Sứ mạng bí mật của Hitler ở Irắc

Sứ mạng bí mật của Hitler ở Irắc-Kỳ cuối: Đại bại

Nhưng đây mới là dấu hiệu đầu tiên cảnh báo một sự hỗn loạn sẽ diễn ra trong những tuần lễ sau đó. Sự việc chẳng bao lâu sau đã cho thấy toàn bộ sứ mệnh được tổ chức vụng về như thế nào. Hoàn toàn không có phụ tùng thay thế cho các máy bay Đức, cũng không có bản đồ chi tiết hoặc trinh sát thám không để các phi công có thể định hướng. Ngoài ra, những vật liệu mang theo hoàn toàn không phù hợp với những điều kiện ở Irắc: Máy bay bị quá nóng, cát bay vào động cơ và không khí khô của sa mạc làm cho vải của chiếc dù quá giòn, dễ rách nên các phi công chẳng ai dám mang theo dù.

Phi công Đức đóng giả binh sĩ Irắc để tấn công quân Anh năm 1941 với hy vọng nhen nhóm một cuộc thánh chiến của người Arập.


Tồi tệ hơn nữa, ở đất nước dầu mỏ lại rất thiếu nhiên liệu có độ octan cao cho máy bay. Sau chiến tranh, Tư lệnh Junck đã viết: "Ở cả Irắc chỉ có đủ xăng cho các máy bay của chúng tôi nạp đầy 4 lần". Ông cay đắng phàn nàn là sứ mệnh này lại mang tên ông, trong khi ông không ra lệnh thực hiện sứ mệnh ngớ ngẩn này. Khi đó, một kỹ sư hay mày mò trong đơn vị Đức đã tìm cách giải quyết vấn đề bằng một phòng thí nghiệm tự chế: Ông trộn thêm chì vào xăng xe ô tô của Irắc để tìm cách nâng cao nhiệt năng xăng từ 87 lên 100 octan.

Bất chấp tình trạng tồi tệ như vậy, các máy bay Đức hầu như ngày nào cũng cất cánh để tấn công các máy bay Anh vốn ở tư thế trội hơn hẳn, vì Anh có hơn 100 máy bay và hàng nghìn bộ binh tại Irắc. Drewes cho biết, họ tin rằng mọi việc sẽ tiến triển tốt đẹp và họ có thể làm tốt nhiệm vụ của mình cho tới khi có viện binh. Nhưng viện binh chẳng bao giờ tới, vì Hitler cần quân đội cho trận đánh giành Kreta và đã lên kế hoạch tấn công Liên Xô.

Vì vậy, 24 phi công Đức hoàn toàn phải tự thân lo liệu. Để có thể định hướng trên sa mạc mênh mông có hình dạng giống nhau mà không có máy định vị hiện đại, không có liên lạc vô tuyến, họ thường phải bay thành hai nhóm theo hướng tới những địa điểm đặc trưng của nước này như trạm bơm của một đường ống dẫn dầu. Sau đó, họ chia nhau ra để tấn công, một phi công bay về phía đông, phi công kia bay về phía tây và hẹn nhau tới một thời điểm nhất định nào đó lại bay về địa điểm đó để cùng nhau bay về.

Martin Drewes (người cưỡi lạc đà) và đồng đội ở gần thành phố Kirkuk (miền bắc Irắc) năm 1941.


Mặc dù như vậy, mỗi cuộc tấn công vẫn là một trò chơi mạo hiểm, nhưng các phi công Đức vẫn có thể phá hủy một số máy bay Anh đậu trên mặt đất và phá rối việc tiếp vận của Anh. Ngày 20/5/1941, trong một cuộc không chiến gần Falludscha, Martin Drewes thậm chí đã bắn rơi được chiếc máy bay Anh đầu tiên trên con đường công danh của mình. Đó cũng là lần bắn hạ máy bay duy nhất của không quân Đức tại Irắc.

Đối với viên phi công Drewes thì việc bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên này là sự khởi đầu một sự thăng tiến, làm cho ông tới khi kết thúc chiến tranh trở thành một trong những tư lệnh không quân xuất sắc nhất của không quân Đức. Ngày nay, ông coi sứ mệnh Irắc chỉ như là một cuộc phiêu lưu vớ vẩn và vô hại so với những gì xảy ra sau khi ông về nước. Bởi vì từ năm 1942, không quân Anh bắt đầu oanh kích có hệ thống các thành phố Đức. Người ta có kế hoạch hy sinh cả dân thường để kích động người Đức nổi dậy chống chính quyền.

Phi công Martin Drewes (trái) với cánh tay bị thương năm 1944.


Drewes được đào tạo thành phi công lái máy bay tiêm kích về đêm và xuất kích hết trận này đến trận khác, chẳng bao lâu nữa đã được coi là một trong những phi công xuất sắc của không quân Đức. Tổng cộng, ông đã bắn rơi 50 máy bay ném bom của quân đồng minh, nhưng ông không bận tâm suy nghĩ về kẻ thù của mình. Cuộc chiến đấu trên không đã làm cho việc giết người không còn mang tính cá nhân nữa. Ông nói: "Tôi bao giờ cũng chỉ nhằm bắn vào máy bay".

Nhưng không chỉ bắn hạ đối thủ, cho tới khi chiến tranh kết thúc, Drewes đã bị bắn rơi tới ba lần. Giờ đây, khi kể lại, giọng nói của ông hầu như không có cảm xúc, chỉ mang tính kỹ thuật, bất chấp sự kịch tính của sự việc. Ví dụ như có lần do nóng vội, thay vì bắn vào động cơ, ông lại bắn vào chùm bom của đối thủ, làm cho cả bầu trời đột nhiên biến thành một quả cầu lửa và máy bay của ông cũng vỡ ra ở độ cao 6.200 mét.

Các chiến hữu đều nghĩ rằng ông đã chết. Nên ít lâu sau đó, khi ông, với đôi mắt gần như bị mù và cánh tay bị gãy, gọi điện thoại tới đơn vị báo cáo tình hình, trợ lý của ông quá bất ngờ, nhưng vui vẻ trả lời với giọng hài hước: "Ngài đại úy, ông không thể trở về, vì chúng tôi đã có một chỉ huy mới". Người trợ lý láu lỉnh đó chính là Walter Scheel, sau này trở thành Tổng thống CHLB Đức.

Đối với Drewes, đó không phải là lần đầu tiên trở về với cuộc đời tưởng chừng là kỳ lạ. Ngay từ năm 1941, trong sứ mệnh ở Irắc, ông đã bị bắn hạ khi tấn công một chiếc xe tải của quân Anh trên mặt đất, chiếc xe có giấu một ổ súng máy dưới tấm bạt. Một động cơ bị bốc lửa, Drewes phải hạ cánh khẩn cấp xuống giữa sa mạc, không có thức ăn, nước uống.

Với một chiếc la bàn, trung úy Drewes khi đó 22 tuổi và nhân viên điện đài đã lên đường tìm về Bátđa. Ông kể: "Khát không thể chịu nổi, lưỡi dính chặt trong miệng và chân không còn điều khiển được". Chẳng bao lâu sau, họ bị ảo ảnh đùa giỡn. Họ hy vọng các chiến hữu sẽ đi tìm và vì vậy dừng lại gần một con đường dành cho đoàn người đi. Quả thực, một đơn vị tìm kiếm người Irắc đã tìm thấy họ tại vùng sa mạc hoang vu đó.

Ít lâu sau, sứ mệnh Irắc chấm dứt và bị coi là đại bại. Chỉ sau một thời gian ngắn, hầu như không một chiếc máy bay Messerschmitt và Heinkels nào còn có thể bay được nữa và quân đội Anh dùng xe tăng tiến về hướng Bátđa. Những lính Đức phải đi trên những chiếc xe Ford cũ kỹ chạy trốn từ sáng sớm về phía bắc, vượt qua hơn 300 km để đến được căn cứ không quân Mossul.

Từ đó, họ bay trên một chiếc máy bay vận tải của phe trục Italia tới Aleppo và trở về Đức qua Rhodos. Một phi đội Italia thay thế họ ở Irắc. Nhưng với những chiếc máy bay hai tầng cánh cũ kỹ, các phi công Italia thực hiện sứ mạng của mình còn kém hơn các chiến hữu Đức trước đó.

Cuối cùng, ngay cả nhiều sĩ quan cao cấp cũng ngạc nhiên là bất chấp việc lên kế hoạch kém không thể tưởng tượng như vậy mà không có một phi công Đức nào bị chết ở Irắc. Giờ đây, Drewes trầm ngâm nói: "Đơn giản chỉ là may mắn lớn". Hồi đó, Drewes đã cố tỏ ra bình thản trả lời cấp trên: "Ở nơi nào có nhiều cát thì không ai có thể cắn cỏ" (theo thành ngữ Đức có nghĩa là chết).

Vũ Long (Tổng hợp từ báo chí Đức)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN