Nữ hoàng Elizabeth II – Ánh cầu vồng Vương quốc Anh

Ngày thế giới biết tin Nữ hoàng Elizabeth II từ trần, cầu vồng đôi đã xuất hiện trên Điện Buckingham và Lâu đài Windsor. Người dân nói với nhau rằng Nữ hoàng đã để lại cho Vương quốc Anh ánh cầu vồng và thanh thản ra đi.

Ngày thế giới biết tin Nữ hoàng Elizabeth II từ trần, cầu vồng đôi đã xuất hiện trên Điện Buckingham và Lâu đài Windsor. Người dân nói với nhau rằng Nữ hoàng đã để lại cho Vương quốc Anh ánh cầu vồng và thanh thản ra đi.

Theo kênh CNN, ngày 8/9, Nữ hoàng Elizabeth II đã qua đời ở tuổi 96 sau thời gian trị vì lâu nhất trong lịch sử nước Anh. Bà là một trong những vị quân vương cuối cùng sinh ra trong thời đại hoàng gia châu Âu, khi các vị vua và nữ hoàng nắm giữ quyền lực chính trị thực sự.

Nữ hoàng Anh Elizabeth qua đời 7 tháng sau khi bà kỷ niệm 70 năm trị vì. Đây là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời nhiều dấu ấn của vị nữ hoàng được Vương quốc Anh và nhiều nước ca ngợi vì tận tâm, cống hiến liên tục, không mệt mỏi cho nhân dân và Hoàng gia Anh.

Bà là một trong những vị quân vương cuối cùng sinh ra trong thời đại hoàng gia châu Âu, khi các vị vua và nữ hoàng nắm giữ quyền lực chính trị thực sự. Ảnh: Getty Images

 

Trong gần một thế kỷ cuộc đời, Nữ hoàng Elizabeth đã chứng kiến ​​nước Anh chuyển từ một đế quốc suy tàn do chiến tranh thành một quốc gia đa văn hóa hiện đại. Dù chính trị đổi thay nhưng cả nước Anh vẫn luôn kính trọng bà.

Triều đại của Nữ hoàng Elizabeth II đã chứng kiến những vui buồn, thăng trầm, bão tố của cả thế giới, của nước Anh lẫn Hoàng gia, nhưng dưới sự dẫn dắt của bà, Hoàng gia Anh luôn nỗ lực theo kịp những thay đổi của thời đại.

Nữ hoàng Anh Elizabeth II có tên khai sinh là Elizabeth Alexandra Mary, sinh ngày 21/4/1926 tại Mayfair, Tây London. Năm 1936, lúc bà 10 tuổi, Vua Edward VIII - bác ruột của bà - rời bỏ ngai vàng để sống cùng vợ là một công dân Mỹ bình thường. Cha của bà lên ngôi, trở thành Vua George VI và Elizabeth trở thành công chúa nhưng trong suy nghĩ của bà chưa hề có ý nghĩ một ngày nào đó sẽ trở thành Nữ hoàng của Vương quốc Anh.

Nữ hoàng Elizabeth thời niên thiếu. Ảnh: Getty Images

Tháng 2/1952, Vua George VI lâm bệnh nặng, Elizabeth cùng chồng là Hoàng thân Philip đảm nhận vai trò thay vua cha thực hiện chuyến công du chính thức tới Kenya. Đó được xem là sự kiện cột mốc trong cuộc đời Elizabeth, đánh dấu hành động đầu tiên của bà trong vai trò người đứng đầu Hoàng gia. Đêm mùng 5 rạng sáng 6/2, Vua George VI từ trần, Elizabeth kế vị ngai vàng và trở thành Nữ hoàng Anh. Lễ đăng quang của bà được tổ chức vào ngày 2/6/1953 và được truyền hình trực tiếp. Đây là lần đầu tiên lễ đăng quang được truyền hình trực tiếp cho dân chúng xem, góp phần làm cho vương triều trở nên gần gũi với người dân. Lúc đăng quang, bà mới 26 tuổi.

Lễ cưới của Nữ hoàng Elizabeth cùng chồng là Hoàng thân Philip. Ảnh: Getty Images

 

Kể từ đó, nhiều sự kiện, hoạt động rầm rộ khác của Hoàng gia Anh cũng được truyền hình trực tiếp, như sự kiện đám cưới lộng lẫy của Thái tử Charles với Công nương Diana Spencer vào năm 1981. Những sự kiện truyền hình trực tiếp đó đã tạo nên một sức sống mới cho Hoàng gia Anh, mở ra những năm tháng đầy hứng khởi trong thời đại mới.

Ngày 9/9/2015, Nữ hoàng Elizabeth II trở thành nữ hoàng trị vì lâu nhất trong lịch sử nước Anh (vượt qua kỷ lục 63 năm, 7 tháng, 2 ngày của Nữ hoàng Victoria).

Sau bảy thập niên trên ngai vàng, Nữ hoàng Elizabeth II được người dân Vương quốc Anh kính trọng, ngưỡng mộ vì cách bà tận tâm, thầm lặng cống hiến cho nhiệm vụ và cũng vì cách bà quyết tâm giữ kín cuộc sống riêng tư của mình.

Nữ hoàng Elizabeth II được người dân Vương quốc Anh kính trọng, ngưỡng mộ vì cách bà tận tâm, thầm lặng cống hiến cho nhiệm vụ. Ảnh: royal.uk

Theo hiến pháp, Nữ hoàng Anh Elizabeth II có vai trò quan trọng như chủ trì lễ tuyên thệ quốc hội khóa mới và giải tán quốc hội, cũng như phê chuẩn dự luật. Tuy nhiên, những quyền lực này phần lớn mang tính nghi lễ. Vai trò thực tế của Nữ hoàng là trở thành biểu tượng cho sự đoàn kết của đất nước, giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân. Bà thực hiện các nhiệm vụ ngoại giao, cử hành các nghi lễ như đón tiếp nguyên thủ nước ngoài hay tham gia các sự kiện chính thức.

 

Không chỉ là nguyên thủ của Anh, Nữ hoàng Elizabeth II còn là nguyên thủ của Khối Thịnh vượng chung, tổ chức liên chính phủ gồm 53 quốc gia thành viên, hầu hết từng là lãnh thổ của Đế quốc Anh. Ngoài Anh, bà còn là nữ hoàng của 15 quốc gia khác trong khối, trong đó có Canada, Australia và New Zealand. Trên bình diện quốc tế, Elizabeth II là vị Nữ hoàng đặc biệt nhất, đáng kính và nổi bật nhất. Trong suốt gần 70 năm trị vì của mình, bà đã chứng kiến nhiều thay đổi về chế độ trong chính trường Mỹ. Bà đã có các cuộc gặp và đón tiếp 13 vị Tổng thống Mỹ.

Hoàng gia Anh từ lâu không trực tiếp tham gia vào điều hành và quyết định các vấn đề đối nội, đối ngoại của đất nước, nhưng sức ảnh hưởng và vai trò của Hoàng gia thì không chỉ là biểu tượng.

Sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời, Thái tử Charles đã kế vị ngai vàng, trở thành Vua Charles III của Vương quốc Anh. Vua Charles III thừa nhận sự ra đi của người mẹ thân yêu của ông là khoảnh khắc vô cùng đau buồn đối với ông và gia đình. Nhà vua chia sẻ: "Chúng tôi vô cùng thương tiếc trước sự ra đi của nữ hoàng đáng kính và một người mẹ rất mực kính yêu".

Ngay sau khi nghe tin Nữ hoàng qua đời, mặc dù trời đổ mưa, người dân Anh đã tập trung rất đông tại Cung điện Buckingham ở London và đặt hoa tưởng niệm. Họ hát vang bài “Chúa phù hộ Nữ hoàng”. Một số người đã khóc khi lá cờ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland trên dinh thự của Nữ hoàng ở London bị hạ xuống, trước khi bầu không khí im lặng bao trùm đám đông.

Người dân tập trung bên ngoài Cung điện Buckingham ở London và đặt hoa tưởng niệm. Ảnh: Reuters

 

Một người dân Anh bày tỏ: “Tôi không nói nên lời, rất buồn. Rất nhiều người Anh cũng sẽ cảm thấy như vậy. Nữ hoàng luôn hiện diện trong cuộc sống của mọi người”.

Cuộc đời nữ hoàng Anh còn nổi tiếng với mối tình sắt son hơn 70 năm với người chồng của mình - Hoàng thân Philip. Ông không chỉ là người chồng mà luôn là người bạn đồng hành kiên định của Nữ hoàng Elizabeth II.

Khi Công chúa xứ York lần đầu gặp Hoàng tử Philip, bà không có ý định sẽ trở thành Nữ hoàng. Elizabeth mới 7 tuổi, làm phù dâu cho thím của mình là Công chúa Maria của Hy Lạp và Đan Mạch trong đám cưới với Công tước xứ Kent tại Tu viện Westminster.

Hoàng thân Philip không chỉ là người chồng mà luôn là người bạn đồng hành kiên định của Nữ hoàng Elizabeth II. Ảnh: Getty Images

 

Lúc đó Hoàng tử Philip, 12 tuổi, dự lễ cưới với tư cách em họ của cô dâu. Hai đứa trẻ hầu như không nói chuyện, nhưng các tờ báo nước ngoài đã nhanh chóng gọi Hoàng tử Philip là người chồng Hoàng gia xứng đôi vừa lứa với công chúa nhỏ.

Khi hai người gặp lại nhau 5 năm sau, tức là năm 1939 thì mọi thứ đã thay đổi. Bác của Elizabeth, cựu Vương Edward VII, thoái vị 3 năm trước đó. Cha của cô bây giờ là Vua nước Anh và Elizabeth là người thừa kế ngai vàng hàng đầu tiên. Philip lúc này là một thiếu sinh hải quân 18 tuổi.

"Anh ấy nhảy cao làm sao!" Elizabeth thốt lên với phó mẫu của mình hồi tháng 7/1939 khi cô chứng kiến Philip nhảy bật qua lưới quần vợt tại trường Cao đẳng Hải quân Hoàng gia ở Dartmouth.

Trong chiến tranh, Philip đã viết nhiều lá thư cho Elizabeth và đến Điện Buckingham ở cùng trong dịp Giáng sinh năm 1943. Năm đó Elizabeth 17 tuổi. Công chúa không chỉ cuốn hút và thông minh, mà còn vui vẻ.

Khi chiến tranh kết thúc, Philip nghiêm túc chinh phục Elizabeth, thường đưa Công chúa dự các buổi hòa nhạc và tới nhà hàng.

Điện Buckingham ban đầu vẫn do dự về cặp đôi. Nhà vua và Hoàng hậu mong muốn công chúa được “nhìn ngắm thế giới nhiều hơn” trước khi kết hôn, trong khi các triều thần xì xào về việc Philip là người “không lịch thiệp”, “nóng tính” và có thể dễ thay đổi.

Nhưng Elizabeth không mảy may dao động. Cô đã ấn tượng với Philip từ năm 13 tuổi, và chiến tranh khốc liệt chỉ càng làm tăng thêm sự lãng mạn trong lòng công chúa đang tuổi cặp kê.

Cuối cùng Vua George đã nhượng bộ và lễ đính hôn được công bố vào ngày 8/7/1947, ngày cưới được ấn định vào 20/11 cùng năm. Philip nhập tịch Anh, đổi sang họ ngoại Mountbatten và được phong làm Công tước xứ Edinburgh.

 

Thời đó, người ta lo ngại rằng một quốc gia chìm sâu trong suy thoái sau chiến tranh có thể sẽ né tránh một đám cưới xa hoa. Nhưng Thủ tướng Winston Churchill đã chọn sự tốn kém, gọi đám cưới là “một tia sáng sắc màu trên con đường gian nan mà chúng ta phải đi”.

Các vị khách hoàng gia đến từ khắp nơi trên thế giới để xem công chúa kết hôn trong chiếc váy lụa đính 10.000 viên ngọc trai.

Vào đúng ngày 20/11/1947 tại Tu viện Westminster, Công chúa Elizabeth đã thề nguyện sẽ vâng lời chồng mình, điều mà về mặt kỹ thuật là không thể xảy ra khi bà trở thành là Nữ hoàng.

Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip có hơn 70 năm đồng hành cùng nhau. Ảnh: Getty Images

Philip đã quen với một cuộc sống năng động và hoàn thành tốt công việc tại Bộ Hải quân mà ông được giao. Hai người con đầu tiên của cặp đôi, Charles và Anne, sinh năm 1948 và 1950 khi gia đình sống tại Clarence House.

Có giai đoạn Philip đóng quân tại Malta và Elizabeth đã đến thăm chồng trong nhiều tháng. Ở đó, công chúa được sống tự do, chỉ đơn giản là vợ của một sĩ quan, tránh xa ánh mắt công chúng.

Đầu năm 1952, Elizabeth và Philip bắt đầu chuyến đi đến Kenya. Vào đêm 9/2/1952, Vua George VI qua đời trong giấc ngủ. Philip là người đầu tiên báo tin với vợ rằng người cha yêu quý của cô đã qua đời và họ lập tức trở về London. Cái chết của Nhà vua là một cú sốc lớn đối với cả Elizabeth và Philip. Elizabeth và Philip đã mong đợi có thêm nhiều năm nữa được tự do. Nhưng bây giờ Elizabeth đã là Nữ hoàng và mọi thứ đều thay đổi. Cả gia đình nhỏ phải chuyển từ Clarence House đến Cung điện Buckingham.

Nữ hoàng sánh bước với người chồng thân yêu. Ảnh: CNN

Hơn 70 năm đồng hành cùng nhau, Nữ hoàng Elizabeth II là vị quốc vương kết hôn lâu nhất và Hoàng thân Philip là vị hoàng tế phục vụ lâu nhất trên thế giới sau khi ông qua đời hồi tháng 4/2021 ở tuổi 99.

Nhìn cầu vồng đôi trên Cung điện Buckingham, người dân Anh nói đó chính là hình ảnh Nữ hoàng sánh bước với người chồng thân yêu của mình ở thế giới bên kia.

Các nhà lãnh đạo trên thế giới ngày 8/9 đã gửi lời chia buồn và bày tỏ niềm tiếc thương sâu sắc sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời.

 

Thủ tướng Anh Liz Truss, người vừa được Nữ hoàng bổ nhiệm ngày 6/9, cho biết Nữ hoàng là nền tảng xây dựng nên nước Anh hiện đại, tạo ổn định và sức mạnh cần thiết cho Vương quốc Anh.

Trong một tuyên bố, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ: "Là nguyên thủ quốc gia trị vì lâu nhất của Vương quốc Anh, Nữ hoàng Elizabeth II được nhiều người mến mộ vì phẩm giá và sự cống hiến của bà trên khắp thế giới. Nữ hoàng Elizabeth II là người bạn tốt của Liên hợp quốc. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với Nữ hoàng vì sự cống hiến bền bỉ, suốt đời của bà trong sự nghiệp phụng sự nhân dân. Thế giới sẽ mãi ghi nhớ sự tận tâm và khả năng lãnh đạo của bà".

Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh: "Nữ hoàng Elizabeth II còn hơn cả một người trị vì. Bà định hình cả một thời đại. Trong một thế giới liên tục thay đổi, Nữ hoàng Elizabeth II luôn hiện diện vững chắc và nguồn an ủi cũng như niềm tự hào của nhiều thế hệ người Anh. Di sản của bà in đậm trong những trang sử của nước Anh và trong câu chuyện về thế giới chúng ta."

Về phần mình, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đánh giá: "Nữ hoàng Elizabeth II đã luôn cho chúng ta thấy tầm quan trọng của những giá trị lâu dài trong thế giới hiện đại bằng sự phục vụ và cam kết của mình".

 

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định: "Nữ hoàng Elizabeth II đại diện cho tính liên tục và thống nhất của nước Anh trong hơn 70 năm qua. Bà là một người bạn của nước Pháp, một nữ hoàng nhân hậu, người đã để lại dấu ấn lâu dài cho đất nước và thế kỷ của bà".

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng Nữ hoàng Elizabeth II sẽ được nhớ đến "như một nhà lãnh đạo kiên trung trong thời đại của chúng ta. Sự lãnh đạo của bà đã truyền cảm hứng cho đất nước và dân tộc mình. Thật đau buồn trước sự ra đi của bà. Xin chia buồn với gia đình bà và người dân Vương quốc Anh".

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier nói: "Nữ hoàng Elizabeth II là người phụ nữ định hình thế kỷ, người chứng kiến và viết nên lịch sử đương đại". Ngoại trưởng Đức Annalena Bearbock đánh giá: "Nữ hoàng Elizabeth II là nguồn sức mạnh mang lại sự tự tin cho đất nước của bà trong gần 100 năm. Nước Đức sẽ mãi biết ơn bà vì đã tiếp cận chúng tôi cho các nỗ lực hòa giải sau thảm họa Chiến tranh thế giới thứ hai".

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói về Nữ hoàng Anh: “Những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử gần đây của Vương quốc Anh gắn bó chặt chẽ với tên của Nữ hoàng. Trong nhiều thập kỷ, Nữ hoàng Elizabeth II đã giành được sự yêu mến và tôn trọng của người dân, cũng như uy tín trên trường quốc tế”.

Còn nhớ hồi năm 2017, để kỷ niệm 65 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II, nước Anh đã phát hành đồng xu 5 bảng mới. Điểm đặc biệt là trên đồng xu này có khắc câu nói bất hủ mà Nữ hoàng đã phát ngôn gần 70 năm trước, khi bà tròn 21 tuổi: “Cả cuộc đời tôi, dù là ngắn hay dài, sẽ dâng hiến để phục vụ cho người dân”.

Ánh cầu vồng đã tắt nhưng sau khi sống trọn cuộc đời gần một thế kỷ với hơn 70 năm phục vụ người dân, Nữ hoàng Elizabeth II sẽ vẫn sống mãi trong lòng nước Anh.

Bài: Thùy Dương (tổng hợp)

Trình bày: Hồng Hạnh

Thuỳ Dương - Hồng Hạnh
Thủ tướng Anh ca ngợi những cống hiến to lớn của Nữ hoàng Elizabeth II
Thủ tướng Anh ca ngợi những cống hiến to lớn của Nữ hoàng Elizabeth II

Thủ tướng Anh Liz Truss ngày 8/9 đã có bài phát biểu bên ngoài ngôi nhà số 10 Phố Dowing tại thủ đô London sau khi Nữ hoàng Anh Elizabeth II băng hà trước đó cùng ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN