này dường như là để phá hoại hình ảnh Kadhafi trong con mắt cộng đồng quốc tế.

Người dân Libi xuống đường bày tỏ sự ủng hộ ông Kadhafi và phản đối cuộc tấn công của liên quân ở thủ đô Tripôli ngày 29/4/2011.

Cùng thời gian này, một “mạng lưới pháp lý” để xâm lược Libi và hạ bệ nhà độc tài đã được dệt lên. LHQ đã quyết định trục xuất Libi khỏi Hội đồng Nhân quyền, trong khi Tòa án Quốc tế tuyên bố sẽ nhanh chóng có hành động lên án nhà lãnh đạo Libi.

Đồng thời, phương Tây khuyến khích và ủng hộ các lực lượng chống đối Kadhafi để kích động sự nổi loạn từ bên trong, với mục đích tạo ra một nhà nước bạo lực và hỗn loạn, từ đó lấy cớ thanh minh cho sự can thiệp của các cường quốc nhằm “bình định đất nước và bảo vệ quyền con người của các công dân”. Mục tiêu của phương Tây là: Xâm lược Libi, đánh đổ ông Kadhafi và kiểm soát tài nguyên dầu lửa đáng thèm muốn ở nước này.

Ông Kadhafi bị chỉ trích vì đã khuyến khích sự trở lại của các công ty dầu mỏ châu Âu và sự tham gia ngày càng tăng của họ vào hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt. Ông cũng bị lên án vì việc, với tư cách là Tổng Thư ký AU đã góp phần vào việc thắt chặt một thỏa thuận với NATO, cho phép khối quân sự này mở rộng hoạt động ở Xuđăng, Xômali và Êtiôpi. Ông cũng bị chỉ trích vì chủ trương một Hiệp ước hợp tác quân sự giữa NATO và AU. Các tổ chức cấp tiến ở trong và ngoài Libi coi đây là biểu hiện cho sự phản bội của Kadhafi.

Đứng đầu phái chỉ trích ông Kadhafi là Mặt trận Dân tộc Cứu nước Libi (FNSL). Đáng lưu ý là FNSL được dựng lên năm 1981 tại Xuđăng, dưới sự bảo trợ của Đại tá Nimieri, một nhà độc tài được Mỹ ủng hộ cầm quyền từ 1977 - 1985. FNSL tiến hành đại hội đầu tiên của mình tại Mỹ, năm 2007. Đứng đầu FNSL là Ibrahim Sahad, người đã đưa ra rất nhiều cáo buộc đối với “chế độ độc tài” của ông Kadhafi song hầu như chưa đưa ra được bằng chứng nào.

Dân thường Libi đã trở thành nạn nhân trong cuộc tấn công Libi của liên quân do NATO đứng đầu từ tháng 3/2011.

Tuy nhiên, những tuyên bố của nhân vật này lại được các hãng truyền thông phương Tây phát lại, cứ như thể sự thật đúng là như vậy. Điều tương tự cũng diễn ra trên các mạng internet, facebook và twitter.

Nhưng tính hợp pháp hoặc sự thật của những luận điệu chống Kadhafi có vẻ rất mờ nhạt. Nó chỉ là cái cớ để theo đuổi mục tiêu chiến lược hằng mong muốn: Chiếm đóng Libi. Paul Wolfowitz - cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ, cựu Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, và là "kiến trúc sư" của cuộc chiến tranh Irắc - đã công bố một bức thư ngỏ gửi Tổng thống Obama, trong đó xúi giục Tổng thống Mỹ biến Libi thành “một nước được NATO bảo hộ”. Trong bài xã luận đăng ngày 23/2/2011 trên tờ Wall Street Journal (Mỹ), ông Wolfowitz còn tuyên bố: “Mỹ và châu Âu cần phải giúp người dân Libi đánh đổ chế độ Kadhafi”.

Ngày 25/2/2011, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua một nghị quyết để điều tra những tội ác chống lại loài người mà ông Kadhafi có thể đã phạm phải. Nhưng, trong khi cuộc điều tra chưa bắt đầu thì ông Kadhafi đã bị kết án.

Điều không chỉ mỉa mai mà còn giả dối nằm ở chỗ chính Mỹ là người yêu cầu LHQ đưa trường hợp của Libi ra Tòa án Hình sự Quốc tế; trong khi Oasinhtơn chưa bao giờ thừa nhận tính pháp lý của tòa án này và đã chống lại việc thành lập tòa án này vào năm 1998, cùng với Ixraen, Irắc và Libi. Hình như các hãng truyền thông phương Tây đã không nhận ra những mâu thuẫn nêu trên.

Julio Cesar Centero - Lưu Vạn Kha (lược dịch)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN