Số phận những “kẻ lộ bí mật” nổi tiếng

Một trong những câu hỏi lớn hẳn đang ám ảnh tâm trí của Edward Snowden, người đã tiết lộ những bí mật "động trời" của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), là "Chuyện gì sẽ xảy đến với mình?". Trong khi đó, các chuyên gia pháp lý cũng đang bận tâm tranh luận liệu Snowden có bị dẫn độ từ Hồng Công (Trung Quốc) hay không, "kẻ tội đồ" đang lẩn trốn ở đâu, hay nên tống Snowden vào ngục trong bao nhiêu năm?...

 

Số phận của một số nhân vật từng đi vào lịch sử với những vụ tiết lộ thông tin, từ quan chức chính phủ cho đến những viên thư ký, có thể giúp đưa ra một số dự đoán cho số phận của Snowden. Trong khi một số người vẫn kiếm được những công việc có mức lương hậu hĩnh thì không ít người lâm vào vòng lao lí, bị từ chối tuyển dụng, hay phải sống trong cảnh ngục tù... Có một điều đã rõ ràng là cuộc sống của những người đi ngược lại tiếng nói của quyền lực chưa bao giờ dễ dàng.


1. Mark Felt, Cục điều tra liên bang Mỹ


Với vai trò là Phó Giám đốc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI), vào đầu những năm 70 của thế kỉ 20, Mark Felt nắm rõ những hành vi phạm pháp của chính quyền Tổng thống Nixon trong việc “rình rập” các đối thủ chính trị, đột nhập vào văn phòng và đọc thư từ của họ. Ông đã trở thành nguồn tin quan trọng cho tờ Washington Post trong cuộc điều tra vụ bê bối Watergate dẫn đến sự kiện Nixon mất ghế.


 

Felt nghỉ việc ở FBI vào năm 1973. Trong nhiều năm, danh tính của Felt được giữ bí mật và chỉ được ám chỉ đến dưới cái tên “Cổ họng sâu”. Nhưng theo yêu cầu của Felt, danh tính của ông được tiết lộ vào năm 2005 khi ông đã 91 tuổi. Felt qua đời vào năm 2008.


Vào năm 1978, ông đối mặt với nhiều lời buộc tội nghiêm trọng về mối liên quan với các nhóm cực đoan mà FBI theo dõi như nhóm Wather Underground. Tuy vậy Tổng thống Ronald Reagan đã “tha lỗi” cho Felt vào năm 1982. Sau này ông có viết một số cuốn sách về thời gian còn làm việc ở FBI.

 

2. Daniel Ellsberg, Lầu Năm Góc


Vào đầu những năm 1970, các nhà lãnh đạo quân đội và Nhà Trắng tuyên bố nước Mỹ đang giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, họ lại kín đáo viết một bộ bách khoa lịch sử nêu chi tiết những thất bại của nước Mỹ. Năm 1969, chàng thanh niên, nhà phân tích quốc phòng Daniel Ellsberg bắt đầu sao chép dữ liệu của Bộ Quốc phòng cho biết bốn chính quyền tổng thống đã lừa dối công chúng Mỹ như thế nào. Những dữ liệu này cũng tiết lộ chiến dịch đánh bom bí mật ở Campuchia. Năm 1971, Ellsberg giao nộp các hồ sơ chiến tranh bí mật, được biết đến dưới cái tên “Hồ sơ Lầu Năm Góc”, cho tờ New York Times.


 

Ellsberg bị buộc tội theo Đạo luật Gián điệp năm 1917, nhưng những buộc tội này đã bị hủy bỏ vào năm 1971. Ông bắt đầu sự nghiệp của một nhà hoạt động chính trị.


Là một thành viên của một chiến dịch vì Hòa bình và Dân chủ đặt trụ sở ở New York, Ellsberg là một nhân vật đối lập thẳng thắn chống lại cuộc chiến tranh Irắc kéo dài từ 2003 - 2011 cũng như nhiều vấn đề khác. Hiện ông đang sống ở Kensington, bang California. Ellsberg đã gọi Edward Snowden là một “anh hùng”.

 

3. Mordechai Vanunu, chính phủ Ixraen


Chính phủ Ixraen luôn từ chối thừa nhận hay hé lộ gì về chương trình hạt nhân của nước này. Nhưng là một nhà khoa học hạt nhân làm việc cho chính phủ, năm 1986, Vanunu đã xác nhận chương trình này với tờ Sunday Times of London, cho biết nhà nước Do thái đã sở hữu từ 100 - 200 vũ khí hạt nhân.


 

Các đặc vụ Ixraen bắt giữ Vanunu tại Italia vào năm 1986, sau đó ông bị kết án 18 năm tù vì tội phản bội. Ông đã trải qua 11 năm biệt giam. Sau khi được phóng thích vào năm 2004, Vanunu bị bắt trở lại năm 2010 và ở tù 3 tháng vì đã gặp gỡ người nước ngoài, bao gồm cả gặp cô bạn gái người Na Uy.


Hiện nay Vanunu vẫn bị chính phủ Ixraen giám sát và được thông báo đang sống ở đông Jerusalem.

 

4. Mark Whitacre, công ty Archer Daniels Midland


Năm 1992, Mark Whitacre, ủy viên ban quản trị của công ty Archer Daniels Midland, đã nói với vợ mình rằng công ty của ông đang “làm giá” loại thực phẩm bổ sung lisyne để tăng lợi nhuận. Bà vợ đã gây áp lực yêu cầu ông phải báo với FBI. Whitacre sau đó bắt đầu trao thông tin cho FBI, trở thành người cung cấp thông tin ở cấp độ cao nhất của Cục điều tra liên bang. Tuy nhiên, 3 năm sau, FBI phát hiện Whitacre đã đánh cắp 9 triệu USD từ công ty trên.


 

Whitacre bị kết án trốn thuế và gian lận, lãnh án 8 năm tù. Ông được phóng thích vào năm 2006.


Hiện Whitacre là thành viên cấp cao trong hội đồng quản trị của công ty công nghệ sinh học Cypress Systems có trụ sở tại California.


(Còn tiếp)


Anh Minh (Theo Business Insider)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN