Sự báo thù thất bại của Reagan

Cách đây đúng 25 năm, Tổng thống Mỹ khi đó Ronald Reagan đã ra lệnh ném bom xuống Tripôli và Benghazi của Libi để trả đũa cho vụ khủng bố nhằm vào sàn nhảy "Le Belle" ở Béclin, mà họ cho rằng Libi chủ mưu. Nhưng cuộc chiến tranh chớp nhoáng chỉ kéo dài 12 phút đó đã thất bại và Mỹ bị cả thế giới lên án.

Cho tới bây giờ, người ta còn nhìn thấy một quả đấm thép khổng lồ vươn lên trời cao trước Bab al-Asisija, "Vinh quang Môn", trung tâm chỉ huy huyền thoại của Đại tá Moamer Kadhafi, một pháo đài rộng 6 km2 ở phía tây nam Tripôli. Một ngón tay khổng lồ tưởng chừng như đang nghiền nát chiếc máy bay chiến đấu nhỏ xíu của Mỹ, giống như một quả chuối chín nẫu. Chính tại nơi đây, trung tâm quyền lực của Libi, sáng ngày 15/4/1986, bom được điều khiển bằng lazer của Mỹ đã được thả xuống nhằm giết chết Tổng thống Libi Kadhafi, người mà Reagan miệt thị gọi là "con chó dại của Trung Cận Đông". Nhưng Kadhafi đã lánh sang một chiếc lều gần đó và cuộc xâm lăng của Mỹ, cho tới khi đó là cuộc không kích lớn nhất của Mỹ sau chiến tranh Việt Nam đã không đạt được mục tiêu chính là sát hại nguyên thủ quốc gia của một nước thành viên LHQ. Sau đó, quả đấm thép được dựng lên làm tượng đài thể hiện lòng tự tôn của một quốc gia nhỏ bé trước siêu cường Mỹ. Đã từ lâu, Mỹ đã muốn kiếm cớ để tấn công Libi.

Mỹ không kích Tripoli và Benghazi làm nhiều nhà cửa, xe cộ bị phá hủy, hàng trăm dân thường chết và bị thương.


Họ đã tìm ra cớ để tấn công vào đêm 4 rạng sáng 5/4/1986 ở Béclin-Friedenau. Vào lúc 1 giờ 40 phút, một khối thuốc nổ 3 kg được bọc đinh đã phát nổ ở sàn nhảy "La Belle", nơi chủ yếu có lính Mỹ da đen tới ăn chơi. Hai lính Mỹ và một thiếu nữ người Thổ Nhĩ Kỳ bị chết, hơn 200 người đã bị thương vì đinh và sức ép của vụ nổ làm thủng màng nhĩ.

Ngay hôm sau vụ đánh bom, Reagan, người muốn đưa chiến tranh lên vũ trụ, đã khẳng định rằng Libi đứng đằng sau vụ khủng bố và chỉ 48 giờ đồng hồ sau, Reagan đã ra lệnh cho Lầu Năm góc tiến hành cuộc không kích Libi. Với tên gọi mỹ miều "Chiến dịch El Dorado Canyon", sứ mạng này của Mỹ muốn giết chết một người mà họ cho là trùm khủng bố quốc tế. Bởi vì từ khi chế độ quân chủ bị lật đổ và Kadhafi lên nắm quyền từ năm 1969, Mỹ và cường quốc dầu mỏ Libi thân Liên Xô ngày càng trở nên thù địch với nhau.

Trước đó một tháng, vòng xoáy bạo lực với những lời đe dọa, hành động khủng bố và xung đột vũ trang đã tạm thời lên tới một đỉnh cao, khi trong tháng 3/1986, máy bay Mỹ đã đánh đắm 5 tàu cao tốc của Libi ở Địa Trung Hải, vì Kadhafi tuyên bố vịnh Đại Syrte là hải phận của Libi. Áo phông in chữ "Kill Kadhafi" (Giết chết Kadhafi) đã bán đắt như tôm tươi ở Mỹ. Gần như hàng ngày, các phương tiện truyền thông Mỹ ra sức bôi nhọ Kadhafi, coi ông như ác quỷ của chính trường quốc tế. Vụ khủng bố ở "La Belle" chỉ là một đốm lửa để thổi bùng lên ngọn lửa thù hận đã tích tụ từ lâu.

Reagan lớn tiếng tuyên bố: "Khi mà tôi còn ngồi ở Phòng Bầu dục thì nếu công dân của chúng ta bị tấn công bất kỳ ở đâu trên thế giới, chúng ta sẽ đáp trả" và ra lệnh cho máy bay Mỹ đóng tại miền nam nước Anh xuất kích. 24 chiếc F-111 chở đầy bom đã lên đường bay sang Tripôli, đi kèm theo là 5 chiếc EF-111 "Raven" được trang bị kỹ thuật tốt tân nhất để phá hủy radar của đối phương.

Máy bay F-111 Mỹ cất cánh từ căn cứ ở miền nam nước Anh.


Nhưng vì các nước châu Âu không cho phép máy bay Mỹ bay qua không phận của họ để tiến hành cuộc không kích gây tranh cãi đó, nên máy bay Mỹ phải đi một đường vòng trên biển qua Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và đi qua eo biển Gibraltar để đến mục tiêu và phải tiếp xăng trên không, vì vậy sau khi phải bay liên tục 5.200 km để đến mục tiêu, khi chưa tấn công các phi công đã mệt nhoài.

Lẽ ra sứ mạng đã có thể thành công, vì vệ tinh và máy do thám đã cung cấp ảnh của 5 mục tiêu chiến lược ở Libi. Mỹ đã diễu võ, giương oai đủ kiểu để đe dọa Libi với hàng loạt tàu sân bay, tàu ngầm khu trục và tàu tuần dương hùng hổ ngoài khơi. Vào lúc 1 giờ 59 phút, đại bản doanh của Kadhafi ở pháo đài Bab al-Asisija đã được đưa vào tầm ngắm của máy bay chiến đấu Mỹ.

Máy bay Mỹ đã thả 60 tấn bom xuống Tripôli và Benghazi nhằm phá hủy sân bay, trại lính, căn cứ hải quân và nơi ở của Kadhafi. Ngoài một chiếc máy bay ném bom F-111 của Mỹ bị tên lửa của Libi bắn rơi, những chiếc còn lại đã trở về được căn cứ của họ ở nước Anh. Khi hạ cánh, nhiều phi công tuyên bố đã dạy cho Kadhafi được một bài học.

Nhưng rồi họ nhận ra rằng mục tiêu chính đã thất bại và Mỹ bị cả thế giới lên án vì gần 100 dân thường Libi đã bị giết chết, hàng trăm người bị thương nặng, đặc biệt là việc ném bom xuống quận Bin Aschur ở Tripôli đã làm cho rất nhiều thường dân bị chết. Một tuần sau, một chuyên gia không quân trong Lầu Năm góc đã phải thừa nhận: "Cuộc tấn công này là một sự ngu xuẩn vô cùng". Mặc dù không nói thẳng ra, nhưng mục tiêu chính là sát hại Kadhafi đã thất bại, vì Kadhafi đã được mật báo về chiến dịch bí mật của Mỹ.

Cả thế giới xuống đường biểu tình phản đối "Rambo-Reagan".


Năm 2008, người ta biết được rằng Thủ tướng Italia khi đó Bettino Craxi đã tiết lộ cho Kadhafi kế hoạch tấn công bí mật của Mỹ. Chính quyền Rôma biết được kế hoạch này, vì Mỹ đã xin phép Italia cho bay qua không phận để tiến hành cuộc không kích, nhưng Italia không đồng ý. Cả Thủ tướng Manta Karmenu Mifsud cũng đã gọi điện cảnh báo cho Đại tá Kadhafi, khi máy bay chiến đấu Mỹ bay qua không phận Manta để tới mục tiêu, mặc dù không được phép.

Phía Libi cho biết, Tổng thống Kadhafi chỉ chuyển sang chiếc lều cách đó vài trăm mét để ngủ tiếp. Chiếc lều chỉ bị thủng một lỗ nhỏ và một khung ảnh bị vỡ kính.

Nhưng thiệt hại về đạo lý đối với Mỹ thì không thể lớn hơn. Đại hội đồng LHQ đã lên án cuộc không kích là "sự vi phạm trắng trợn Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế", chỉ có nước Anh dưới thời Thủ tướng Margaret Thatcher là tuyên bố đoàn kết với Tổng thống Mỹ Reagan. Các đối tác khác trong liên minh đều bày tỏ thái độ phản đối.

Ngoại trưởng Pháp Claude Cheysson chế giễu cuộc không kích của Mỹ "thể hiện tình yêu của người Mỹ đối với Rambo. Thử hình dung xem nếu Liên Xô tiến hành một việc làm như vậy sẽ ra sao". Liên Xô lên án cuộc không kích là "Những hành động man rợ, bỏ qua đạo đức con người". Iran thì đương nhiên công kích cuộc tấn công Libi là cuộc tấn công nhằm vào toàn thể thế giới Hồi giáo. Thủ tướng Iran Hussein Musawi đe dọa là Oasinhtơn sẽ nhận được "câu trả lời thích đáng".

Cả thế giới đã xuống đường biểu tình phản đối Tổng thống Mỹ và gọi ông ta là "Rambo-Reagan", trong khi nhân vật "Rambo" thật thì không dám bước chân ra ngoài cửa. Lo sợ bị khủng bố, Sylvester Stallone đã rút lại lời hứa tham dự Liên hoan phim Cannes. Cả những ngôi sao nhạc pop như Prince và Lionel Richie cũng từ chối chuyến đi lưu diễn châu Âu vì sợ khủng bố. Mùa hè 1986, du khách Mỹ cũng tránh sang châu Âu mà đi nghỉ ở Caribê.

Vũ Long (Tổng hợp theo báo chí Đức)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN