Những phụ nữ thánh chiến (Phần cuối)

Kể từ khi phát triển lực lượng nhanh chóng ở Iraq và Syria, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có vẻ coi trọng việc tuyên truyền nhằm lôi kéo những người phụ nữ vào hoạt động thánh chiến. Vậy những phụ nữ này là ai? Họ có vai trò gì? Động cơ nào đã thúc đẩy họ tham gia thánh chiến? Đó là việc giải mã một hiện tượng có ảnh hưởng vượt ra ngoài thế giới Arập.

3. Yếu tố lãng mạn


Các mạng xã hội cũng có tác động mạnh mẽ giống như một cơ cấu khởi động và tăng tốc trong guồng máy tuyển mộ cả đàn ông và phụ nữ. Người ta không thể dựng lên một chân dung duy nhất của người phụ nữ thánh chiến. Một số bị thu hút bởi những hình ảnh chiến đấu mà họ xem trên các mạng xã hội và sa vào một triết lý về sứ mệnh nhân đạo. Đa số các trường hợp này là những cô gái trẻ ngây thơ và dễ bị tác động. Một số phụ nữ khác cũng bị lôi cuốn do có cách nhìn đôi chút lãng mạn về tranh đấu và hành động hôn phối vì thánh chiến. Những đối tượng này thường bị quyến rũ bởi hình tượng một chiến binh oai hùng hoặc hình ảnh quyền uy của một thủ lĩnh tôn giáo được đăng tải trên các mạng xã hội.

Ngoài ra, còn có những phụ nữ đi tìm kiếm một bản sắc mà không có phương hướng. Đó thường là những phụ nữ phương Tây, bị lôi cuốn bởi hình ảnh một người hùng. Những phụ nữ này bị lạc trong một thế giới lãng mạn của cuộc chiến hoàn toàn bị xuyên tạc. Báo chí đã đề cập những trường hợp của nhiều cô gái trẻ, một khi tới thực địa, đã phát hiện thực tế khác xa với điều họ tưởng tượng và cảm thấy đã bị mắc bẫy. Một số thiếu nữ đang trong thời kỳ tâm lý nổi loạn cũng tham gia các nhóm thánh chiến để chống đối sự áp đặt của bố mẹ, hoặc vì sở thích trải nghiệm mạo hiểm. Một số ít phụ nữ khác tham gia các nhóm thánh chiến bởi niềm tin cực đoan, nhìn chung họ có độ tuổi cao hơn.

Bốn nữ chiến binh IS trong một buổi luyện tập chiến đấu.


Theo báo cáo của ISD, những lý do thôi thúc phụ nữ phương Tây đi tới quyết định đến mảnh đất thánh chiến (động cơ hành động giống như của đàn ông) gồm: tình cảm nảy sinh khi nhận thấy cộng đồng tín đồ Hồi giáo bị tấn công, họ cảm thấy phải làm một điều gì đó để thể hiện bổn phận đối với lý tưởng tôn giáo; tìm kiếm "tình đồng chí", tình đồng đội và tự nguyện đi tìm lẽ sống. Đối với số đối tượng nữ này, việc thành lập "Nhà nước Hồi giáo" (Khalifah) là một sứ mệnh đặc biệt cấp thiết.

4. Bị tác động tâm lý

Có nhiều trường hợp khác nhau trong số những phụ nữ Arập. Một số gia nhập các tổ chức thánh chiến sau khi bị mất người thân, họ theo đuổi việc báo thù. Một số khác cho rằng phụ nữ cũng có thể thực hiện vai trò như những chiến binh nam giới. Người phụ nữ sinh ra và lớn lên trong những xã hội gia trưởng sẽ có xu hướng thể hiện vai trò này bằng việc tham gia chiếu đấu. Họ sẽ bị chủ nghĩa cực đoan lôi kéo khi họ không còn gia đình và có nhu cầu được bảo vệ.

Ngoài ra cũng có một số trường hợp tham gia thánh chiến với niềm tin cực đoan. Việc suy nghĩ và quyết định của một cô gái trẻ Hồi giáo phương Tây đi tham gia thánh chiến xuất phát từ nhận thức lệch lạc. Đối tượng này là một "nạn nhân của sự tác động tâm lý".

5. Vì lợi ích thuần túy


Chính trong sự nghiệp của người Palestine mà hình ảnh người phụ nữ thánh chiến Hồi giáo sẽ sụp đổ. Người phụ nữ Palestine đầu tiên thực hiện đánh bom liều chết không phải là một phụ nữ thánh chiến. Bà Wafaa Idriss là thành viên của Lữ đoàn Tử vì đạo Al-Aqsa , một nhánh vũ trang của Fatah. Lữ đoàn Al-Aqsa tạo điều kiện để tuyển mộ phụ nữ trong khi nhóm Hamas và Thánh chiến Hồi giáo hoàn toàn phản đối sự tuyển mộ phụ nữ. Cuối cùng, chính do sự cạnh tranh ảnh hưởng và lo ngại bị mất vị thế mà các nhóm nêu trên đã đi tới việc chấp nhận tuyển mộ phụ nữ.

Tình hình diễn biến theo cách tương tự như trong nội bộ Al-Qaeda. Năm 2005, Abou Moussad al-Zarqaoui, một thủ lĩnh của nhóm thánh chiến Al-Qaeda ở Iraq, đã công nhận cuộc đánh bom liều chết đầu tiên ở nước này do một phụ nữ thực hiện. Nhóm Hezbollah ở miền Nam Liban đã sử dụng chiến thuật tấn công liều chết nhằm chống lại sự chiếm đóng của Israel. Tuy nhiên, không có cuộc tấn công liều chết nào do phụ nữ thực hiện và phe Hồi giáo dòng Shiite luôn luôn phản đối phụ nữ tấn công liều chết dù người phụ nữ này tình nguyện làm như vậy. Phe Hồi giáo dòng Shiite cho rằng người phụ nữ chỉ có vai trò hỗ trợ. Các phong trào Hồi giáo dòng Sunni cuối cùng đã chấp nhận những phụ nữ tấn công liều chết. Động cơ của hành động tấn công liều chết của những phụ nữ này không xuất phát từ niềm tin thánh chiến mà vì một lợi ích khác.

Hành động liều chết của người phụ nữ được xem là một chiến thuật không quá tốn kém tiền bạc. Cần coi đây là "sự méo mó về chiến thuật chiến tranh". Tuy nhiên, đối với một số nhóm thánh chiến, sự xuất hiện của phụ nữ ở nơi chỉ dành cho đàn ông này lại có tác dụng khích lệ chiến đấu đối với người đàn ông vì lòng kiêu hãnh của phái mạnh bị tổn thương. Đó chính là trường hợp của Al Qaeda ở Iraq trong khoảng thời gian 2005 - 2007. Nhóm Al Qaeda đã sử dụng chiến thuật này nhằm mục đích tạm thời giải quyết tình trạng thiếu kẻ tình nguyện: Từ tháng 5/2005 đến 12/2007, khoảng 15 phụ nữ đã thực hiện các cuộc tấn công liều chết ở Iraq, con số này tăng lên hơn 30 vào năm 2008.

6. Hình ảnh sốc

Không thể coi sự tham gia của phụ nữ vào thánh chiến là một yếu tố thể hiện bình đẳng giới. Các nhóm thánh chiến nêu trên chỉ có sự phân biệt đối xử với người phụ nữ và phụ nữ sẽ không bao giờ có vị trí quan trọng trong hệ thống chỉ huy. Phụ nữ chỉ bị coi là một công cụ chiến lược. 

Việc những phụ nữ phương Tây tham gia thánh chiến cũng không phải là sự bình đẳng giới mà đó chỉ là yếu tố bổ trợ về trách nhiệm. Hành động này được xem như không giả dối bằng kiểu bình đẳng mà phương Tây vẫn ca tụng, theo cách quan niệm làm theo ý Chúa Trời chứ không phải vì phục tùng đàn ông. Đối với các nhóm thánh chiến, sự tác động của biểu tượng thánh chiến đối với phụ nữ là một chiến thuật cần thiết để đảm bảo tăng cường hoạt động tuyên truyền. Tuy nhiên, các nhóm thánh chiến cũng tìm cách tránh lạm dụng quá mức chiến thuật này để không bị rơi vào tình trạng nhàm chán và giảm hiệu quả.

Hình ảnh người phụ nữ thực hiện những hành động tấn công tự sát tạo ra ấn tượng bị sốc, sự phản đối và không thể thông cảm. Tuy nhiên, vai trò của người phụ nữ và sự dính líu của họ đối với thánh chiến có thể tiếp tục gia tăng, trước hết nếu như xung đột bị rơi vào một vũng lầy không lối thoát. Việc phụ nữ tham gia thánh chiến luôn chỉ là một yếu tố phụ, dù đôi khi nó tạo ra một hình tượng, song hình tượng này sẽ kết thúc bằng sự sụp đổ.


Nguyễn Quang Hồng


Người phụ nữ phía sau những kẻ thánh chiến
Người phụ nữ phía sau những kẻ thánh chiến

Những phụ nữ đứng sau IS là ai? Họ có vai trò gì? Động cơ nào đã thúc đẩy họ tham gia thánh chiến?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN