Phá trận thủy lôi và bom từ trường - Kỳ cuối: Quyết chiến đến cùng

Ngày 9/5/1972, đế quốc Mỹ cho hàng loạt máy bay A6A, A7A, F4 từ hạm đội 7 ở Biển Đông ồ ạt bay vào thả hàng ngàn quả thủy lôi xuống luồng Nam Triệu (Hải Phòng), khu vực Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Hội, Sông Gianh, Hà Nam Ninh, Thanh Hóa, làm cho giao thông ra vào các cảng bị tê liệt, hàng chục ngàn tấn hàng hóa chưa kịp bốc dỡ. Trước tình hình ấy, Quân chủng Hải quân xác định nhiệm vụ và quyết chiến đến cùng.

 

Mưu trí dũng cảm


Đảng ủy Bộ Tư lệnh Hải quân một lần nữa khẳng định: Rà phá thủy lôi giải phóng luồng lạch bảo đảm an toàn giao thông là yêu cầu khẩn cấp bậc nhất có ý nghĩa chính trị, quân sự, kinh tế. Cần tập trung mở các luồng lạch ở khu vực trọng điểm ở Hải Phòng, Quảng Ninh, các cửa sông Quân khu 4, Cửa Hội, Sông Gianh, Nhật Lệ, Mũi Lay. Tranh thủ thời gian địch tạm ngừng bắn phá, Quân chủng Hải quân đã huy động 13 tàu ca nô của các Trung đoàn 128, 171, 172 và cùng với bộ đội của Trường sĩ quan Hải quân, bộ đội Không quân, dân công Cục vận tải đường biển, dân quân tại các địa phương ngày đêm bám luồng lạch rà phá thủy lôi.


 

Tuần tra bảo vệ đảo.

 

Ngay ngày đầu tiên trong trận chiến rà phá thủy lôi của địch, các lực lượng hải quân đã tháo gỡ được hàng chục quả, khơi thông luồng Nam Triệu bảo đảm cho các tàu có trọng tải 400 tấn hàng ra vào cảng Hải Phòng an toàn. Trong khi đó, một lực lượng bộ đội Trung đoàn 126 Công binh Hải quân ở địa bàn Quân khu 4 vẫn kiên cường bám trụ, tháo gỡ nhiều quả thủy lôi ở Cửa Hội, Nghệ An, sông Gianh, Quảng Bình, khơi thông luồng lạch cho tàu vào bến an toàn.


Phát hiện ta tập trung lực lượng rà phá thủy lôi trên các luồng vận chuyển, đế quốc Mỹ tìm mọi cách đối phó. Một mặt chúng cho máy bay tàu chiến đánh phá liên tục ở các khu vực trọng điểm hòng ngăn chặn các lực lượng rà phá thủy lôi, bom mìn, một mặt chúng tăng cường cải tiến “tính năng độc hại” của thủy lôi khiến ta không có cách rà phá tháo gỡ. Chỉ trong 4 ngày cuối tháng bảy, đầu tháng tám năm 1972, địch đã thả bổ sung hơn 1.400 quả thủy lôi và bom từ trường xuống các tuyến vận chuyển quan trọng gây nhiều khó khăn thiệt hại mới cho ta.

 

Đánh địch mà tiến, mở đường mà đi


Quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo “Tích cực chủ động, mưu trí sáng tạo, bí mật bất ngờ” trên tinh thần và quyết tâm “Đánh địch mà tiến, mở luồng mà đi”, các đơn vị hải quân luôn thể hiện ý chí kiên cường, bám sát liên tục hiện trường để rà phá. Đêm đêm dưới ánh sáng đèn dù và bom đạn của địch, các tàu rà phá của ta không ngừng hoạt động. Có bãi thủy lôi địch mới thả lúc sáng, tối các chiến sĩ đã bí mật xuống xuồng đi rà phá, sớm ngày mai bãi thủy lôi được tháo gỡ hoàn toàn, luồng lạch thông suốt.


Cựu binh Nguyễn Xuân Trình, người nghiên cứu về cách phá bom từ trường của Mỹ cho biết: “Trước sự tấn công của Mỹ bằng bom từ trường và thủy lôi, các lực lượng bộ đội hải quân nhất là lính công binh quyết tâm rà phá bằng được. Dù thủy lôi hiện đại thế nào đi nữa cũng phải tháo gỡ bằng mọi cách. Chỉ trong tháng 9/1972, Quân chủng Hải quân đã huy động 87 lượt tàu rà phá với chiều dài bãi thủy lôi lên tới 3.721 hải lý, vận chuyển trên 10.000 tấn hàng hóa, vũ khí đạn dược an toàn. Cuối tháng 9, toàn bộ luồng Bến Thủy và luồng Sông Gianh cùng một số bến phà được khai thông lần thứ hai”.


Đánh bại cuộc phong tỏa thủy lôi và bom từ trường của Mỹ trên sông biển miền Bắc có ý nghĩa lớn về quân sự, chính trị, đặc biệt về khoa học nghệ thuật quân sự trên chiến trường sông biển. Thắng lợi ấy đã góp phần khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, ý chí, sức mạnh to lớn của dân tộc Việt Nam không chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược nào, phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và nhân dân cả nước, trong đó bộ đội hải quân đóng vai trò chủ lực. Giá trị lịch sử của chiến công 40 năm trước, là ngọn cờ thực tiễn sinh động để Hải quân Nhân dân Việt Nam hôm nay tiếp bước và noi theo, khẳng định vai trò là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong tình hình mới.


Bài học kinh nghiệm trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ phong tỏa thủy lôi và bom từ trường trên sông biển miền Bắc những năm 1967 - 1968, 1972 - 1973 một lần nữa khẳng định một đội quân cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh, quân dân đoàn kết một lòng, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.


Ông Nguyễn Xuân Trình, nguyên chiến sĩ hải quân Lữ đoàn 125, người nghiên cứu khá kỹ về chiến công chống phong tỏa thủy lôi và bom từ trường trên sông biển miền Bắc của Mỹ phân tích: “Chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa bằng thủy lôi và bom từ trường trên sông biển miền Bắc là chiến công vang dội nhất, vừa khẳng định sức mạnh nội lực của bộ đội hải quân, vừa khẳng định tinh thần đoàn kết của quân, dân miền Bắc quyết tâm đánh giặc. Chiến công ấy lịch sử mãi mãi ghi ơn, dân tộc không quên công lao những chiến sĩ thầm lặng hi sinh đánh “giặc nước”, thế hệ hải quân Việt Nam ngày nay luôn tự hào về các chiến sĩ rà phá thủy lôi của địch cách đây 40 năm trước, và coi đó là tấm gương cao đẹp để học tập noi gương và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong tình hình mới”.


Từ chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường, bài học lớn nhất cho bộ đội Hải quân Nhân dân Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay là luôn nêu cao tinh thần cảnh giác với mưu đồ thôn tính chủ quyền Biển Đông của các thế lực. Xác định bảo vệ chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ chiến lược đặc biệt quan trọng của toàn dân, mà chủ lực là của bộ đội Hải quân. Bên cạnh nêu cao tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống, mỗi cán bộ chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng luôn mài sắc ý chí chiến đấu, dù gian khổ khó khăn, dù phải hi sinh đến tính mạng cũng kiên quyết bảo vệ biển, đảo, đó là sứ mệnh cao đẹp nhất.


Trong tình hình mới hiện nay, việc tập trung xây dựng biển đảo vững chắc về phòng thủ chiến lược, đẹp về cảnh quan môi trường, đoàn kết về tình quân dân là một tiêu chí quan trọng. Bên cạnh đó, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để tiếp tục đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Mỗi đảo nhỏ, mỗi nhà giàn DK1 là một pháo đài thép canh biển giữ đảo - lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

 


Bài và ảnh: Mai Thắng

Phá trận thủy lôi và bom từ trường - Kỳ 4: Cánh tay thép sá gì 'giặc nước'
Phá trận thủy lôi và bom từ trường - Kỳ 4: Cánh tay thép sá gì 'giặc nước'

Có được những chiến công vang dội trong chiến dịch rà phá thủy lôi của Mỹ ở nhiều cửa biển, ngõ sông Lạch Trường Thanh Hóa, luồng Nam Triệu Hải Phòng, không thể không nói đến những người lính kiên cường của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 171 năm xưa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN