Siêu lạm phát 1923 tại Đức

Siêu lạm phát 1923 tại Đức-Kỳ 3: 2.800 loại tiền được lưu hành

Không thể giải thích việc mất đồng tiền này chỉ với nguyên nhân mang tính số lượng. Như thông thường trong nền kinh tế, sự trông chờ có một vai trò quyết định. Với việc tranh cãi căng thẳng về bồi thường chiến tranh, niềm tin vào tương lai kinh tế của đất nước đã hoàn toàn mất đi. Holtfrerich cho rằng hầu như không thể giải thích tình trạng siêu lạm phát này, nếu không kể tới việc mất lòng tin vào đồng tiền. Qua đó, sự trông đợi về sự phát triển tương lai của giá trị đồng tiền đã trở nên tiêu cực.

Khi lạm phát leo thang, nhiều địa phương, doanh nghiệp phải tự in tiền tạm thời coi như một dạng ngân phiếu thanh toán.


Dấu hiệu rõ rệt nhất về sự mất lòng tin này là việc các nhà cho vay tín dụng nước ngoài đột ngột rút khỏi thị trường vốn của Đức. Họ bán tống bán tháo hàng loạt công trái Đức.

Ngay từ khi Ngoại trưởng Walter Rathenau bị bọn cực hữu sát hại ngày 22/6/1922, mọi hy vọng về việc trở lại một quan hệ ổn định đã bị chôn vùi. Nhưng mãi đầu mùa hè 1923, tỉ giá đồng mark mới xuống dốc không phanh. Đồng mark đã mất đi cả ba chức năng của một đồng tiền: Nó không còn đơn vị tính toán, không còn là phương tiện thanh toán chứ đừng nói gì tới việc giữ gìn giá trị tài sản. Nhà sử học ở Bielefeld Helmut Kerstingjohaenner khẳng định: "Ngay từ giữa tháng 10/1922, đồng mark đã chết!".

Trong tháng 12/1922, một USD còn đổi được 2.000 mark, nhưng tới tháng 4/1923 đã trở thành 20.000 mark và tới tháng 8 đã lên trên một triệu mark.
Bên cạnh nhà in quốc gia, có lúc có tới trên 130 nhà in khác tập trung vào việc in tiền. 1.783 máy in được vận hành hết tốc lực những khi không thiếu giấy. Công nhân viên mang theo ba lô để lĩnh lương và chuyển ngay sang mua hàng hóa.

Chất đốt khan hiếm tới mức bệnh nhân tới bác sĩ khám bệnh được yêu cầu mang theo than để sưởi.

Tại nhiều nơi, cứ 9 giờ sáng xí nghiệp lại phát lương công nhật cho công nhân trị giá hơn 3 chiếc bánh mỳ. Các bà vợ đã chờ ngay trước cổng nhà máy để nhận tiền và vội vàng đi chợ mua hàng ngay, vì tới trưa người ta lại công bố tỉ giá mới.

Nhiều bác sĩ chỉ nhận chi phí khám chữa bệnh bằng hàng hóa như xúc xích, trứng hoặc than. Vì giá cả liên tục tăng nên các cửa hàng không niêm yết giá. Khi các nhà chức trách bắt buộc phải niêm yết giá, họ niêm yết thật cao để phòng tăng giá.

Ngay việc mai táng bằng hỏa thiêu mà nhiều công dân cũng không có tiền chi trả vì giá mai táng được gắn với giá than. Vì vậy, nhiều người lại phải mai táng theo lối truyền thống là chôn xuống đất trong quan tài cao chưa tới 50 cm.

Mọi người sống trong căng thẳng. Một mặt họ tiến hành cuộc đấu tranh hàng ngày để tồn tại, để có thực phẩm và chất đốt. Nhưng có một mâu thuẫn là thực ra hàng hóa có đủ, nhưng lại thiếu một đồng tiền ổn định để mua. Năm 1923, Hans Luther, người sau này làm Thủ tướng đã nhận xét: Nước Đức đang có nguy cơ chết đói trong khi kho đầy lương thực.

Mặt khác, người ta lại phung phí không tưởng tượng nổi. Họ hốt hoảng mua để dự trữ và sống cho qua ngày. Những tài sản, đồ vật có giá trị đáng kể là kim cương, đồ cổ, đàn dương cầm và các tác phẩm nghệ thuật. Ai có ngoại tệ thì chẳng khác gì hoàng đế.

Một thanh tra bưu điện đã bị bắt vì biển thủ những bức thư có gửi kèm ngoại tệ, tổng cộng lên tới 1.717 USD, 1.102 franken Thụy Sĩ, 114 franc Pháp. Số tiền đó đủ để mua 2 ngôi nhà, tặng người tình một chiếc đàn dương cầm và số còn lại đem quyên tặng nhà thờ để tỏ lòng ăn năn.

Nhìn chung, những tội phạm hình sự nhỏ tăng vọt. Người ta cướp khoai tây trong ruộng, cướp các cửa hàng bánh, ném vỡ cửa sổ bày hàng để lấy đồ. Không chỉ có giá cả không còn kiểm soát được. Mọi giá trị cũng bị đảo lộn. Tại các thành phố lớn, người ta mở các tiệm nhảy, các quán bar ăn mặc hở hang, ma túy được mua bán, sử dụng tràn lan. Người ta sống buông thả như không còn có ngày mai. Nhà kinh tế học Joseph Schumpeter nhận xét rằng việc đồng tiền mất giá khủng khiếp đã gây tác động mạnh tới tính cách con người, tới đạo đức và mọi khía cạnh của đời sống văn hóa.

Trong tình huống đó, khi đồng mark bị mất đi ý nghĩa, nhiều thành phố và doanh nghiệp đã tạo ra một đồng tiền riêng hoặc in đồng tiền tạm thời cho tình huống khẩn cấp. Một công ty công nghiệp ở miền nam nước Đức đã phát hành tờ giấy bạc mệnh giá 500.000 mark, trên đó có một câu cách ngôn: "Nếu một viên than tổ ong còn đắt hơn thì hãy cho tôi vào bếp". Cuối cùng tổng cộng có tới 2.800 loại tiền được lưu hành ở Đức.

Vũ Long (tổng hợp theo báo chí Đức)

Đón đọc kỳ cuối: Biện pháp quyết liệt

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN