Oppenheimer – Người đàn ông bí ẩn phát minh ra bom nguyên tử - Kỳ 1

Từ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, các nhà sử học cũng như giới nghệ sĩ đều bị J. Robert Oppenheimer thu hút. Ông là người tài giỏi, bí ẩn, là nhà vật lý lý thuyết đứng đầu phòng thí nghiệm Dự án Manhattan – nơi phát triển bom nguyên tử.

Kỳ 1: Oppenheimer và Dự án Manhattan

Từ năm 1946, có vô số phim tài liệu, phim truyền hình, kịch, sách, tiểu thuyết và thậm chí cả vở opera đã ra đời để khắc họa cuộc đời, công việc và di sản của nhà khoa học này. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, phần lớn chỉ còn một hình ảnh phổ biến duy nhất về ông: thiên tài thất thường, bị ám ảnh bởi phát minh của chính mình. Ông đã từng đọc một dòng trong cuốn kinh Ấn Độ Bhagavad Gita trong một bộ phim tài liệu năm 1965 của NBC News: “Bây giờ tôi trở thành cái chết, kẻ hủy diệt thế giới”.

Chú thích ảnh
Albert Einstein (trái) và Oppenheimer (phải) năm 1950. Ảnh: Wikimedia Commons

Nhưng cuộc đời của Oppenheimer không chỉ là hối tiếc. Kai Bird, đồng tác giả của cuốn tiểu sử đoạt giải Pulitzer năm 2005 “American Prometheus: The Triumph and Tragedy of J. Robert Oppenheimer” (tạm dịch:Prometheus của nước Mỹ: Chiến thắng và Bi kịch của J. Robert Oppenheimer), từng nhận xét: “Là cha đẻ bom nguyên tử, ông ấy thật thú vị. Nhưng điều thực sự trong câu chuyện là bi kịch”.

Sinh ra trong một gia đình Do Thái thế tục ở thành phố New York vào năm 1904 và được giáo dục tại Trường Văn hóa Đạo đức của Manhattan, Oppenheimer đã tốt nghiệp xuất sắc tại Đại học Harvard chỉ sau ba năm. Với ông, học ở Harvard dễ dàng hơn trải qua thời niên thiếu. Ông gặp khó khăn do mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần trong khi theo học lấy bằng tốt nghiệp tại Đại học Cambridge. Sau này, ông nhớ lại: “Tôi đã sắp sửa tự kết liễu đời mình”. Cuối cùng, ông bị quản chế sau khi tẩm hóa chất vào một quả táo và để nó trên bàn của gia sư.

Nhưng khi Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra vào năm 1939, Oppenheimer đã trở thành một nhà vật lý được kính trọng tại Đại học California, Berkeley. Tác giả Bird nói: “Ông ấy giống như bức biếm họa một vị giáo sư kỳ lạ”. Ông được ví là “động vật ăn tạp trí thức” vì ông đọc được tiếng Phạn, yêu thích thơ ca thời Elizabeth, thích cưỡi ngựa và biết pha chế một ly martini tuyệt vời.

Ông cũng đã đem lòng yêu Jean Tatlock, một thành viên đảng Cộng sản và là người đã đánh thức niềm đam mê chính trị trong ông. Theo tổ chức phi lợi nhuận Atomic Heritage Foundation, Oppenheimer có vẻ đồng cảm với các mục tiêu cộng sản, nhưng ông chưa bao giờ chính thức gia nhập đảng này. Nhưng nhiều bạn thân và gia đình của ông lúc này hay lúc khác đều là đảng viên Cộng sản: anh trai Frank Oppenheimer; người bạn Haakon Chevalier; và người vợ tương lai Kitty Oppenheimer.

Năm 1942, ông được tuyển vào một dự án bí mật do Tổng thống Franklin D. Roosevelt triển khai nhằm thu hút các nhà khoa học khắp nước Mỹ. Ba năm trước đó, nhà khoa học Albert Einstein đã viết một lá thư cho Tổng thống Roosevelt cảnh báo rằng những bước đột phá trong phân hạch hạt nhân sẽ tạo ra những quả bom cực kỳ mạnh thuộc loại mới. Lúc bấy giờ, có một cuộc đua tìm ra cách chế tạo một trong những quả bom kiểu này trước người Đức.

Mùa hè năm 1942, Oppenheimer tổ chức một loạt hội thảo bí mật tại Berkeley - nơi các nhà vật lý hàng đầu của Mỹ phác thảo sơ bộ về một quả bom. Hóa ra, Oppenheimer là một nhà quản lý bẩm sinh. Một đồng nghiệp của ông tên là Edward Teller cho biết: “Tôi không biết bằng cách nào mà ông ấy có được chỗ này để bàn bạc với mọi người. Những người biết rõ về ông ấy đã thực sự ngạc nhiên”.

Tháng 9 năm đó, Tướng Leslie Groves, một kỹ sư Lục quân từng giám sát xây dựng Lầu Năm Góc, đảm nhận vị trí Giám đốc Dự án Manhattan sau lễ khai trương văn phòng ở Hạ Manhattan. Tướng Groves biết về công việc xây dựng nhưng không biết về vật lý, vì vậy nhà vật lý ở Berkeley đã được ông chọn. Oppenheimer là nhà khoa học đầu tiên Tướng Groves gặp trong chuyến đi, người hiểu rằng việc chế tạo một quả bom nguyên tử đòi hỏi phải tìm ra các giải pháp thiết thực cho một loạt vấn đề. Tháng 10/1942, Tướng Groves bổ nhiệm Oppenheimer làm giám đốc khoa học của dự án.

Chú thích ảnh

Oppenheimer (trái) và Tướng Leslie Groves (phải) tại khu vực thử bom hạt nhân. Ảnh: Wikimedia Commons

Hoạt động này của chính phủ Mỹ đã đưa hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn nhà khoa học, thường dân và quân nhân đến Los Alamos, New Mexico. Các nhà khoa học làm việc dưới quyền Oppenheimer - người lúc đó 38 tuổi, đang học cách điều hành một phòng thí nghiệm.

Phòng thí nghiệm của Oppenheimer chỉ là một phần của Dự án Manhattan. Được xây dựng trên địa điểm của một trường nam sinh trước đây, Los Alamos là một trong ba thành phố bí mật mà chính phủ Mỹ sử dụng và cải tạo vào cuối năm 1942 và đầu năm 1943. Hai thành phố còn lại là Oak Ridge ở bang Tennessee và Hanford ở bang Washington chiếm phần lớn nhân lực, chi phí và quy mô công nghiệp của dự án. Dự án Manhattan sử dụng khoảng nửa triệu người từ năm 1942 đến năm 1945.

Tại Oak Ridge, urani được tinh chế tại nhà máy lớn nhất thế giới, mới được xây dựng phục vụ dự án. Tại Hanford, đã không còn cư dân sinh sống, nhà cửa của họ bị san phẳng để nhường chỗ cho các lò phản ứng sản xuất plutoni.

Ở Los Alamos, Oppenheimer trở thành một nhà lãnh đạo tài ba. Tác giả Bird nói: “Ông ấy có một giọng nói rất đặc biệt và rất nhỏ nhẹ. Người ta phải lắng nghe rất cẩn thận, nhưng ông ấy có sức hút mạnh mẽ”. Sức hút đó đã giữ cho phòng thí nghiệm này hoạt động hiệu quả ngay cả sau khi thiết kế quả bom ban đầu, được gọi là Thin Man, đã bị loại bỏ vào tháng 7/1944.

Cuối cùng, các nhà khoa học đã đưa ra được hai thiết kế khả thi để chế tạo quả bom, mà họ gọi là Fat Man và Little Boy. Lúc 5 giờ 29 sáng 16/7/1945, kết quả gần ba năm làm việc làvụ nổ hạt nhân đầu tiên trong lịch sử. Được gọi là cuộc thử nghiệm Trinity, vụ nổ thắp sáng những ngọn đồi trên sa mạc New Mexico.

Oppenheimer, vốn rất gầy gò, đã giảm cân trong suốt dự án. Trong thời gian đếm ngược, ông lo lắng tới mức không thở được bình thường. Sau cuộc thử nghiệm, Oppenheimer cảm thấy nhẹ nhõm.

Vào ngày 6/8/1945, chiếc máy bay ném bom Enola Gay đã thả Little Boy xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản. Ba ngày sau, chiếc Bockscar thả Fat Man xuống Nagasaki. Các ước tính về số người chết do hai vụ đánh bom này rất khác nhau, từ con số hiện tại là khoảng 110.000 đến ước tính sau này là gần 210.000. Vào ngày 15/8, Nhật hoàng Hirohito tuyên bố Nhật Bản đầu hàng.

Đón đọc kỳ 2: Cuộc chiến quanh quả bom nguyên tử

Thùy Dương/Báo Tin tức (Smithsonian Magazine)
Số phận quả bom nguyên tử thứ ba, không tấn công Nhật Bản mà giết hại chính người Mỹ
Số phận quả bom nguyên tử thứ ba, không tấn công Nhật Bản mà giết hại chính người Mỹ

Quả bom nguyên tử thứ ba đã không được thả xuống Nhật Bản như kế hoạch, nhưng khi quay trở lại Mỹ, phần "lõi quỷ" của nó lại khiến hai nhà khoa học vật lý thiệt mạng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN