Những sự kiện đáng nhớ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 -Phần 3

Nổi dậy tiến công địch ở Đông và Tây Nam Bộ

* Ngày 13/3/1975: Bẻ gãy các mũi phản công của địch ở Buôn Ma Thuột, Phước An

Bộ Tư lệnh Quân khu 2 ngụy tập trung 226 chiếc máy bay vận tải và trực thăng đổ Trung đoàn 45, pháo đội 232 xuống Đông Buôn Ma Thuột, Phước An, cùng phối hợp với Trung đoàn 44 và tàn quân Trung đoàn 53 ngăn chặn quân ta phát triển xuống hướng đường 21 đánh ra Ninh Hoà, Nha Trang; đối phó với ta tiến công Pleiku và chờ cơ hội thuận lợi phản kích chiếm lại thị xã.

Bộ đội vận tải thuộc đơn vị 250 Gia Lai vận chuyển hàng phục vụ chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh tư liệu TTXVN


Nhưng ngay khi vừa đổ quân xuống, Trung đoàn 45 ngụy đã bị Trung đoàn 24 và một số đơn vị của Sư đoàn 10 của ta tiêu diệt phần lớn sinh lực và phương tiện chiến tranh. Số quân sống sót co cụm về khu Nông Trại cùng lực lượng Trung đoàn 53 và sở chỉ huy nhẹ của Sư đoàn 23 ngụy. Lúc này, tại Nông Trại - Phước An, số quân của địch là khoảng 5.600 tên.

Trước tình thế trên, Trung đoàn 28 và Trung đoàn 24 của ta chuyển sang tiến công nhanh chóng giải phóng Phước An - Chư Cúc.

Ở phía Bắc Tây Nguyên và chiến trường Trị-Thiên, Khu 5, bộ đội ta đẩy mạnh tác chiến phối hợp Sư đoàn 968 bộ binh đánh chiếm 2 lô cốt địch tại tây nam Pleiku, áp sát quận lỵ Thanh Bình, pháo kích sân bay Cù Hanh, Kon Tum. Bộ đội Gia Lai, Kon Tum hoạt động mạnh ở phía Đông Nam thị xã Pleiku.

Sư đoàn 3 và Trung đoàn 95A bộ binh chốt giữ các vị trí đã chiếm trên đường 19, phát triển ra hướng đèo Măng Giang, Vườn Xoài. Trung đoàn 25 bộ binh diệt một bộ phận quân địch từ Khánh Dương lên giải tỏa, tiếp tục chia cắt đường 21. Trung đoàn 271 bộ binh, tiểu đoàn 14 đặc công chiếm một số ấp vùng ven, áp sát sân bay Nhơn Cơ (Quảng Đức).

Ở mặt trận Trị-Thiên, lực lượng vũ trang quân khu của ta đưa một lực lượng lớn xuống vùng giáp ranh, đồng bằng, uy hiếp Huế từ phía Tây và Tây Bắc. Ở Khu 5, Sư đoàn 2, lữ đoàn 52 bộ binh và lực lượng vũ trang địa phương diệt chi khu quân sự Tiên Phước, bức rút quận lỵ Phước Lâm, chuyển hướng tiến công xuống đồng bằng cắt đường 1, uy hiếp thị xã Quảng Ngãi, Tam Kỳ.

* Ngày 14/3/1975: Phá hủy kho xăng Tam Hòa (Trị-Thiên), nổi dậy tiến công địch ở miền Đông và Tây Nam Bộ

Bị đòn thảm bại ở Buôn Ma Thuột, sáng ngày 14/3/1975, Nguyễn Văn Thiệu cùng Cao Văn Viên, Trần Thiện Khiêm, Đặng Văn Quang bay gấp ra Cam Ranh tổ chức cuộc họp với Phạm Văn Phú và bọn chỉ huy Quân khu 2 ngụy. Thiệu đã quyết định: “Rút khỏi Kon Tum, Pleiku để bảo toàn lực lượng, lấy quân đưa về giữ đồng bằng ven biển”.

Cùng ngày, Matin - Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn đã gửi cho Thiệu một bức điện khẩn yêu cầu “phải mở ngay một trận đánh với “quân Bắc Việt Nam” để lấy lại sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ trong việc chi thêm viện trợ, có thể là trận đánh đó ở vùng Tây Ninh” và khuyên Thiệu là “không nên nướng nhiều quân quá để chiếm lại Buôn Ma Thuột”.

Hòa chung khí thế tiến công với Tây Nguyên, ở Trị-Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương ra lệnh nhanh chóng tranh thủ thời cơ, táo bạo đưa cuộc tiến công và nổi dậy tiến lên giành những thắng lợi to lớn có ý nghĩa chiến lược. Tại Trị-Thiên, ta tiến công phá hủy kho xăng Tam Hòa, bức rút nhiều đồn bốt và chi khu ở vùng giáp ranh. Miền Đông Nam Bộ, ta diệt địch ở Suối Ông Hùng. Ở miền Tây Nam Bộ, ta tiến công mạnh ở Mỹ Tho, Kiến Tường, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ.

* Ngày 15/3/1975: Bộ Tư lệnh Chiến dịch chỉ đạo: Cần phải triển khai ngay kế hoạch đánh địch trong tình huống địch tháo chạy

Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn 2 ngụy, bí mật triển khai kế hoạch rút quân, sử dụng 2 liên đoàn biệt động quân số 6 và 23 cùng lữ đoàn kỵ binh số 2 ngụy làm nhiệm vụ bảo vệ đường. Liên đoàn công binh đi trước để chữa đường và bắc cầu. Từ đêm ngày 14 đến ngày 15/3/1975, Sư đoàn 16 không quân của địch đã vận tải cơ quan quân đoàn 2 và lính không quân về Nha Trang. Tin tức địch rút chạy loan truyền trong binh lính và nhân dân thị xã Pleiku.

Chiều ngày 15/3/1975, giữa lúc Bộ Tư lệnh Chiến dịch đang tiếp tục chỉ đạo các trận đánh, thì đồng chí Văn Tiến Dũng đã gọi điện trực tiếp thông báo: “Địch có khả năng rút chạy khỏi Kon Tum và Pleiku”. Bộ Tư lệnh Chiến dịch khẳng định: “Địch có thể rút bỏ Pleiku và Kon Tum là một khả năng hiện thực và tình huống rút chạy của địch có thể diễn ra. Vì vậy, cần phải triển khai ngay kế hoạch đánh địch trong tình huống địch tháo chạy”.

* Ngày 16/3/1975: Diệt Trung đoàn 45, làm chủ khu Nông Trại, truy kích địch trên đường 7:

Trên chiến trường chính Tây Nguyên, địch tiếp tục đưa Trung đoàn 44 Sư đoàn 23 vào bên trong tuyến co cụm, di chuyển sở chỉ huy Sư đoàn 23 xuống Nông Trại cùng tàn quân Trung đoàn 45 tổ chức cố thủ. Về phía ta, Trung đoàn 24 được bổ sung Trung đoàn 28 phối hợp chiến đấu tổ chức tiến công Nông Trại.

7 giờ 15 phút ngày 16/3/1975, pháo binh ta bắn chuẩn bị trúng vào sở chỉ huy Trung đoàn 45 của địch ở Nông Trại. Xe tăng và xe bọc thép chở bộ đội Trung đoàn 24 và tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 66 Sư đoàn 10) từ tuyến xuất phát tiến công. Địch có đưa xe tăng, pháo binh và không quân ra chặn đánh ta quyết liệt, nhưng chỉ đến 8 giờ, ta đã diệt toàn bộ Trung đoàn 45, làm chủ Nông Trại. Riêng chỉ huy Sư đoàn 23 đã chạy thoát bằng máy bay.

Vào thời điểm này, tại Kon Tum và Pleiku, lực lượng địch đang tổ chức rút chạy. Đồng chí Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng điện cho Bộ Tư lệnh Chiến dịch: “Địch đã rút chạy trên đường số 7, tổ chức truy kích ngay”. Bộ Tư lệnh đã nhanh chóng hạ quyết tâm: “Truy kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn rút chạy của địch trên đường số 7”.

Chiều ngày 16/3/1975, Sư đoàn 320 đang đánh địch ở đường 14, ngã ba Thuần Mẫn đi Cheo Reo được lệnh cấp tốc hành quân về truy kích bọn địch rút chạy trên đường 7.

(còn tiếp)


Thông tin tư liệu/TTXVN
Chiến dịch Tây Nguyên: Giải phóng Buôn Ma Thuột
Chiến dịch Tây Nguyên: Giải phóng Buôn Ma Thuột

Tại thị xã Buôn Ma Thuột, từ 2 giờ sáng, Trung đoàn 198 đặc công đã nổ súng tiến công sân bay thị xã, sân bay Hoà Bình, khu kho Mai Hắc Đế, mở màn cuộc tiến công Buôn Ma Thuột.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN