Số phận hai người ký Hiệp ước thống nhất nước Đức

Số phận hai người ký Hiệp ước thống nhất nước Đức - Kỳ I: Đại diện CHDC Đức

Nước Đức đã thống nhất được hơn 20 năm. Cơ sở pháp lý của quá trình hợp nhất này là Hiệp ước thống nhất được ký kết giữa CHDC Đức và CHLB Đức dày 900 trang. Tuy nhiên, đây không phải là sự hợp nhất giữa hai nhà nước Đức, mà sự thống nhất được thực hiện theo điều 23 Hiến pháp CHLB Đức, có nghĩa là CHDC Đức tự giải thể, chia thành 5 bang và từng bang này nộp đơn xin gia nhập CHLB Đức. Hai miền Đông và Tây Béclin cũng hợp nhất thành một bang và trở thành thủ đô của nước Đức thống nhất. CHLB Đức tiếp quản tài sản cũng như chịu trách nhiệm về các khoản nợ của CHDC Đức. CHDC Đức tiếp quản Hiến pháp CHLB Đức...

Bản Hiệp ước đồ sộ như vậy mà chỉ được thương lượng, soạn thảo trong vòng 8 tuần, từ đầu tháng 7/1990, sau khi đồng D-mark được đổi và lưu hành tại CHDC Đức. Ngày 31/8/1990, Bộ trưởng Nội vụ Wolfgang Schaeuble (CDU), Trưởng đoàn đàm phán CHLB Đức và Quốc vụ khanh Guenter Krause (CDU), Trưởng đoàn đàm phán CHDC Đức đã thay mặt hai nhà nước chính thức ký Hiệp ước thống nhất nước Đức. Từ đó tới nay, nước Đức đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ và số phận của hai người ký Hiệp ước thống nhất cũng trải qua nhiều biến cố, thăng trầm khó tưởng tượng nổi.

Kỳ I: Đại diện CHDC Đức

Guenter Krause năm 2009.

Ông Guenter Krause sinh năm 1953, tại Halle, là tiến sĩ khoa học trên lĩnh vực kiến trúc và xây dựng. Về quá trình hoạt động chính trị: Năm 1975, ông gia nhập Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) ở CHDC Đức. Từ 1987 tới 1989, ông là Chủ tịch CDU ở huyện Bad Doberan. Năm 1989, ông trở thành Chủ tịch CDU tỉnh Mecklenburg và từ 1990 cho tới khi từ chức năm 1993, ông là Chủ tịch CDU bang Mecklenburg-Vorpommern.

Từ tháng 3 tới tháng 10/1990, Krause là nghị sĩ Quốc hội cuối cùng của CHDC Đức và là Quốc vụ khanh bên cạnh thủ tướng CHDC Đức, từ 3/10/1990 ông Krause là nghị sĩ Quốc hội nước Đức thống nhất và được Thủ tướng Helmut Kohl bổ nhiệm làm Bộ trưởng phụ trách những nhiệm vụ đặc biệt. Sau cuộc bầu cử Quốc hội nước Đức thống nhất tháng 12/1990, ngày 18/1/1991, ông Krause được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giao thông.

Trong thời gian giữ những chức vụ trong chính quyền, Krause đã dính líu vào những vụ việc bê bối, bị coi là mờ ám như việc bán những nhà hàng quốc doanh nằm tại nơi nghỉ bên đường cao tốc ở Đông Đức năm 1990, việc để vợ thuê người giúp việc nhà nhưng dùng tiền nhà nước để chi trả, cũng như việc chuyển nhà riêng cũng thanh toán với Nhà nước. Những vụ việc bê bối này đã dẫn tới việc Krause bị chỉ trích nặng nề và phải từ chức ngày 6/5/1993, mất đi mức lương tháng 27.000 mark.

Cuộc hôn nhân của ông bị đổ vỡ vì vợ có quan hệ ngoại tình với một đối tác làm ăn. Sau đó, ông thành lập ngân hàng và mở công ty riêng chuyên về xây dựng, nhưng làm ăn thua lỗ dẫn tới phá sản và ngày 23/12/2002, Tòa án Rostock đã kết án ông 3 năm và 9 tháng tù về tội gian lận, lừa đảo và trốn thuế. Nhưng tới ngày 7/7/2004, Tòa án liên bang đã đình chỉ bản án vì một số tội đã quá thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự, hủy bỏ một số điều trong bản cáo trạng và yêu cầu xử lại. Ngày 30/10/2007, Tòa án Rostock lại tuyên phạt ông 14 tháng tù cho hưởng án treo vì những tội lỗi dẫn tới công ty bị phá sản và gian lận lương của công nhân khi công ty phá sản.

Gần đây, tạp chí "Stern" (Ngôi sao) và báo "Hình ảnh" (Bild) đã có cuộc trao đổi với Guenter Krause:

´Bà Angela Merkel và ông cùng bước vào chính trường một thời gian. Giờ đây, bà Merkel là Thủ tướng Đức, còn ông thì ngồi ở làng quê. Ông thấy thế nào?

Guenter Krause (phải) và Wolfgang Schaeuble (trái) ký Hiệp ước thống nhất nước Đức.


- Tôi vẫn còn quan tâm tới chính trị, nhưng vui mừng là không phải làm chính trị nữa. Tôi giờ đây đứng đầu một doanh nghiệp giám sát và tính toán tiền sưởi các khu nhà chung cư cho thuê ở Đông Âu. Tôi hay đi tới Kiev, Sôphia và St. Petersburg. Tôi cố vấn cho các chính phủ quá trình chuyển đổi nền kinh tế quốc doanh thành kinh tế tư nhân. Và tôi cũng nghiên cứu về nguyên liệu có thể tái tạo. Ví dụ như tôi hợp tác với hai giáo sư ở Rostock và Hamburg trong việc nghiên cứu làm ra dầu thô từ rơm, một loại vàng đen.

´Ông đã từng tìm cách làm ăn rất mạo hiểm, kể từ khi ông từ chức Bộ trưởng Giao thông, trong đó ông đã làm thua lỗ 11 triệu mark vay của Ngân hàng bang Bavaria…

- Đừng vội thế! Tôi đã mất tiền với 3 kẻ lừa đảo và chúng đã phải vào tù. Khi đó, tôi nghĩ mình được tư vấn tốt. Tôi có một chuyên gia tài chính bên cạnh, người trước đó đã 5 năm thực hiện công việc kinh doanh của Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ tại Arập Xêút. Đó là một người có kinh nghiệm, nhưng rồi ông ta cũng bị lừa. Ngay cả Ngân hàng UBS cũng bị thiệt hại, tổng cộng có 200 triệu mark biến mất. Những người khác cũng không nhìn thấu, chứ không phải mình tôi.

´Làm sao mà ông nảy ra ý nghĩ vay tín dụng tới 11 triệu mark?

- Là người Đông Đức trước đây, tôi không có sự nhạy cảm về giá trị đồng tiền. Trong Bộ Giao thông, tôi quản lý một ngân sách 60 tỉ mark thì 11 triệu mark có nghĩa lý gì.

´Bà Merkel từng nói, ông là một người thông minh, nhưng không phải là người hiểu biết con người. Những người xa lạ có thể bắt chuyện ông vào ban đêm và đề xuất chuyện làm ăn thế mà ông vẫn quan tâm, chú ý lắng nghe!

- Về một khía cạnh, bà ta nói đúng. Tôi luôn cho rằng người ta thực thà với bạn, như bạn thực thà với người ta. Nhưng rồi tôi phải nhận ra rằng chủ yếu người ta gặp phải những kẻ không đàng hoàng.

´Mất vợ, mất chức, mất nhà, nợ nần chồng chất và những lời nhạo báng. Làm sao mà ông chịu nổi?

- Bên cạnh nhiều người bạn sai trái, tôi cũng có một số ít bạn thực sự. Thêm vào đó, tôi cho rằng có ba câu nói đúng: Nếu bạn có niềm tin sắt đá, bạn có thể chuyển núi dời non. Không có đấu tranh thì không có chiến thắng - trong đó cũng có thất bại. Và: Trong yếu thế cũng có lợi thế.

´Phải chăng mọi việc đều đúng đắn?

- Đáng tiếc là Viện Công tố Rostock vẫn tiếp tục truy bức tôi. Từ 1996 đã như vậy rồi. Mặc dù năm 2002, tôi đã bị kết án, nhưng Tòa án Liên bang đã hủy bỏ bản án. Bà Chánh án khi đó Monika Harms, nay là Tổng công tố liên bang. Tôi muốn rằng mọi vụ án chống lại tôi phải bị đình chỉ. Cho dù tôi bị kết án thì bản án không liên quan gì đến việc kéo dài sự truy bức đối với tôi. Một phần ba cuộc đời doanh nghiệp của tôi phải chịu đựng những định kiến. Vì vậy, tôi sẽ kiện lên Ủy ban nhân quyền châu Âu.

´Với nhiều gió ngược chiều như vậy, người ta không thể chèo chống chỉ với lòng tin.

- Tháng 4/2004, tôi đã lại lấy vợ, đó là một hạnh phúc lớn. Ba con riêng của tôi và ba con với người vợ mới thân thiết với nhau, thêm vào đó tôi có 4 đứa cháu. Tôi thực sự có niềm vui với các cháu. Ngoài ra, tôi chẳng cần gì nhiều trong đời. Bên cạnh gia đình thực ra chỉ cần có chiếc đàn dương cầm và chơi đàn organ của nhà thờ.

Vũ Long (Tổng hợp theo báo chí Đức)

Đón đọc kỳ cuối: Đại diện CHLB Đức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN