40 năm ngày Giải phóng miền Nam-Phần IV: Thông tấn xã Việt Nam trong Mùa Xuân đại thắng

Những “cánh quân Thông tấn” (tiếp theo và hết)

Ngày 10/3/1975 ta giải phóng Buôn Ma Thuột. Ngày 24/3/1975, bình phong Tây Nguyên quan trọng của quân ngụy bị ta đập nát tan tành. Ngày 21/3/1975, ta bắt đầu đánh Huế, đến ngày 26/3/1975, thành phố Huế được giải phóng.

Nhân dân Đà Nẵng theo dõi tin chiến thắng qua bản tin của Thông tấn xã Giải phóng. Ảnh: TTXVN


Ngày 28/3/1975, ta bắt đầu tiến công Đà Nẵng. 15 giờ ngày 29/3/1975 trận tiến công căn cứ liên hiệp quân sự Đà Nẵng kết thúc thắng lợi. 17 giờ ngày 26/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu nổ súng. Ngày 28/4/1975, nội các Sài Gòn rối loạn, Tổng thống ngụy Trần Văn Hương (nhận chức sau khi Nguyễn Văn Thiệu bỏ chạy) giao quyền lại cho Đại tướng Dương Văn Minh. Ngày 29/4/1975 ta đánh trên tất cả các hướng của mặt trận: Hướng bắc là Quân đoàn I do Thiếu tướng Nguyễn Hòa làm Tư lệnh, Thiếu tướng Hoàng Minh Thi làm Chính ủy; hướng đông nam là Quân đoàn II do Thiếu tướng Hữu An làm Tư lệnh, Thiếu tướng Lê Linh làm Chính ủy; hướng tây bắc là Quân đoàn III do Thiếu tướng Vũ Lăng làm Tư lệnh, Đại tá Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy; hướng đông là Quân đoàn IV do Thiếu tướng Hoàng Cầm làm Tư lệnh, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện làm Chính ủy; hướng tây nam là Quân đoàn 232 do Trung tướng Lê Đức Anh làm Tư lệnh, Thiếu tướng Lê Văn Tưởng làm Chính ủy.

Trong khi đó tại Tổng xã của TTXVN, từ sáng sớm tôi và nhóm theo dõi thông tin (như đã đề cập ở bài trước) được lệnh phải săn cho bằng được tin Đại sứ Mỹ lúc đó là Graham Martin đã rời khỏi Sài Gòn chưa, vì đây là một tin rất hệ trọng. Nếu G.Martin đã rời đi thì mới đúng là Mỹ bỏ hoàn toàn ngụy quyền Sài Gòn, còn nếu G.Martin ở lại thì biết đâu Mỹ còn tập kết tại Hạm đội 7 của Mỹ ở Thái Bình Dương, sẽ quay lại tập kích ta. 9 giờ sáng 30/4/1975, chúng tôi nhận được tin của phóng viên phương Tây nói là Đại sứ Mỹ đã lên máy bay lên thẳng chạy ra Hạm đội 7 của Mỹ rồi. Lập tức tin này vừa được báo cáo trực tiếp với Quân ủy Trung ương, vừa được đánh máy gửi lên Bộ Chính trị và Trung ương Đảng. Phóng viên phương Tây ở Sài Gòn thông tin liên tục về các mũi tiến công của quân ta vào các vị trí của ngụy quân và ngụy quyền Sài Gòn.

Đúng 11 giờ ngày 30/4/1975, thì AP và UPI (Mỹ), Reuters (Anh) và AFP (Pháp) đều đưa tin đơn vị quân giải phóng đầu tiên của ta vào Sài Gòn. Đài Phát thanh Sài Gòn cũng la lối lên tin này. Một hãng thông tin nào đó (lâu ngày rồi tôi quên) còn mô tả rằng quân giải phóng vào Sài Gòn hôm đó hình như đều được phát quần áo mới, trông người nào cũng ăn mặc đẹp đẽ, gọn gàng và khỏe khoắn, tay xách tiểu liên AK. Cứ 100 m lại có một chiến sĩ nhảy từ trên xe xuống đứng gác rất nghiêm chỉnh. Trong khi đó, do có tổ chức phối hợp từ trước, nhân dân trong nội thành Sài Gòn đồng loạt nổi dậy, cắm quốc kỳ và cờ Mặt trận giải phóng ở khắp nơi. Người dân nhào xuống đường đón chào quân giải phóng, nhiều người dẫn đường cho quân ta tới Dinh Độc Lập, hay tiến đánh các nơi khác.

Đơn vị đầu tiên do Trung đoàn phó Trung đoàn 66 (Quân đoàn II), đại úy Phạm Xuân Thệ chỉ huy, vào tới Dinh Độc Lập, dinh lũy cuối cùng của chính quyền Sài Gòn và cờ Giải phóng được cắm trên nóc Dinh Độc Lập vào đúng 11 giờ 30 phút. Có lẽ vì thế nên lấy thời điểm 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 là ngày giờ chính thức giải phóng hoàn toàn Sài Gòn. Khi đó, chính quyền ngụy do Dương Văn Minh đứng đầu đang chờ sẵn. Thoạt đầu, Dương Văn Minh còn đề nghị ta thương lượng. Nhưng đồng chí chỉ huy đơn vị đánh chiếm Dinh Độc Lập gạt đi và dõng dạc tuyên bố: “Chúng tôi đã chiến thắng. Các ông đã thất bại. Các ông chỉ còn một con đường là đầu hàng!”.

Dương Văn Minh gục mặt xuống, cả Nội các Sài Gòn run sợ. Nhóm chiến sĩ do đồng chí Phạm Xuân Thệ chỉ huy đã áp giải Dương Văn Minh lên Đài Phát thanh Sài Gòn đọc lời đầu hàng đầu tiên, trong đó Dương Văn Minh không hề hạ lệnh cho ngụy quân ở các nơi hạ vũ khí, không được chống lại quân giải phóng. Đến khi đồng chí Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 thuộc quân đoàn II vào, thấy ý kiến của Dương Văn Minh như vậy là không được. Đồng chí Tùng đã đích thân viết bài đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc, trong đó vừa có đoạn tuyên bố Sài Gòn thất thủ, chính quyền Sài Gòn hoàn toàn đầu hàng quân giải phóng, vừa có đoạn hạ lệnh cho quân ngụy ở các nơi hạ vũ khí đầu hàng vô điều kiện, không được chống lại quân giải phóng. Các hãng thông tin phương Tây đồng loạt đưa lại tin này. Chúng tôi lại báo cáo ngay lên Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương sự kiện này.

Tuy chưa được lệnh của quyền Tổng Giám đốc Lê Chân, nhưng anh em đã ùa ra hành lang của 5 tầng nhà số 5 Lý Thường Kiệt và ở sân để hét toáng lên tin vui này. Lúc đầu, ta còn kịp viết các thông tin này lên bảng đen để ở cổng, nhưng sau đó không còn viết được nữa. Hàng ngàn người đổ về đứng chật ở cổng số 5, tràn qua vườn hoa Tao Đàn, kéo dài đến tận gần Nhà hát Lớn để nghe tin chiến thắng. Hai cánh cổng của TTXVN phải mở toang cho nhân dân tràn vào, đứng kín cả sân giữa trời nắng để nghe tin. Mọi người sung sướng hét ầm lên và cầm tay nhau nhảy múa và hát vang bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng!”. Cùng lúc đó bánh pháo dài đến cả chục mét kéo từ tầng 5 xuống tới sân của Tổng xã được đốt nổ vang trời, khiến mọi người càng thêm phấn khích.

Bây giờ ngồi nhớ lại, tôi vẫn thấy bàng hoàng, xúc động và biết ơn các thế hệ đi trước đã có nhiều đóng góp, hy sinh để tạo lập nên cơ nghiệp TTXVN đàng hoàng, to lớn và có nhiều triển vọng như hiện nay để chúng ta có được vinh dự tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành sắp tới.

Hồ Tiến Nghị

Kỳ tới: Miền ký ức xa xanh

Miền ký ức xa xanh
Miền ký ức xa xanh

Tôi không bao giờ quên đêm đi bộ gần 30 km từ cầu Mỹ Chánh vào Huế. Mũi đi trước này có các phóng viên Lâm Hồng Long, Ngọc Quả, Đức Kiều, Trần Tuấn... và tôi. Khi rút chạy, quân Sài Gòn đã phá hủy cây cầu này nên xe ô tô không thể nào qua được.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN