Nữ y tá “tử thần” - Kỳ 1: Những nạn nhân bé bỏng

Nữ y tá Beverley Allitt dường như rất chú ý đến các bệnh nhi mặc dù có điều kỳ quặc là cô ta không bao giờ bế các bệnh nhi đang kêu khóc và cũng không biểu hiện cảm xúc gì khi các bé qua đời. Khi Allitt vào làm ở khoa nhi, không ai biết quá khứ của cô ta, không ai ngờ được rằng cô ta là nữ sát thủ kinh hoàng nhất nước Anh, người bị gán biệt danh “tử thần”

 

Kỳ 1: Những nạn nhân bé bỏng

 

Beverley Allitt.


Hai ngày sau khi vào làm ở khu số 4, khoa Nhi thuộc bệnh viện Grantham & Kesteven ở Lincolnshire (Anh), nữ y tá Beverly Allitt (23 tuổi) tỏ ra rất hào hứng với công việc. Vùng Lincolnshire ở miền trung nước Anh có dân số gần 100.000 người, một phần ba trong số đó là trẻ em. Mỗi năm có hơn 2.000 bé chào đời và phần lớn được sinh ra ở bệnh viện nơi Allitt làm y tá.


Mặc dù Allitt thường xuyên nghỉ ốm một cách bất thường và liên tục thi trượt kỳ thi y tá, nhưng cô ta vẫn được nhận vào bệnh viện Grantham & Kesteven với hợp đồng tạm thời sáu tháng do nơi này thiếu nhân viên.


Ngày 21/2/1991, bé Liam Taylor mới 7 tuần tuổi được bố mẹ đưa vào viện do bị sung huyết phổi. Khi gặp bố mẹ Liam, Allitt trấn an họ rằng cậu bé sẽ được những bàn tay tốt chăm sóc và khuyên họ về nhà nghỉ ngơi. Khi họ quay lại viện, Allitt thông báo tình trạng của Liam đã nặng hơn, bé đã được đưa đi cấp cứu và đã hồi phục.


Kayley Desmond may mắn sống sót sau khi bị Allitt tiêm.


Khi sức khỏe Liam khá hơn, Allitt một lần nữa đảm bảo với bố mẹ bé rằng cô ta sẽ chăm sóc và theo dõi bé cẩn thận. Cô ta thậm chí còn tình nguyện làm thêm giờ vào đêm thứ hai bé Liam nằm viện. Bố mẹ Liam quyết định ở lại viện và ngủ ở một phòng cạnh phòng của cậu bé.


Lúc nửa đêm, Liam lên cơn khó thở nhưng các bác sĩ tại bệnh viện đều cho rằng bé sẽ ổn và để Allitt một mình với cậu bé. Mọi chuyện sau đó diễn biến thực sự tồi tệ. Allitt bảo hai y tá lấy cho cô ta một số thứ. Khi một nữ y tá quay lại, cô này nhìn thấy Allitt đứng cạnh Liam, mặt trắng bệch như xác chết. Những vết sưng đỏ xuất hiện trên mặt Liam, tim cậu bé đã ngừng đập. Allitt kêu to gọi cấp cứu.


Nữ y tá trực cùng Allitt thực sự bối rối. Nếu Liam ngừng thở, chuông báo động lẽ ra phải kêu lên. Các bác sĩ lao tới làm mọi thứ để Liam thở trở lại nhưng họ đã thất bại. Họ phải dùng máy trợ thở cho cậu bé. Liam tội nghiệp đã bị tổn thương não nghiêm trọng và không còn gì có thể cứu vãn. Bố mẹ Liam đã phải dằn lòng quyết định bỏ máy trợ thở để bé ra đi. Vốn không có tiền sử bệnh tim nhưng Liam đã bị suy tim một cách khó hiểu.


Beverly Allitt chứng kiến toàn bộ quá trình cấp cứu Liam, không nói một lời rồi lẳng lặng mặc áo khoác và về nhà. Không ai hỏi cô ta điều gì dù cô ta luôn ở bên Liam. Sau đó, Allitt lại đi làm như chưa có chuyện gì xảy ra.


Ngày 5/3/1991, hai tuần sau khi Liam Taylor qua đời, khu số 4 khoa Nhi lại tiếp nhận một bệnh nhi khác. Timothy Hardwick, 11 tuổi, bị chứng bại não và lên cơn động kinh. Allitt nhanh chóng nhận nhiệm vụ chăm sóc cậu bé. Cô ta khá quan tâm tới Timothy nhưng chỉ vài phút sau khi ở một mình bên cậu bé, cô ta đã lao đi gọi cấp cứu, hô lên rằng tim bệnh nhân ngừng đập.


Allitt chụp ảnh cùng một bệnh nhi.


Bác sĩ vội vàng đến chỗ Timothy, thấy cậu đã tím tái và không thể cứu nổi. Cái chết của Timothy là điều hoàn toàn bất ngờ. Ngay cả sau khi khám nghiệm tử thi, người ta vẫn không thể tìm ra chính xác nguyên nhân tử vong mặc dù theo giấy tờ, nguyên nhân được ghi là do động kinh.


Năm ngày sau, bé Kayley Desmond, hơn 1 tuổi, đã nhập viện do ngực bị sung huyết. Rõ ràng ai cũng thấy bé hồi phục khá trong mấy ngày được Allitt chăm sóc. Nhưng tại đúng cái giường mà Liam qua đời, bé Kayley cũng rơi vào tình trạng tim ngừng đập. Kayley được hồi sức và chuyển tới một bệnh viện ở Nottingham. Sau khi kiểm tra kỹ càng, bác sĩ ở đây phát hiện ra một vết châm bất thường dưới nách bé. Tất cả chỉ dừng ở đó, không có cuộc điều tra nào.


Trong khi đó tại bệnh viện Grantham & Kesteven, chỉ trong bốn ngày đã có thêm ba bệnh nhi diễn biến bất thường về tình trạng sức khỏe khi đang được Allitt trông coi. Bé Paul Crampton, 5 tháng tuổi, bị viêm phổi và đã khỏi, nhưng chỉ ngay trước khi xuất viện, bé bị sốc insulin và ba lần gần như rơi vào tình trạng hôn mê. Mỗi lần cứu bé thoát cơn nguy hiểm, các bác sĩ lại không hiểu tại sau lượng đường huyết của bé tiếp tục bị hạ. Paul được chuyển lên xe cấp cứu đến Nottingham cùng Allitt và một lần nữa, bé lại bị sốc insulin. Paul may mắn thoát chết dù đã chạm vào cánh cửa của tử thần.
Tương tự bé Paul, bé Bradley Gibson, 5 tuổi, sau khi ở cùng Allitt cũng có lượng insulin trong máu quá cao và bị lên cơn đau tim. Bé cũng được đưa tới Nottingham và may mắn hồi phục.


Đến lúc này, người ta bắt đầu nghi ngờ rằng có gì đó không ổn, rằng tại sao lại có quá nhiều bệnh nhi chết hoặc rơi vào tình trạng tính mạng bị đe dọa chỉ trong một thời gian ngắn như vậy? Và điều quan trọng là các bệnh nhi đều do cùng một y tá chăm sóc.



Thùy Dương

 

Đón đọc kỳ tới: Lần theo dấu vết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN